Khách Tây kể chuyện đi phượt ở VN

Tiếng ồn của chiếc xe máy mà tôi đang ngồi, không hề làm cho cuộc hành trình kéo dài 140km từ Huế đến Hội An bị mất đi vẻ thơ mộng của những cảnh quan tuyệt đẹp.

Trên trang Fairfax Media của New Zealand, một nữ du khách tên Rosa Studholme đã chia sẻ những trái nghiệm của mình về một chuyến “phượt” trên xe máy ở Việt Nam.

Dưới đây là nội dung chính của bài viết:

Khung cảnh của những bãi biển dát vàng như hút hồn chúng tôi, khi dừng lại trên đèo Hải Vân, nằm ở phía Nam thành phố Huế. Từ đây, chúng tôi bắt đầu đổ dốc trên những cung đường ngoằn ngoèo.

Tiếng ồn của chiếc xe máy mà tôi đang ngồi, không hề làm cho cuộc hành trình kéo dài 140 km từ Huế đến Hội An bị mất đi vẻ thơ mộng của những cảnh quan tuyệt đẹp.

Khung cảnh thay đổi khi tôi xuống chân núi. Đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa sự nguyên sơ của rừng núi và màu xanh của mặt biển trải dài trước tầm mắt.

"Phóng như bay trên đường cao tốc với một chiếc xe máy, đây quả là một giấc mơ đối với tôi”, Henry, người bạn đường của tôi nói. Anh ta nói đúng. Đây thực sự là một điểm nổi bật trong chuyến đi của chúng dọc chiều dài đất nước này.

Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp những chú trâu đang thảnh thơi gặm cỏ trên cánh đồng, hay những đàn dê đang kiếm ăn ngay ven đường.

Khách Tây kể chuyện đi phượt ở VN - 1

Một đoạn trong hành trình

Chúng tôi vượt qua những người nông dân đang đạp xe. Nơi đây tuyệt nhiên không có cảnh ùn tắc. Điều này khác xa với cảnh tượng quay cuồng ở Hà Nội mà chúng tôi đã trải nghiệm. Tuy nhiên, trên tuyến đường miền trung này bạn vẫn không thể thoát khỏi những người bán hàng rong. Họ tụ tập tại các điềm nghỉ chân của du khách và mời chào đủ thứ hàng hóa như bia, mũ nón, kính mát…

Phía bên kia đường, trên một ngọn đồi là tàn tích của một cơ sở quân đội Mỹ. Đây là một lời nhắc nhở về những gì đã từng xảy ra tại khu vực này 40 năm trước. "Xin chào, xin chào, các bạn có muốn uống gì không?", những người bán hàng rong í ới. Chúng tôi từ chối. Khuôn mặt của họ lộ vẻ thất vọng.

Chúng tôi nghỉ chân tại một quán cà phê nhỏ ven đường, nơi có những chiếc ghế nhựa màu xanh và một tấm bảng hiệu. Mọi thứ có vẻ khá cáu bẩn, nhưng với cái nóng như thiêu đốt thì không còn lựa chọn nào khác. Chúng tôi gọi nước Fanta. Người phụ nữ trung tuổi có khuôn mặt dễ mến chỉ có Mirinda. Khi chai được mở, những gỉ sét bắn ra từ chiếc nắp. Chúng tôi uống thật ngon lành.

Cô gái trẻ ngồi trên một băng ghế nhìn chúng tôi với ánh mắt tò mò. Cô ấy không thể nói được tiếng Anh, và cũng quá nhút nhát để tiếp cận chúng tôi và. Chúng tôi mỉm cười đáp lại, cô ấy nhìn đi chỗ khác.

Sau những phút nghỉ ngơi dễ chịu, chúng tôi quay trở lại với cuộc hành trình đến Đà Nẵng, thành phố lớn thứ tư của Việt Nam với dân số 887,100 người theo thống kê gần đây nhất.

Đà Nẵng, cũng giống như nhiều thành phố khác của Việt Nam, vẫn còn mang những dấu ấn lịch sử từ nhiều thế kỷ trước. Thành phố đã bị người Pháp chiếm đóng vào tháng 8/1858, theo lệnh của hoàng đế Napoleon III. Vào thời điểm đó, quân đội Pháp đã áp lực lượng phòng thủ của Việt Nam. Họ nhanh chóng chiếm được thành phố Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà.

Thực dân Pháp gọi Đà Nẵng là thành phố Tourane và đặt dưới sự kiểm soát của Toàn quyền Đông Dương.

Trong thời gian chiến tranh Việt Nam một thế kỷ sau đó, Đà Nẵng trở thành một căn cứ không quân lớn, được sử dụng bởi lực lượng Việt Nam Cộng hòa và cả không quân Mỹ. Vào thời điểm đó, trung bình sân bay Đà Nẵng có 2595 hoạt động hàng không mỗi ngày, nhiều hơn bất kỳ sân bay trên thế giới cùng thời gian.

Đến Đà Nẵng, chúng tôi bóp còi không ngừng khi đi qua các nút giao thông rộng. Bờ biển Đà Nẵng đã hiện ra với những bãi cát vàng trải dài nhiều cây số, kèm theo đó là hàng chục khu nghỉ mát.

Không dừng lại ở Đà Nẵng, chúng tôi đã đến thẳng Hội An, khu đô thị cổ nổi tiếng, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Hội An cũng được nhiều người biết đến với nghề may quần áo theo yêu cầu, điều khiến tôi rất háo hức.

Ở đây, chúng tôi thả bộ dọc theo các đường phố cổ kính. Đây quả là một khu vực thật tuyệt để dạo bộ với những ngôi nhà mang phong cách pha trộn giữa Việt Nam và nước ngoài, nằm dọc theo con sông Thu Bồn. Hội An vốn là một thương cảng trong quá khứ. Ngày nay hoạt động buôn bán vẫn rất sầm uất, chủ yếu là để phục vụ nhu cầu khách du lịch.

Những người bán hàng luôn mời chào bạn mua một thứ gì đó. Giá cả khả hấp dẫn, và nhiều khi bạn không thể cưỡng lại được.

Chỉ có khí hậu là khá khó chịu với cái nóng và sự ẩm ướt quen thuộc của Việt Nam. Tôi có cảm giác héo rũ như một chiếc lá bị khô kiệt nước, mồ hôi chảy ngoắn nghoèo trên lưng và trán. Vậy mà các cư dân ở đây phải chịu thứ khi hậu này hầu như quanh năm suốt tháng.

Buổi trưa, tôi lang thang qua các cửa hàng quần. Tại một cửa hàng, đập vào mắt chúng tôi là cảnh cô bán hàng nằm dài trên tấm phản với chiếc quạt nhỏ thốc vào người. Cô chào đón chúng tôi bằng một nụ cười có vẻ khá mệt mỏi.

Nhiều người thường mô tả Việt Nam như "cuộc tấn công vào các giác quan". Dường như tôi đã cảm nhận được điều này qua cái nóng cháy da, sự vận động không ngừng của mọi thứ cùng đủ loại tiếng ồn và màu sắc…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Hòa ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN