Không hạ cánh được ở Cam Ranh, máy bay quay về Tân Sơn Nhất

Vietnam Airlines khẳng định máy bay không hạ cánh tại sân bay Cam Ranh được do thời tiết xấu, không phải điều hành không lưu không cho hạ cánh vì phi công không đủ tiêu chuẩn.

Không hạ cánh được ở Cam Ranh, máy bay quay về Tân Sơn Nhất - 1

Sân bay Cam Ranh

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa có thông tin báo chí giải thích về việc chuyến bay VN1344 sáng 13-12 không thể hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), phải quay lại sân bay xuất phát là Tân Sơn Nhất (TP HCM) sau 2 lần tiếp cận không thành công. Hãng hàng không này khẳng định chuyến bay VN1344 và tổ bay đủ tiêu chuẩn khai thác theo quy định của nhà chức trách. Trên thực tế, tổ bay đã phối hợp với điều hành không lưu tại sân bay Cam Ranh để thực hiện hạ cánh; không phải điều hành không lưu không cho hạ cánh vì phi công không đủ tiêu chuẩn.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết sân bay Cam Ranh là 1 trong 2 sân bay có địa hình phức tạp, một phía là biển, một phía là núi. Bình thường, các chuyến bay đến sẽ tiếp cận hạ cánh tại “đầu 20” nhưng khi tầm nhìn hạn chế, phi công phải chuyển sang phương thức tiếp cận hạ cánh tại “đầu 02”. Muốn hạ cánh ở “đầu 02”, phi công phải được huấn luyện, đào tạo phương thức bay đặc biệt (yêu cầu bổ sung đối với người lái) trên mô hình giả định (Simulator - SIM), sau đó báo cáo để Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn.

Tổ lái được phân công thực hiện nhiệm vụ trên chuyến bay VN1344 là 2 phi công nước ngoài, đã được huấn luyện yêu cầu bổ sung với bài bay hạ cánh khó như tại sân bay Cam Ranh, lái chính đang chờ Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn, lái phụ đã được duyệt đào tạo phương thức bay.

Khi xếp lịch cho tổ lái, bộ phận điều độ cũng đã tính đến khả năng thời tiết ở Cam Ranh xấu nhưng các thông tin khí tượng cho thấy thời tiết tại Cam Ranh có xu hướng tốt lên. Do đó, tổ bay vẫn được thực hiện theo kế hoạch ban đầu.

Tuy nhiên, khi chuyến bay VN1344 đến Cam Ranh thì gặp ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trời nhiều sương mù, mưa lớn. Phi công đã bay vòng chờ thời tiết tốt lên và 2 lần hạ độ cao vào tiếp cận nhưng không đủ điều kiện hạ cánh. Do đó, cơ trưởng đã chủ động xin Đài chỉ huy cho quay trở lại sân bay xuất phát.

Sau đó, chuyến bay VN 1344 đã quay trở về sân bay Tân Sơn Nhất lúc 8 giờ 10 phút, tiếp nhiên liệu và chờ thời tiết tốt lên để quay lại Cam Ranh. Việc máy bay gặp thời tiết xấu, tiếp cận hạ cánh không thành công phải lấy lại độ cao, xin tiếp cận lại hoặc bay chuyển sân, quay đầu là bình thường. Những thông tin này cũng được thông báo trên hệ thống phát thanh để hành khách biết.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết trước đây, sân bay Cam Ranh chỉ thiết kế một phương thức hạ cánh “đầu 20” nên vào mùa đông, nhiều chuyến bay phải chuyển sân do thời tiết xấu không đủ điều kiện hạ cánh, ảnh hưởng lớn đến điều kiện khai thác của các hãng hàng không. Vì vậy, Vietnam Airlines đã tự thiết kế phương án hạ cánh “đầu 02” trong điều kiện thời tiết xấu. Trên cơ sở đó, Tổng Công ty Quản lý bay thẩm định và trình Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt, ban hành nhằm nâng cao khả năng khai thác cho các hãng hàng không vì điều kiện hạ tầng và lưu lượng khách tại sân bay này đều tốt. Cùng với sân bay Cam Ranh, hiện nay, sân bay quốc tế Đà Nẵng cũng đòi hỏi yêu cầu bổ sung đối với người lái do điều kiện địa hình phức tạp.

Trong thông cáo phát đi tối nay 14-12, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định đây là tình huống hoạt động bay trong thời tiết chưa đáp ứng để đảm bảo an toàn bay. Tổ lái và Đài Kiểm soát không lưu, hãng hàng không đã thực hiện đúng quy trình, quy định an toàn của nhà chức trách hàng không.

Cơ quan này cho biết đường băng của sân bay quốc tế Cam Ranh có 2 đầu cất hạ cánh là 02 (giáp núi) và 20 (giáp biển). Trong đó, việc tiếp cận hạ cánh “đầu 20” thuận lợi do địa hình bằng phẳng, còn “đầu 02” khó do địa hình phức tạp có núi cao 1.000 m gần sân bay. Để hạ cánh xuống “đầu 02”, máy bay có thể sử dụng 2 phương thức tiếp cận hạ cánh là phương thức tiếp cận hạ cánh VOR/DME và phương thức sử dụng thiết bị chính xác ILS, đều yêu cầu tổ lái phải được huấn luyện theo chương trình huấn luyện riêng và phải được phê chuẩn của Cục Hàng không Việt Nam trước khi thực hiện.

Tiêu chuẩn về tầm nhìn đối với phương thức tiếp cận ILS: từ 1.600 m trở lên và đối với phương thức tiếp cận VOR/DME: từ 4.500 m trở lên.

Thời tiết tại sân bay Cam Ranh sáng ngày 13-12 có tầm nhìn dao động 5.000 m - 2.500 m, gió lớn nên máy bay phải sử dụng đường cất hạ cánh 02 để hạ cánh.

Tổ lái chuyến bay HVN1344 đã được phê chuẩn thực hiện phương thức tiếp cận hạ cánh VOR/DME nhưng chưa được phê chuẩn thực hiện phương thức tiếp cận hạ cánh sử dụng thiết bị chính xác ILS. Do vậy, khi tầm nhìn giảm xuống dưới 4.500 m, tổ lái không được phép thực hiện hạ cánh và phải đi sân bay dự bị Tân Sơn Nhất sau 2 lần hạ cánh theo phương thức VOR/DME tại đầu đường cất hạ cánh 02 không thực hiện được và đã bay chờ nhưng điều kiện thời tiết không đáp ứng tiêu chuẩn về tầm nhìn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Hà (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN