Kiểm lâm nói gì về thông tin mang chim đi cà phê phải chứng minh nguồn gốc?

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Theo Chi cục Kiểm lâm TP Huế, phong trào nuôi nhốt chim trời có thể kích thích việc săn, bẫy bắt trái phép để phục vụ nhu cầu của những người có thú chơi chim.

Bảo vệ các loài chim hoang dã

Vừa qua, Hạt Kiểm lâm liên quận Thuận Hóa - Phú Xuân (TP Huế) tiến hành kiểm tra việc kinh doanh, mua bán động vật hoang dã tại một số địa điểm như các quán cà phê chim, ki-ốt ở trên địa bàn.

Tại một số quán cà phê chim, lực lượng chức năng yêu cầu chủ quán ký cam kết không kinh doanh động vật hoang dã, các loài chim trời, chim di cư trái quy định của pháp luật. Đặc biệt, kiểm lâm đề nghị các chủ quán khi khách đến uống cà phê mang theo chim phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

Lực lượng chức năng kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

Lực lượng chức năng kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

Thông tin khách đến uống cà phê mang theo chim phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc những ngày qua nhận được sự quan tâm của nhiều người. Phần lớn mọi người bày tỏ quan điểm đồng tình, ủng hộ tuy nhiên cũng có nhiều người tỏ vẻ không đồng tình, thậm chí giễu cợt.

Liên quan vấn đề này, ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Huế cho biết, trào lưu đưa chim trời đi cà phê khá phổ biến ở nhiều nơi. Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu rằng việc nuôi nhốt động vật hoang dã là vi phạm pháp luật.

"Phong trào nuôi nhốt chim trời làm kích thích việc săn, bẫy bắt trái phép để phục vụ nhu cầu. Yêu cầu chứng minh nguồn gốc giúp kiểm soát việc sở hữu chim, tránh việc người dân bắt chim trong tự nhiên rồi lấy danh nghĩa "nuôi làm cảnh" để hợp thức hóa", ông Tuấn nói.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm TP Huế cho rằng, việc triển khai các giải pháp sẽ góp phần giảm áp lực lên các quần thể chim trời ngoài tự nhiên vốn đang bị suy giảm do săn bắt và mất môi trường sống. Đồng thời, hướng đến sự chuyển biến trong nhận thức xã hội về trách nhiệm bảo tồn các loài động vật hoang dã.

Thời gian tới, kiểm lâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm bảo vệ các loài chim trời nói riêng và động vật hoang dã nói chung. Đồng thời, sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm tra các cơ sở, truy quét, tháo gỡ, thu hồi phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trời trái phép.

Giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp gồm những gì?

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Huế cho biết, hiện nay chim trời hay động vật hoang dã được pháp luật bảo vệ bằng những quy định cụ thể và nghiêm ngặt. Nếu là loài động vật được nuôi hợp pháp phải thuộc một trong 5 nhóm nguồn gốc được pháp luật quy định.

Thứ nhất, đối với chứng minh có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên hợp pháp, cần có bản chính bảng kê lâm sản được xác nhận bởi cơ quan kiểm lâm sở tại. Thứ 2, đối với nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp, phải có tờ khai hải quan theo quy định, có bản chính bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập hoặc packing-list/log-list do tổ chức, cá nhân lập theo quy định của nước xuất khẩu.

Chim trời được thả về tự nhiên.

Chim trời được thả về tự nhiên.

Thứ 3, có nguồn gốc (mua) sau xử lý tịch thu, phải có bản chính bảng kê lâm sản do cơ quan kiểm lâm được giao xử lý tài sản lập hoặc bản chính bảng kê lâm sản do cơ quan được giao xử lý tài sản lập có xác nhận của cơ quan kiểm lâm.

Thứ 4, có nguồn gốc từ cá thể con của động vật rừng nuôi sinh sản hợp pháp, phải đảm bảo nguồn gốc hợp pháp, an toàn cho con người, tuân thủ quy định về môi trường, thú y và thực hiện ghi chép sổ theo dõi theo mẫu và thông báo cho cơ quan kiểm lâm trong vòng 3 ngày kể từ khi đưa động vật rừng thông thường về cơ sở nuôi để quản lý.

Thứ 5, có nguồn gốc từ mua bán, chuyển nhượng quyền sở hữu, phải có bản chính bảng kê lâm sản có xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại. Bản sao hồ sơ mua bán, chuyển giao quyền sở hữu liền kề trước đó hoặc sử dụng mã phản hồi nhanh (QR) chứa đựng hồ sơ quy định trên bảng kê lâm sản.

Chi cục Kiểm lâm TP Huế thông tin, trường hợp nuôi nhốt động vật rừng trái pháp luật sẽ bị xử lý hành chính đối với hành vi săn, bắt, giết, nuôi nhốt, động vật hoang dã trái pháp luật bị xử phạt hành chính.

Mức phạt từ 1 triệu đồng đến 400 triệu đồng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và loài động vật hoang dã liên quan.

Ngoài ra, bị xử lý hình sự với hành vi vi phạm có vật chứng là động vật rừng thông thường trị giá từ 300 triệu đồng trở lên. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và loài động vật hoang dã liên quan, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm...

3 cá thể tê tê Java, cu li nhỏ - loài nằm trong nhóm IB, thuộc nhóm động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại;...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Dũng ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN
Gửi Góp ý