Kỷ luật 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý

Sự kiện: Thời sự

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì và phát biểu tại phiên họp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì và phát biểu tại phiên họp

Không vì chống dịch mà “chùng xuống”

Chiều 20/1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo thông tin kết quả phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ông Trần Quốc Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì.

Thông báo kết quả phiên họp, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, phiên họp thứ 21 được triển khai dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và cho ý kiến về Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo.

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, nhấn mạnh, trong năm 2021, mặc dù trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; nhiều thành viên Ban Chỉ đạo mới được kiện toàn, bổ sung, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, sâu sát, với nhiều đổi mới của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo; sự quyết tâm, tích cực, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo… hầu hết các công việc theo chương trình công tác của Ban Chỉ đạo đã được triển khai thực hiện nghiêm túc và hoàn thành theo kế hoạch.

Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rõ rệt, có mặt cao hơn năm trước, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, không vì chống dịch mà “chùng xuống, không xử lý” của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh PCTN, tiêu cực, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.

Nổi bật là, nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và PCTN, TC được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện quyết liệt, tạo khí thế mới ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo về cơ chế phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm, tạo bước đột phá mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đối với 618 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 đảng viên so với năm 2020). Nhất là, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020). Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 81.290 tỷ đồng và 811 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.286 tập thể và 6.132 cá nhân, nhất là đã hoàn thành thanh tra chuyên đề diện rộng việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư, đấu thầu thuốc chữa bệnh; việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại 3 tập đoàn, tổng công ty. Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, kiểm toán được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực.

Khởi tố, điều tra 390 vụ án

Cùng với đó, công tác điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, xử lý các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Trong năm 2021, cả nước đã khởi tố, điều tra 390 vụ án/1.011 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau phiên họp thứ 19 đến nay, đã khởi tố 10 vụ án/40 bị can; kết thúc điều tra 15 vụ án/150 bị can; truy tố 16 vụ/164 bị can; xét xử sơ thẩm 21 vụ án/179 bị cáo, xét xử phúc thẩm 13 vụ án/74 bị cáo.

Điểm nổi bật là, đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp; tiếp tục mở rộng điều tra, kiên quyết, kiên trì đi sâu làm rõ bản chất tham nhũng, tiêu cực trong nhiều vụ án, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó 10 trường hợp cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Trong đó, đã kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm vụ án đưa, nhận hối lộ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; một số vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế, lợi dụng phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để trục lợi; các vụ án xảy ra tại Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, An Giang...

Xét xử kịp thời 10 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, gồm: Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh; Vụ án “Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan; Vụ án “Đưa hối lộ; Môi giới hối lộ; Nhận hối lộ" liên quan đến Phan Văn Anh Vũ…

Ban Nội chính cũng nhấn mạnh, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án chuyển biến tích cực, các cơ quan chức năng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 15.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị lớn.

Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ năm 2013 đến nay đã thu hồi được hơn 31 nghìn tỷ đồng (đạt tỷ lệ 33,33%). Trong đó, năm 2021 đã thu hồi được trên 9.000 tỷ đồng (tăng hơn 7.100 tỷ đồng so với năm 2020). Nhất là, đã thu hồi được số tiền gần 2,7 triệu USD và 127 nghìn đô la Singapore của Phan Sào Nam ở nước ngoài…

Nguồn: [Link nguồn]

Lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư

Theo kế hoạch của Trung ương, trong nhiệm kỳ này sẽ tiếp tục thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm trong Ban chấp hành...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Luân Dũng ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN