Kỳ lạ làm chục mâm cỗ, ăn uống linh đình 'cúng' người sống ở Bắc Giang

Sự kiện: Thời sự Bắc Giang

Không cúng giỗ cho người đã khuất, người dân tộc Nùng ở Bắc Giang lại tiến hành làm cỗ, báo hiếu cho cha, mẹ khi họ đang có mặt trên cõi đời.

Cúng Thổ công có rượu, thịt mang về

Người Nùng sống tập trung ở các tỉnh đông bắc Bắc Bộ như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang… Ở mỗi địa phương, dân tộc này lại có những phong tục, tập quán độc đáo riêng.

Tại Lạng Sơn, ông Hoàng Văn Làng, trưởng thôn Nà Han (xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) cho biết, mỗi bản người Nùng ở đây đều có một đình, miếu để thờ cúng Thành hoàng, Thổ công và là nơi sinh hoạt chung của dân bản.

Hàng năm, người Nùng ở thôn Nà Han cúng Thổ công vào mùng 2 Tết. Người dân mang lễ đến miếu thắp hương. Mâm lễ gồm gà luộc, bánh chưng, bát cơm, chai rượu, hương, bánh kẹo… Họ tỏ lòng biết ơn sau một năm mùa màng bội thu và mong năm mới thời tiết thuận hòa, thuận lợi cho làm ăn.

Ông Hoàng Văn Làng, trưởng thôn Nà Han. Ảnh: Nguyễn Thảo

Ông Hoàng Văn Làng, trưởng thôn Nà Han. Ảnh: Nguyễn Thảo

‘Những dịp này, người dân cũng góp tiền làm cỗ, sau đó tập trung ăn uống tại miếu. Mỗi gia đình, sau khi cùng nhau ăn, được mang về nhà một bát nhỏ thịt và ít rượu. Chúng tôi thường xào qua số thức ăn đó, đặt lên bàn thờ để dâng tổ tiên’, ông Làng nói.

Ngoài dịp đầu năm, vào các ngày 3/3, ngày 5/5, ngày 6/6, 15/ (âm lịch)..., người Nùng ở đây cũng tổ chức họp mặt, ăn uống.

Khi đồng ruộng có nhiều sâu bọ cắn lúa người Nùng cũng làm lễ cúng gọi là lễ khử trùng. Không chỉ xin mùa màng bội thu, vào các dịp đám cưới, ngày vui người dân cũng đến miếu để mong điều may mắn trong đời sống hôn nhân.

Cũng theo người dân tộc Nùng, ở đây, một bữa cơm khác khá quan trọng của họ là bữa cơm xua đi những rủi ro dịp cuối năm. Mâm cơm này nhiều món thịt, măng, rau, nhưng không thể thiếu thịt vịt.

Theo quan niệm của người Nùng, thịt vịt là món món ăn để kết thúc một năm, xua đi những điều xui xẻo và sang năm mới đón nhận nhiều điều tối đẹp.

‘Cúng’ cho người sống

Nếu như người Việt làm mâm cúng cho người đã khuất nhằm tỏ lòng biết ơn thì tại Bắc Giang, dân tộc Nùng lại có tục lệ đặc biệt là không làm giỗ cho người đã khuất.

Anh Văn Hoan (SN 1987, xã Tam Dị, Lục Nam, Bắc Giang), cho biết, thay vì làm cỗ linh đình cúng người chết, người Nùng ở đây có tục ‘cúng’ cho người sống. Đó là việc con cái làm sinh nhật cho cha mẹ.

Họ tin rằng, người đã chết không thể ăn và thưởng thức nên việc làm mâm cỗ cúng linh đình sẽ không có ý nghĩa. Thay vì nhớ ngày để cúng giỗ bố mẹ, ông bà tổ tiên sau khi họ mất đi, con cháu sẽ phải nhớ ngày sinh của bố mẹ để tổ chức sinh nhật.

Một ngôi nhà của người Nùng. Ảnh: Nguyễn Thảo

Một ngôi nhà của người Nùng. Ảnh: Nguyễn Thảo

Ông Đào Văn Quảng, Phó chủ tịch UBND xã Tam Dị, cũng thông tin thêm: ‘Việc tổ chức sinh nhật tùy theo điều kiện từng gia đình, có thể làm to, nhỏ khác nhau’.

Gia đình có điều kiện kinh tế khá có thể làm mấy chục mâm cỗ, con cháu về ăn uống linh đình. Gia đình không có điều kiện chỉ làm 1, 2 mâm sum họp, cho cha mẹ vui lòng.

Việc làm sinh nhật cho cha, mẹ cũng không đều đặn hàng năm và cũng có gia đình làm, gia đình không.

‘Sau khi người thân chết, người Nùng tiến hành làm đám ma, chôn cất. Hàng năm, người dân ở đây chỉ đi tảo mộ vào tiết Thanh Minh, không cúng giỗ hàng năm như người Kinh’.

‘Xã Tam Dị có 18 nghìn dân, trong đó có khoảng 4 nghìn người dân tộc Nùng. Trước đây, người Nùng có những phong tục tập quán khác biệt như trong các đám cưới, cô dâu sau khi có con mới về nhà chồng hay họ làm đám cưới linh đình ăn uống 2, 3 ngày liên tục.

Tuy nhiên những tập tục đó giờ không còn nữa, người Nùng dần dần sinh hoạt văn hóa như người dân tộc Kinh’, ông Quảng cho biết.

Vị Phó Chủ tịch xã cũng thông tin thêm: ‘Kinh tế của người Nùng ở xã Tam Dị ngày nay khá hơn do họ có nhiều ruộng nương, rừng và hiện tại số lượng người đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… nhiều.

Ví dụ thôn Bãi Lời, xã Tam Dị, do kinh tế khá nên 500 hộ dân ở đây đã góp kinh phí, mua đất để làm sân bóng riêng cho thôn, góp tiền mở các giải bóng đá, bóng chuyền, hội hát then… khiến đời sống vật chất, tinh thần của người Nùng ở đây trở nên sôi động hơn’.

Chuyện chưa kể về ngôi làng địa linh mang hình “cá chép hóa rồng”

Bản đồ làng Hành Thiện (nổi tiếng là vùng đất địa linh sinh nhân kiệt) mang hình một con cá chép: Đầu hướng Nam, đuôi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Trang - Nguyễn Thảo ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN