"Kình ngư" một chân ngụp lặn cứu người

Người đàn ông ấy được mệnh danh là “vua đầm Thủy Triều”, không chỉ bởi thời gian gắn bó với đầm lâu nhất, mà vì ông là người hiểu rõ đầm này nhất so với những bạn lặn. Điều đặc biệt hơn cả là ông thợ lặn này chỉ có một chân.

"Kình ngư" một chân

Nếu là dân lặn biển, lặn đầm thì một người có sức khỏe bình thường cũng chẳng ai dám lặn như người đàn ông ấy. Vậy mà ông chỉ có một chân, vẫn ngày ngày lặn ngụp nơi đầm Thủy Triều để mưu sinh, để cứu vớt những phận người suýt làm mồi cho hà bá. Chúng tôi biết chuyện về ông qua một thợ lặn khác, và chẳng thể ngờ được, câu chuyện về ông lại đặc biệt hơn cả những lời kể.

Nay đã hơn 54 tuổi, cái nghề ấy vẫn chưa chịu từ bỏ ông. Ông làm việc còn hăng hái và thành thạo hơn trai tráng, mỗi lần lặn đầm của ông có lúc kéo dài đến 4 tiếng. Ông Nguyễn Kính (xóm 3, Cam Hải Đông, Cam Lâm, Khánh Hòa) thực sự khiến nhiều người kinh ngạc, không chỉ với tài lặn mà còn vì những hiểu biết của ông về quy luật của cái đầm dài hơn 20km này.

Tài lặn của ông ở xứ này không ai không biết. Năm 14 tuổi, ông giẫm phải mìn còn xót lại trong chiến tranh khi đang vui chơi với bạn bè. Thế là ông chỉ còn một chân. Lớn lên bên đầm Thủy Triều, số phận đã gắn kết ông với nghề chài lưới lặn đầm, kể cả khi ông bị thương tật. “Đó là cách duy nhất để tôi mưu sinh mà. Khi tôi còn trẻ, ngày bơi qua đầm mấy lần ấy chứ, bây giờ thanh niên trai tráng còn phải thua xa!”, ông tự hào nói về khả năng bơi lặn đặc biệt mà mình có được.

Nhưng lúc đầu khi ông mon men ra bến thuyền để lặn, nhiều người đã không khỏi lo sợ: “Chân tay như thế mà lặn cái gì! Người ta lành lặn mà còn chẳng ăn ai, huống chi què cụt như thế!”. Nhưng rồi, ông lao xuống nước và làm một mạch khiến mọi người trên bờ phải thất kinh. Từ đó, ông theo nghề lặn để mưu sinh khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.

"Kình ngư" một chân ngụp lặn cứu người - 1

Ông Kính đang chuẩn bị thiết bị lặn đầm

Tôi chẳng thể nào tưởng tượng được cái cách mà ông ngụp lặn giữa dòng nước như thế nào. Nhưng ông cười hềnh hệch bảo đơn giản thôi. Vì mất đi một chân, nên trọng lượng cơ thể của ông dồn hết về 1 phía, do đó, khó khăn lớn nhất là lúc nổi lên mặt nước và trèo lên thuyền.

“Tôi không giữ thăng bằng được như người ta, nên để có thể leo lên thuyền, tôi đã phải luyện chiếc chân trái của mình trở nên dẻo dai và thành chân thuận; vì ở dưới nước người sẽ nổi lên, quan trọng là chân có đủ dẻo để giơ lên và bám vào thuyền rồi trèo lên hay không thôi?”.

Trong trường hợp trời mưa, ướt thuyền, gỗ trơn trượt, ông Kính phải bám vào thành thuyền và bơi kéo thuyền vào bờ, chứ không nhất thiết phải lên thuyền. Nhằm đảm bảo cơ thể ở dưới nước trong thời gian khoảng 2 tiếng/lần lặn, ông Kính đã buộc vào mình 1 khối lượng chì nặng 20kg, và mặc áo lặn để góp phần giữ nhiệt cho cơ thể vào mùa lạnh hoặc những khi lặn quá lâu. Ông chỉ nổi lên khi có việc cần thiết, còn không thì cứ ở lì dưới đáy đầm để kiếm sống.

Nói về “con rái cá trên đầm Thủy Triều” này, ông Nguyễn Phổi, tổ trưởng tổ dân phố Cam Đức, Cam Lâm, Khánh Hòa cho biết: “Tôi biết ông Kính lâu lắm rồi, nếu nói về người chỉ còn 1 chân mà đi lặn đầm và bắt hải sản tài như ông ấy thì quả là hiếm gặp. Trước kia, khi chưa có sự hỗ trợ của ắc-quy và quần áo lặn biển, ông Kính vẫn thường “lặn bộ”, tức là mình trần lao xuống đáy đầm và bắt hải sản trong vài phút rồi lại nổi lên, cứ như vậy cả ngày.

Đến nay, nhiều khi ông vẫn “lặn bộ”, vì ắc-quy có chì bên trong nên không khí không sạch! Thế mà ông đã lặn được hơn 30 năm rồi đấy!”. Với nhiều người bình thường, kể cả khi có sự hỗ trợ của kỹ thuật hiện đại, việc lặn trong thời gian dài cũng không hề đơn giản. Những ngư dân khác có thể vừa chèo thuyền bằng chân vừa nghỉ ngơi, nhưng ông phải luôn luôn đứng hoặc ngồi xổm trong khi chèo thuyền, vì khớp xương đầu gối của ông đã bị hỏng. Vì lý do này, ông đã sớm trang bị thuyền nhỏ chạy bằng động cơ để có thể tiện lợi hơn trong cuộc sống. Với ông Kính, những chuyến “lặn bộ” vẫn luôn được tiến hành đều đặn, nhất là khi thủy triều hạ, mực nước thấp.

Ông Kính có 2 chiếc chân giả, 1 dùng để đi lại ngày thường, 1 dùng vào những dịp lễ tết, giỗ họ tộc, và những ngày quan trọng khác. Đôi chân gỗ cũ kỹ, được ông đặt làm từ hơn 8 năm trước. Chân phải ông bị mìn cưa nát đến tận đầu gối, những khi “trái gió trở trời” vết thương cũ vẫn hành hạ ông. Nhớ ngày mới tham gia lặn đầm, người trong gia đình ông luôn ngăn cản vì chân ông đã như vậy, sao lại còn lặn được? Nhưng mãi rồi họ cũng quen, ông dần dần trở thành kình ngư! “Không làm thì lấy gì mà ăn, tôi sinh ra bên đầm thì phải dựa vào đầm mà sống chứ!” , ông cười tâm sự.

Một đời với đầm

Giờ đây tuổi đã cao, sức khỏe không còn như trước, nhưng nếu kể đến hiểu biết dưới đáy đầm cũng như kinh nghiệm mò bắt hải sản, có lẽ khó có ai ở đầm hơn ông được. “Ngày tôi chỉ kiếm được khoảng 7-8kg con đuôi heo bán khoảng 150 ngàn, nhưng tôi chỉ làm 1-2 tiếng trong khi cũng cân lượng như thế, thanh niên phải mất từ 3-4 tiếng đấy!”. Chính những hiểu biết của ông về con đầm này mà hiệu quả công việc của ông cao hơn người thường.

"Kình ngư" một chân ngụp lặn cứu người - 2

Chèo thuyền ra xa bờ để tìm vị trí lặn

Nơi đáy đầm luôn tồn tại những nguy hiểm mà ngay cả những thợ lặn chuyên nghiệp cũng không ngờ tới, nhưng với ông Kính lại là chuyện cơm bữa. Đoạn sâu nhất vào khoảng 7m nước, người lặn mò thủy sản và đuôi heo có thể đi bộ dưới đáy đầm như đi trên bờ một cách thoải mái. Để làm được điều đó, họ phải có sự hỗ trợ của hàng chục ký chì đeo trên người cũng như ắc-quy để chạy máy nổ bơm không khí.

Đầm Thủy Triều, là đầm nước mặn lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, trải dài hơn 20km, ăn sâu vào đất liền, nơi rộng nhất khoảng 300m. Đáy đầm có khoảng 1.500 loại thủy sinh cư trú. Đây là nơi có chế độ thủy văn, thủy triều hết sức thuận lợi cho tàu cá loại nhỏ cũng như các loại động vật thủy sinh tồn tại và phát triển. Hiện nay, tài nguyên đầm đang ngày càng cạn kiệt dần. Thời gian gần đây, việc trồng cây ngập mặn và thảm rong biển đang được chú trọng nhằm cải thiện môi trường sống trong đầm.

Không còn đôi chân như những người “chạy đầm” bình thường, nhưng ông có thể lặn với đôi chân giả cũ kỹ của mình. Việc làm này khiến tất cả các thợ lặn trong vùng phải nghiêng mình kính nể. “Tôi bái phục ông ấy thật sự đấy! Chưa thấy ai như ông ấy cả, mất 1 chân, đeo chân giả vô lặn hơn cả đám thanh niên chúng tôi!”, người thanh niên làm nghề trong vùng thể hiện sự kính nể của mình với ông.

Ông Kính từng lặn và bắt được những loại cá có trọng lượng lớn, chất lượng thịt cao: cá giò, cá bò, cá bớp… có con thuộc dạng “khủng” nặng hơn 10kg. Nhắc đến Kính “cụt”, hầu như người dân nào ở khu vực đầm thủy triều này cũng đều biết đến ông với tài bơi, lặn thành thạo như con “rái cá” dưới lòng sông. Ông cũng là người trực tiếp trục vớt cả chục người chết đuối, hàng trăm tàu, ghe lớn nhỏ bị va chạm hoặc sóng đánh chìm trên con đầm này...

Nắm rõ quy luật sinh tồn của đầm vốn dựa vào lớp bùn dưới đáy sâu, ông Kính không bao giờ lặn vào thời gian trời mưa gió. “Nếu thời gian mưa gió mà lặn dưới đầm, rất dễ bị chôn sống vì bùn đất các nơi đổ về, đầm nằm ở vị trí thấp, nên lượng đất, cát đổ xuống đáy đầm mỗi khi trời mưa là rất lớn!”, ông Kính cho biết. Học theo ông, nhiều thanh niên đã không còn lặn đầm mỗi khi trở trời, mưa gió. Ông Kính “cụt” là 1 trong các lão ngư am hiểu rõ nhất và trải nghiệm mọi sự thay đổi của đầm Thủy Triều. Vì là đầm nước mặn, mỗi khi mưa bão, nước ngọt từ núi cao đổ về làm cá sẽ thiếu oxy nổi lên dọc 2 bên bờ đầm. “Lúc ấy chỉ việc vớt lên đem bán, cá còn thoi thóp vì nước mặn bị nước ngọt làm loãng chứ không phải dịch bệnh hay thuốc độc gì cả!”, ông Kính chia sẻ kinh nghiệm “thu hoạch” cá mỗi khi trời mưa gió. Điều thú vị này chính là bí quyết nuôi sống những người dân quanh đầm mà không cần phải “chạy đáy” hay thả lưới vào lúc giông bão, tối trời đầy hiểm nguy như trước nữa.

Ngồi trò chuyện với tôi một lúc, ông Kính cười sảng khoái nhưng đôi mắt vẫn hướng ra phía đầm, nơi ấy có những con thuyền nhỏ mong manh như chiếc lá trên mặt nước. Ông bảo nghề lặn đầm bây giờ thu nhập kém hơn trước, nhiều bạn lặn đã bỏ nghề vì không lo nổi cuộc sinh nhai, chỉ còn vài ba người yêu nghề là trụ lại. Nhưng với ông, đầm Thủy Triều dẫu không còn loài thủy sinh cho ông đánh bắt, thì ông vẫn cứ ra đầm, vẫn cứ lặn ngụp, bởi nghề lặn đã ăn vào máu ông rồi, không bỏ được nữa…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Gia Ly - Đức Thọ (Dòng Đời)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN