Kinh hãi ”chợ độc dược” Hà thành

Một nồi ngô luộc chỉ cần cho vài thìa “săm-pết” (còn gọi là muối diêm) là để cả tuần không thiu. Một nồi chè to chỉ vài viên “B1” là ngọt lừ như cho cả cân đường kính…

Đường hóa học tràn lan ở chợ!

Trong vai người tìm mua đường hóa học về luộc ngô, chúng tôi tiếp cận khu bán hàng khô của chợ Đồng Xuân – Bắc Qua (quận Hoàn Kiếm). Tại đây, chúng tôi được người bán hàng giới thiệu loại đường “mía”, có giá 55.000 đồng/gói 1 kg.

Thông tin trên bao bì gói đường in bằng tiếng Trung Quốc, mặt trước in hình bốn cây mía, mặt sau đề tên loại đường là “sodium cyclamate”. Hạt đường dạng tinh thể nhỏ màu trắng, dẹt và hơi dính. Theo lời quảng cáo của người bán, loại đường này được nhiều người ưa chuộng bởi nó ngọt gấp 50 lần đường kính, vì vậy “một nồi ngô to chỉ cần cho khoảng 2 thìa đường là đủ luộc trong cả ngày”.

Kinh hãi ”chợ độc dược” Hà thành - 1

Chủ hàng khô tại chợ Ngã Tư Sở đang bán đường hóa học cho khách hàng (ảnh chụp chiều 6/11)

Tuy nhiên qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đường cyclamate thực chất là đường hóa học. Nguy hiểm hơn, đây là chất làm ngọt nhân tạo, không có giá trị về mặt dinh dưỡng và không có trong danh mục các phụ gia thực phẩm được phép sử dụng.

Tỏ vẻ chưa hài lòng về loại đường nói trên, chúng tôi hỏi về loại đường hóa học viên to bằng hạt đậu thì người bán hàng tại chợ Đồng Xuân khẳng định chắc nịch là có hàng nhưng muốn lấy thì phải chờ. Tất tả chạy đi một lúc, người bán hàng quay lại, mắt trước mắt sau ngó nghiêng dáo dác rồi lôi vội túi đường được phủ trong chiếc khăn tay và phân trần: “Trị an ở đây mà bắt được thì mệt lắm!”.

Loại đường này cũng xuất xứ từ Trung Quốc, có tên gọi Tang Jing, được bán với giá 90.000 đ/gói 500g. Người bán cho biết loại đường này rất ngọt, “một nồi ngô to chỉ cần cho từ 5-6 viên là đủ”.

Kinh hãi ”chợ độc dược” Hà thành - 2

Đường hóa học đựng trong vỏ in hình cây mía được bán nhan nhản ở Hà Nội

Tiếp tục đi “mua đường” tại chợ Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), chúng tôi được một người bán hàng cho biết ở đây có nhiều loại đường hóa học khác nhau, cả của Việt Nam và của Trung Quốc, giá cả giao động từ 20.000 - 300.000 đ/kg.

Chị này cũng tiết lộ thêm, mỗi loại đường chỉ hợp với một kiểu món ăn. Cụ thể, đường “B1” (viên đường có dạng giống viên thuốc B1) thường chỉ dùng cho nước dùng phở hay để pha nước chấm, còn đường “mía” và đường “dải lụa” thường được người mua cho vào chè hay nước luộc ngô vì có độ ngọt cao hơn. Khi PV hỏi mua, chị bán hàng mắt lấm, mày lét đảo một vòng để quan sát rồi mới ghé vào tai chúng tôi nói: “Cứ để lại địa chỉ, chị sẽ cho người mang đến tận nơi”.

Khác với hai chợ trên, tại chợ Ngã Tư Sở, đường hóa học được bày bán khá công khai ở các cửa hàng khô. Ngoài các loại đường đã đề cập ở trên như đường “mía”, đường Tang Jing hay “B1”, một người bán hàng ở đây còn đưa ra một loại khác. Loại này dạng viên giống đường Tang Jing nhưng hạt to hơn, nhãn mác bằng tiếng Trung Quốc và có giá 150.000 đ/gói 500g. Theo lời người bán, đường này còn ngọt hơn đường “mía” hay đường Tang Jing, vì thế giá cũng cao hơn.

Ngô luộc cả tuần không… thiu!

Không như đường hóa học được các chủ hàng khô bày bán công khai, “săm-pết” thuộc loại hàng hiếm và khó mua. Qua lời giới thiệu của những người bán hàng ở chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), chúng tôi tìm đến cơ sở chuyên bán thuốc bảo quản thực phẩm trên phố Hàng Buồm. Khi chúng tôi hỏi mua loại thuốc bảo quản để chống thiu thối cho ngô luộc, người bán đưa ra một loại thuốc có tên gọi là “săm-pết”, được gói trong bao bì không nhãn mác với giá 40.000đ/kg, dạng bột trắng và có mùi hăng rất khó chịu.

Theo lời người bán, một nồi ngô luộc chỉ cho từ 1-2 thìa cà phê “săm-pết” là để cả tuần cũng không hỏng. Người này cũng cho biết thêm: “Dạo này nhu cầu chưa cao nên cũng ít người đến mua loại này cho vào ngô. Phần lớn là họ đến mua “săm-pết” để ướp măng hay bảo quản thịt, xúc xích...”.

Trong lúc chủ hàng đang thao thao về công dụng của loại hóa chất này thì một khách hàng dừng xe, tấp vào quán mua 4 kg “săm-pết”. Ông chủ hàng thấy khách quen đon đả: “Tay này lấy “săm-pết” để chuyên ướp măng, không tin chú cứ hỏi chuyện”. Tưởng chúng tôi là người mới vào nghề, vị khách mua “săm-pết” về ướp măng thõng thượt buông một câu đầy kẻ cả: “Măng mà thiếu cái này (săm-pết - PV) thì coi như vứt!”.

Kinh hãi ”chợ độc dược” Hà thành - 3

Muối diêm có thể gây tử vong cho người sử dụng

Tại một cửa hàng, hàng khô trong chợ Mỹ Đình (huyện Từ Liêm), người bán đưa ra một túi bột màu trắng, không rõ nhãn mác với giá 15.000đ/100gram và quảng cáo: “Nhiều người đến mua loại này của chị lắm. Người ta ướp cả tấn măng để cả năm cũng không hỏng”. Khi được hỏi về tên gọi và xuất xứ, chị này cho biết chẳng rõ tên là gì, chỉ gọi nôm na là “thuốc chống thiu thối”, có điều, loại hàng này rất khó mua, nhiều khi phải lên tận biên giới mới có.

Quay trở lại chợ Đồng Xuân, khi chúng tôi hỏi mua loại thuốc bảo quản ngô luộc sao cho lâu thiu, một chủ hàng khô cho biết là có hàng nhưng phải đặt trước thì mới lấy về. Theo mô tả của người bán, loại thuốc này được đóng trong bao bì in tiếng Việt, có tên gọi “Thuốc chống mốc”, dạng bột giống hạt nêm, màu nâu, mùi hăng và giá rất cao, 290.000đ/gói 500g.

Người bán cũng cho biết thêm: “Nhiều người không biết công dụng bảo quản thực phẩm của loại này vì nó được dùng trong công nghiệp!”. Có đi mới hay, độc dược đang được đưa vào miệng người dân ngay các chợ giữa Thủ đô.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Hưng (Gia Đình & Xã Hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN