Lật tẩy xăng lẫn tạp chất trong 3 phút

Nghi ngờ chất lượng xăng dầu bị pha tạp, ông Bùi Bá Vỹ, Công ty Cồn Thông Hiệp (Hà Nội) đã đưa ra phương pháp kiểm tra nhanh tổng hàm lượng methanol, ethanol, propanol, butanol và aceton trong các loại xăng bằng nước.

Kiểm tra xăng bằng nước

Theo ông Bùi Bá Vỹ, hiện nay tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7332:2006 (phương pháp sắc ký khí) được sử dụng để kiểm tra các loại cồn trong xăng. Đây là phương pháp có độ chính xác cao (0,01%), xác định được hàm lượng từng loại cồn nhưng thời gian thử nghiệm lâu, đòi hỏi phải được thực hiện trong phòng thử nghiệm. Hơn nữa, máy sắc ký khí là thiết bị rất đắt tiền, phải là người có trình độ và qua đào tạo mới sử dụng được và chi phí thử nghiệm cao. Trong yêu cầu thử nghiệm tại hiện trường, thời gian thử cho kết quả nhanh chóng thì hiện nay chưa có phương pháp nào, nhất là phương pháp để người tiêu dùng có thể tự kiểm tra xăng có chứa methanol, ethanol, aceton....

Về phương pháp kiểm tra xăng bằng nước của mình, ông Vỹ giải thích, sáng chế này dùng để kiểm tra chất lượng xăng các loại nhằm xác định tổng hàm lượng methanol, ethanol, propanol, butanol, aceton có trong xăng. Các loại ancol có mạch cacbon dài (nhiều hơn 5), từ cồn pentanol trở lên thì không tan trong nước nên không áp dụng được phương pháp này.

Tác giả giải thích nguyên lý là do nước không tan trong xăng dầu mà methanol, ethanol, propanol, butanol (các loại này thuộc nhóm chất ancol: cồn) và aceton lại dễ tan trong nước. Các chất trên với độ tinh khiết cao (tức là hàm lượng nước ít), chúng có thể hòa tan trong xăng tạo hỗn hợp xăng - ancol/ aceton không bị phân lớp. Khi cho thêm nước vào, hỗn hợp xăng - ancol/aceton sẽ bị tách thành hai lớp rất rõ ràng. Xăng ở lớp trên, lớp dưới là ancol/aceton và nước.

Để chứng minh, ông Vỹ đã thực hiện việc kiểm tra chất lượng xăng bằng phương pháp này. Theo đó, việc thử nghiệm khá đơn giản với nước sinh hoạt thông thường hoặc nước cất và dụng cụ thử là một ống nghiệm 30ml có khắc vạch chỉ thể tích.

Lật tẩy xăng lẫn tạp chất trong 3 phút - 1

Ông Vỹ đang chỉ ra sự tách lớp và sự vẩn đục của xăng

Dễ làm

Việc tiến hành được thực hiện theo 3 bước. Bước 1: Cho nước vào ống nghiệm đến vạch 5ml. Bước 2: Tiếp tục cho vào 20ml xăng cần kiểm tra. Bước 3: Bịt đầu ống nghiệm chặt lại rồi lắc mạnh đến khi nước và xăng trộn đều với nhau (lật ngược ống nghiệm lắc mạnh khoảng 5 lần trở lên).

Sau khi lắc đều, dựng đứng ống nghiệm trở lại, dung dịch trong ống nghiệm sẽ phân thành hai lớp rõ ràng. Xăng nổi phần trên (có màu đặc trưng của từng loại xăng), Hỗn hợp nước và ancol/aceton nằm phía dưới.

Nếu xăng không chứa ancol/axeton: Phần xăng nổi phía trên ống nghiệm sẽ trong, không bị vẩn đục và mức nước trong ống nghiệm không quá 5ml (mức nước ban đầu).

Trong trường hợp mẫu xăng có pha lẫn tạp chất, phần xăng nổi phía trên ống nghiệm sẽ bị vẩn đục (đục "lờ lờ nước luộc hến" theo cách gọi dân gian) và mức nước trong ống nghiệm cao quá mức 5ml ban đầu. Phần chênh lệch thể tích này chính là lượng ancol/aceton có trong 20ml xăng.

Ông Bùi Bá Vỹ cho biết, ưu điểm của phương pháp này là chỉ sau khoảng 3 phút có kết quả với độ chính xác tương đối cao (khả năng phát hiện của phép thử thấp nhất là 0,5% hàm lượng ancol/aceton trong xăng). Phương pháp này đơn giản, chi phí kiểm tra thấp, không đòi hỏi máy móc phức tạp nên người tiêu dùng có thể tự làm.

"Sáng kiến thử xăng lẫn ancol bậc thấp và aceton tại nơi mua xăng là một điều đáng khích lệ, khen ngợi, người tiêu dùng có thể thực hiện. Tuy nhiên, không ai đi mua xăng lại cứ phải mang 1 ống nghiệm và ống đong có khắc vạch đến 0,1ml. Ngoài ra, nếu tác giả dùng 20ml xăng để thử, giả sử hàm lượng về thể tích của ancol/aceton là 0,5% thì trong 20ml xăng này sẽ chỉ chứa khoảng 0,12ml cồn/aceton (khoảng 2 - 3 giọt). Với lượng nhỏ này e rằng người tiêu dùng không nhận biết được sự thay đổi về thể tích. Cách thử này có lẽ chỉ áp dụng thuận lợi cho xăng bị pha tạp hàm lượng cồn/aceton bị pha từ vài phần trăm trở lên.

PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng (Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Giám định dân sự - VUSTA)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Hà (Bee.net.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN