Khi nhân tài bỏ việc: 40 người xin nghỉ, 32 người bị kiện ra tòa

Sự kiện: Thời sự

40 học viên Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) đã về công tác nhưng xin nghỉ việc và ra khỏi Đề án, và 32 người bị thành phố kiện ra tòa.

Khi nhân tài bỏ việc: 40 người xin nghỉ, 32 người bị kiện ra tòa - 1

Sở KH&ĐT Đà Nẵng có 10 học viên Đề án 922 đang công tác. (Trong ảnh: Người dân làm thủ tục tại khu một cửa của Sở tại Trung tâm hành chính thành phố). Ảnh: Thanh Trần.

Xin nghỉ do nhu cầu bản thân

Theo thống kê của Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng (Trung tâm), đến tháng 4/2018, thành phố đã cử 647 lượt học viên đi học theo Đề án 922, và có 460 lượt học viên tốt nghiệp được bố trí công tác.

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, cho hay học viên ra trường phần lớn đều được bố trí công việc sớm theo đăng ký của các đơn vị chứ không để chờ quá lâu. Có thời điểm không cung ứng đủ nhân lực cho các đơn vị có nhu cầu. Trên thực tế số đông đang công tác hài lòng về công việc của họ, số người xin nghỉ hoàn toàn do nhu cầu bản thân.

Là một trong 3 trường hợp tại Sở KH&ĐT xin nghỉ việc giữa chừng và phải bồi hoàn kinh phí, chị M.N. vẫn chia sẻ: “Lúc đầu mới về mình nhận công việc không như ý, nhưng làm từ từ, cơ quan thấy được năng lực cũng như sự năng nổ của bản thân nên giao cho những việc phù hợp hơn. Riêng về mức lương, nói thẳng mình học ở nước ngoài về, nếu làm ở ngoài có thể kiếm nhiều hơn, nhưng đó không phải lý do. Mình xin nghỉ vì vợ chồng mỗi người một nơi, mong muốn sớm đoàn tụ. Vì vậy chấp nhận bồi hoàn kinh phí theo quy định”.

Theo Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, hiện đơn vị còn 10 học viên của Đề án đang công tác. Theo đánh giá của Sở, họ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công, năng động, sáng tạo trong công tác chuyên môn. Đặc biệt có 4 người được bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý của Sở, 2 học viên (đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) được tiến cử tham gia Đề án tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhận các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và cán bộ chủ chốt của thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Chị N.H, một học viên đã phục vụ hết thời hạn cho thành phố từ năm 2015 và đã chuyển đi địa phương khác công tác, khi nhắc về Đề án vẫn không giấu được tự hào: “Hồi đó mình được cử đi học ở Pháp, bạn học ở các tỉnh khác khi nghe mình kể đang đi theo đề án này của thành phố đã rất ngưỡng mộ Đà Nẵng. Sau này ra trường, về làm việc thấy lương không cao mình vẫn không phàn nàn. Bởi mình ý thức thứ mình nhận được không chỉ có tiền mà cả kho kiến thức học ở nước ngoài, môi trường làm việc đúng chuyên ngành và được đào tạo, bổ nhiệm khi lãnh đạọ thấy có năng lực. Giờ không còn ở Đà Nẵng nữa, mình vẫn cố gắng làm việc, cống hiến để không hổ danh là học viên của đề án”.

“Khi anh đi học, được nhận học bổng, thì khi trở về, với đồng lương ít ỏi, hãy nghĩ anh đã nhận được tiền lương rất nhiều từ trước rồi, xem như đã ứng để được đi học lúc còn trẻ. Nếu anh 30 tuổi mới tích cóp được, có vợ con liệu có đi học được không? Theo tôi, ở một khía cạnh nào đó, đừng chê lương thấp, đừng đòi hỏi thành phố phải làm này kia cho bản thân. Bởi thậm chí tự lựa chọn việc, thì quá trình làm không phải lúc nào cũng như mình muốn”, chị N.H. nói thêm.

Khi nhân tài bỏ việc: 40 người xin nghỉ, 32 người bị kiện ra tòa - 2

Minh họa : Khều.

Đề án sẽ thay đổi  

Học viên L.N., một “nhân tài” vừa nghỉ việc, chia sẻ: “Ngành học của mình thích hợp với công việc năng động, tiếp xúc với bên ngoài nhiều hơn chứ không bó hẹp và bình lặng trong văn phòng. Mình cảm thấy không có cơ hội thể hiện được hết khả năng, nên hết thời hạn cam kết, mình đã tìm công việc mới”, N. cho biết thêm, quá trình 7 năm làm việc nhận mức lương rất thấp. Tổng các khoản lương, phụ cấp cao nhất chỉ hơn triệu/tháng, trong khi đó phải nuôi con ăn học.

Về 40 “nhân tài” xin rút lui giữa chừng, ông Võ Ngọc Đồng thừa nhận một số hạn chế của Đề án khiến họ phải bỏ cuộc. Trước hết là bố trí công việc không phù hợp với chuyên môn, năng lực. Môi trường làm việc trong nước cũng không đáp ứng, nhất là với những học viên đi học nước ngoài về. Việc vào biên chế khó khăn, cứ làm hợp đồng khiến họ nản chí. Đặc biệt, mang tiếng đi học nước ngoài về, nhưng nhận mức lương nhà nước còm cõi ảnh hưởng đến tâm lý và cả cuộc sống của họ. “Trước đây Đà Nẵng đã hỗ trợ thêm mỗi học viên 1 triệu/tháng, sau đó chấm dứt vì vướng quy định kiểm toán”, ông Đồng thông tin.

Từ thực tế trên, ông Đồng cho hay sẽ cân nhắc quy hoạch lại các ngành nghề cử đi học, tính toán cho phù hợp với chỉ tiêu nhân lực của thành phố. Đặc biệt sẽ điều chỉnh đề án bằng cách ưu tiên thu hút nhân tài trước, nếu thực sự thiếu mới cho đi đào tạo. Cũng theo ông Đồng, sắp tới thành phố sẽ gặp mặt các học viên đề án để nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó đánh giá lại đề án để tìm cách thực hiện hiệu quả. Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đang tham mưu UBND thành phố quy định về thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó quy định rõ về việc bồi hoàn kinh phí cho thành phố. Đặc biệt có cơ chế thực hiện các chính sách ưu đãi cho học viên Đề án như ưu tiên thi tuyển vào biên chế, xem xét cho thuê chung cư của thành phố. Đồng thời cải thiện môi trường, điều kiện làm việc để phát huy tối đa năng lực của các học viên...

Đến nay, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng đã nộp đơn khởi kiện ra tòa 32 học viên. Trong đó 8 trường hợp đang trong quá trình xét xử tại TAND các cấp, 10 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn thi hành án, 3 trường hợp đã bồi hoàn xong sau phiên xét xử sơ thẩm. 11 trường hợp rút đơn khởi kiện do học viên hoàn thành việc bồi hoàn trước khi vụ án đưa ra xét xử.

Bộ trưởng Nội vụ nói về thực trạng 'nhân tài' ở Đà Nẵng xin thôi việc

Điều cốt yếu theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân là phải bố trí đúng người, đúng việc, chứ không phải cứ những...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Trần (Tiền phong)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN