Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, sớm đưa học sinh trở lại trường học an toàn

Sự kiện: Thời sự Tin nóng

Thủ tướng nhấn mạnh các giải pháp để phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc trong thời gian tới, sớm đưa học sinh trở lại trường học an toàn.

Thủ tướng báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội. Ảnh: Nhật Minh

Thủ tướng báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội. Ảnh: Nhật Minh

Có nơi còn bị động, lúng túng trong phòng chống dịch

Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội trong phiên khai mạc, sáng 20/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong những tháng vừa qua công tác phòng, chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành.

Khi dịch bệnh đã nhiễm sâu tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, chúng ta đã nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện, lấy cấp xã là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ” và là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch; đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cấp cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả hơn và bảo vệ an ninh, an toàn cho Nhân dân.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn đánh giá, công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là giai đoạn đầu khi dịch bùng phát mạnh ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam do biến chủng Delta lây lan nhanh, hết sức nguy hiểm, khó lường.

Trong khi đó, việc thực hiện các quy định về đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc, phiền hà cục bộ cho Nhân dân. Tiếp cận nguồn vắc xin so với một số nước còn chậm, gặp nhiều khó khăn do khan hiếm trên toàn cầu.

Khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (ảnh Nhật Minh)

Khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (ảnh Nhật Minh)

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên dự kiến có 4/12 chỉ tiêu kinh tế, xã hội chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế quý III giảm 6,17%. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc, tiếp tục xu hướng nhập siêu; xuất nhập khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI và một số ít thị trường. Xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động.

Đánh giá về nguyên nhân chủ quan dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng cho rằng, do công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc. Việc thực hiện các biện pháp, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về phòng, chống dịch, lưu thông hàng hóa, tổ chức sản xuất an toàn có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa nghiêm, áp dụng thiếu nhất quán, chưa linh hoạt.

Phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc

Đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2021, Thủ tướng cho biết sẽ tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch COVID-19; khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế; có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc. Sớm đưa học sinh trở lại trường học an toàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội (ảnh Nhật Minh)

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội (ảnh Nhật Minh)

Chính phủ cũng sẽ khẩn trương hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hôi. Rà soát, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về thể chế; giảm thiểu các thủ tục và chi phí sản xuất kinh doanh.

Về dự kiến kế hoạch năm 2022, Thủ tướng cho biết sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, phân đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi NSNN so với GDP khoảng 4%.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.

Chính phủ yêu cầu các địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng không trái với định hướng của Trung ương. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ, tăng tốc chiến dịch tiêm vắc-xin cho người dân; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là điều trị và ở cơ sở.

Tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội phù hợp, khả thi. Điều chỉnh linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác để vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Nguồn: [Link nguồn]

Sở GD&ĐT Hà Nội bác tin ”đề xuất học sinh đi học trở lại từ 25/10”

Chiều 19/10, Sở GD&ĐT Hà Nội đã bác bỏ thông tin đề xuất học sinh Hà Nội quay lại trường học từ ngày 25/10 như một...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Kiên ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN