Khắc tinh hệ thống phòng thủ của Mỹ-NATO

Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà Nga vừa phóng thử ngày 23/5 có thể chọc thủng hệ thống phòng thủ của Mỹ và NATO tại châu Âu.

Được xem như “đòn đáp trả phi đối xứng” với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, tên lửa phóng thử hôm 23/5 vừa qua của Nga là mẫu giống với ICBM Bulava phóng từ tàu ngầm. Phát biểu trên báo Kommesant, các nguồn tin từ ngành công nghiệp tên lửa Nga cho biết, hai tên lửa này có kết cấu giống nhau. Chúng đều nặng gần 36 tấn và có chiều dài 12m. Ngoài ra, hai tên lửa cũng giống nhau về số tầng.

Khắc tinh hệ thống phòng thủ của Mỹ-NATO - 1

Lực lượng tên lửa chiến lược Nga phóng thử nguyên mẫu tên lửa đạn đạo mới từ Plesetsk Cosmodrome, vùng Arkhangelsk ngày 23/5

Loại tên lửa mới này cần được phát triển thêm. Tuy nhiên, nếu mọi việc diễn ra thuận lợi thì Nga có thể sẽ sở hữu tổ hợp tên lửa chiến lược mới ở mức độ hiện đại cao nhất chưa từng đạt được trước đó.

Tuy không đưa ra thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào nhưng Đại tá Vadim Koval, phát ngôn viên chính thức của lực lượng tên lửa chiến lược Nga nói với các phóng viên rằng, Moscow đã lần đầu tiên bắn thử nguyên mẫu ICBM mới và vụ phóng này đã được thực hiện trên một bệ phóng di động. Một nguồn tin từ ngành công nghiệp tên lửa Nga được Interfax dẫn lời cũng cho biết, đây là vụ phóng thứ hai của tên lửa này. Lần phóng thứ nhất đã không thành công nhưng chưa có thông tin xác nhận chính thức.

Khắc tinh hệ thống phòng thủ của Mỹ-NATO - 2

Một bệ phóng di động chở tên lửa Topol-M qua Quảng trường Đỏ trong cuộc duyệt binh ở Moscow ngày 9/5/2010

Các nguồn tin từ ngành công nghiệp tên lửa của Nga nói rằng tên lửa mới này đã sử dụng một loại nhiên liệu mới. Đó là nhiên liệu có thể giảm bớt thời gian hoạt động cần thiết của động cơ ở pha đẩy (boost phase) trong hành trình bay của tên lửa. Đây là pha mà tên lửa dễ bị tổn thương nhất trước các hệ thống phòng không.

“Pha đẩy của hành trình tên lửa có độ phức tạp nhất phóng nhanh tới mức đối phương không đủ thời gian để tính toán quỹ đạo của nó. Do vậy, đối phương không thể phá hủy tên lửa. Nói cách khác, chúng tôi có thể nói rằng các cơ hội vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ gia tăng đáng kể”, một quan chức của ngành công nghiệp tên lửa Nga nói trên tờ Moskovsky Komsomolets.

Nhờ nhiên liệu mới, tên lửa sẽ mang nhiều đầu đạn hơn, có thể lên tới 10 chiếc. Ngày nay, số lượng đầu đạn như vậy chỉ có thể được mang bởi các tên lửa ICBM RS-20 (SS-18) chạy bằng nhiêu liệu lỏng phóng từ trạm mặt đất (silo) siêu nặng (hơn 200 tấn).

Có thế nói, màn trình diễn các tên lửa Nga vừa qua mang đến nhiều hy vọng hoàn hảo về những vũ khí mới trong cuộc chiến với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Thuật ngữ “đáp trả phi đối xứng” với hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ được Vladimir Putin đề cập tới trong nhiệm kỳ tống thống thứ hai của ông năm 2007. Putin nói rằng tất cả các hành động đáp trả việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ ở châu Âu sẽ là “phi đối xứng nhưng mang lại hiệu quả cao”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN