Khó trị gian lận xăng dầu

“Nghi án” xăng dỏm ở cây xăng Lan Anh (quận Bình Thạnh - TPHCM) làm hàng trăm xe chết máy tuần qua tiếp tục xới lên vấn nạn xăng giả, xăng dỏm đang tràn lan, trong khi cơ quan quản lý tỏ vẻ bất lực.

TPHCM có tổng cộng 518 cây xăng đang hoạt động. Trên lý thuyết, các cây xăng chỉ có nguồn lợi nhuận duy nhất từ chiết khấu của các tổng đại lý. Thời gian qua, hầu hết các đại lý đều than lỗ do mức chiết khấu giảm chỉ còn 200 - 300 đồng/lít, không đủ để bù đắp các chi phí vận chuyển, nhân công, tiền điện… nhưng không cây xăng nào đóng cửa, nghỉ bán vì lỗ lã. “Không có lợi nhuận từ chiết khấu, dĩ nhiên các cây xăng sẽ cắt giảm chất lượng xăng dầu để bù lại” - giám đốc một công ty xăng dầu cho biết.

Đủ cách ăn gian

Hình thức gian lận phổ biến nhất là đong thiếu, đổ nước hoặc các chất có thể hòa tan trong xăng như methanol, ethanol, acetone… hoặc pha trộn xăng A83 vào A92 để giảm giá thành.

Theo một cán bộ làm việc lâu năm trong lĩnh vực xăng dầu, xăng dầu nhập khẩu về thường bảo đảm chất lượng, khi lưu tại kho của các doanh nghiệp (DN) đầu mối cũng tương đối ổn vì đã có quy trình, lấy mẫu chặt chẽ. Việc “rút ruột” xăng dầu, pha tạp chất… chủ yếu diễn ra trên đoạn đường vận chuyển từ kho đầu mối đến các cây xăng và tại các cây xăng.

Những gian lận này ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng nên được chú ý nhiều. Các tổng công ty, tổng kho, tổng đại lý cũng có những cách “làm bậy” rất tinh vi để né thuế, thu lợi. Điển hình là sự nhập nhằng trong hoạt động tạm nhập tái xuất xăng dầu, DN tạm nhập nhưng cố tình không tái xuất hoặc chỉ chở xăng dầu đến giáp ranh biên giới các tỉnh miền Tây rồi quay về tiêu thụ nội địa để né thuế, hưởng chênh lệch thuế.

Hay như các kho đầu mối của những công ty lớn được giao dự trữ xăng dầu phục vụ an ninh năng lượng nhưng rất khó kiểm tra, giám sát việc dữ trữ này. Các DN dễ dàng “mượn” xăng dầu dự trữ để xuất bán hoặc gộp cả hao hụt trong kinh doanh tính vào hao hụt chung của dự trữ. Kết quả là lợi nhuận của DN tăng lên nhưng thất thoát ngân sách Nhà nước.

Khó trị gian lận xăng dầu - 1

Lực lượng chức năng kiểm tra cây xăng Lan Anh

Làm được, nếu quyết tâm

Từ đầu năm đến nay, cơ quan QLTT TPHCM phát hiện, xử lý một số trường hợp cây xăng vi phạm nhưng chủ yếu là các vi phạm liên quan đến hóa đơn, cây xăng có dấu hiệu găm hàng trong các đợt tăng giá; gần như chưa xử lý được trường hợp nào liên quan đến gian lận chất lượng.

Mới đây nhất, vụ việc cây xăng Lan Anh (số 220 Quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh) nghi bán xăng dỏm khiến hàng chục xe bị chết máy, cơ quan công an, QLTT mới lấy mẫu mang đi kiểm nghiệm. Trước đó, cuối năm 2011, Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM kiểm tra đột xuất 55 cây xăng tại TPHCM (từ ngày 27-9 đến 16-11), phát hiện có 16/32 mẫu xăng được đưa đi thử nghiệm không đạt chất lượng so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Ông Cao Hùng Xuân, nguyên tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Khu vực 2, cho rằng những thủ đoạn gian lận trong kinh doanh xăng dầu tồn tại hơn chục năm nhưng đến nay vẫn chưa quản lý, khắc phục được. Nguyên nhân một phần là do những yếu kém trong quản lý, một phần do sự tồn tại, tác động của các lợi ích nhóm.

Kiểm soát, ngăn chặn những tiêu cực, gian lận trong xăng dầu không dễ nhưng hoàn toàn có thể làm được nếu có quyết tâm. Chẳng hạn, lắp đặt thiết bị theo dõi, kiểm soát xe bồn chở xăng dầu đi từ kho đến cây xăng: lộ trình xe thế nào, dừng ở đâu, dừng bao lâu đều được ghi nhận và truyền về máy chủ. Cũng có thể lắp đặt thiết bị theo dõi, đo lường lượng xăng dầu tại các cây xăng thuộc DN mình. Song song đó là tính lại mức chiết khấu khoa học, phù hợp cho từng cây xăng chứ không phải áp dụng cào bằng như hiện nay.

Chất lượng xăng dầu tùy thuộc... lòng tham

TS Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Lọc hóa dầu Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết có nhiều thứ có thể đưa vào xăng dầu để trục lợi: chưng cất từ dầu tái chế, cao su, nhựa hoặc pha chế từ methanol, ethanol để tăng chỉ số octan. Chẳng hạn, từ cao su phế phẩm, qua xử lý thu được 70% dầu nhớt gốc và từ đây nếu chưng cất tiếp sẽ thu được từ 30%- 40% chất gọi là xăng hoặc 40%- 50% chất gọi là dầu. Tùy vào ham muốn lời ít hay nhiều mà chủ cây xăng đưa những chất này vào xăng thành phẩm theo tỉ lệ tương ứng.

G.Hưng 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Xuân (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN