Kể tội BOT: Tay mơ "bắt giặc", trây trét thu tiền

Nhiều chủ đầu tư BOT giao thông năng lực tài chính có dấu hiệu không bảo đảm theo quy định; chất lượng thi công có vấn đề khiến công trình sớm xuống cấp.

Khi dự án đội vốn nhiều và bất thường thì vốn đối ứng mà chủ đầu tư bỏ ra là phần ít, phần nhiều do ngân sách nhà nước chi. Có dấu hiệu chưa bảo đảm năng lực tài chính theo quy định như vậy mà vẫn được chỉ định thầu hoặc trúng thầu, đó là sự "lạ".

Tăng vốn gấp đôi, gấp ba

Trong quyết định chấp thuận đầu tư dự án  BOT tuyến tránh TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), năm 2008, tổng vốn sơ bộ được đưa ra là 553,971 tỉ đồng. Thế nhưng, tổng vốn đầu tư sau đó đã lên đến 1.500 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư ban đầu chưa bao gồm lãi vay và chủ đầu tư cho biết phần lãi vay sẽ được đưa vào phương án tài chính. Nghĩa là chủ đầu tư sẽ "kiếm" lại khoản vốn đã đội lên này bằng cách kéo dài thời gian thu phí và áp mức thu cao.

Dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2009 và hoàn thành sau đó vài năm. Việc lựa chọn doanh nghiệp đầu tư lúc đầu được giao cho tỉnh Đồng Nai, sau đó chuyển cho Cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý. Chủ đầu tư hiện nay là Công ty CP Đồng Thuận.

Dự án BOT Liên Khương - Đà Lạt (dài hơn 19,2 km) cũng có sự "qua tay". Khởi công vào năm 2004, đơn vị được chỉ định thầu là Công ty TNHH MTV 7/5 (Quân khu 7). Hiện nay, quyền quản lý, khai thác đã được chuyển cho Công ty TNHH Hùng Phát.

Kể tội BOT: Tay mơ "bắt giặc", trây trét thu tiền - 1

Trạm BOT Quốc lộ 5 (đoạn qua huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) ùn tắc đêm 4-9 sau khi tài xế đưa tiền lẻ qua trạm Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Theo Hợp đồng số 4409 ký ngày 26-12-2003 giữa UBND tỉnh Lâm Đồng với Công ty TNHH MTV 7/5, trị giá dự án đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt là 572,4 tỉ đồng. Trong đó, vốn của chủ đầu tư là 377,5 tỉ đồng, còn lại là ngân sách nhà nước. Từ đó đến nay, dự án đã qua 3 lần điều chỉnh tăng vốn. Lần gần nhất, vào ngày 11-7-2011, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định điều chỉnh nội dung giấy phép đầu tư, điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư lên 1.313,6 tỉ đồng - cao gấp hơn 2 lần so với ban đầu, trong đó ngân sách nhà nước 985,2 tỉ đồng và vốn của nhà đầu tư giảm còn 328,4 tỉ đồng. Tháng 7-2008, tuyến đường cao tốc chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng. Cùng với đó, trạm thu phí Định An cũng bắt đầu hốt bạc.

Điều đáng nói là dù vốn ngân sách tăng, vốn BOT không tăng qua nhiều lần điều chỉnh nhưng trạm BOT Định An được cho phép thu hồi vốn 23 năm, từ năm 2008 đến 2031. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, trạm thu phí Định An đã qua 3 lần điều chỉnh giá vé, với mức hiện hành thấp nhất 36.000 đồng/xe, cao nhất đã lên tới 192.000 đồng/xe, thuộc hàng cao nhất nhì cả nước.

Đủ chiêu trò thu phí triền miên

Ở tỉnh Đồng Nai còn nhiều công trình chỉ được cải tạo rồi thu phí, trong đó có cả Quốc lộ (QL) và tỉnh lộ. Thậm chí, có những dự án cải tạo chỉ 5-7 km. Có dự án được mua đi bán lại. Có dự án vừa hết hạn thu phí thì cải tạo đường rồi thu phí tiếp. Có dự án đang thu thì được mở thêm công trình và cộng thêm thời gian thu.

Chẳng hạn, QL51 nối Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu được mở rộng, nâng cấp vào năm 1997 do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, trạm thu phí được đặt ở xã Tam Phước, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Khi dự án sắp hết thời hạn thu, năm 2008, bất ngờ đổi chủ là Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC - tổ hợp các nhà đầu tư), mua lại quyền thu phí giá trị 400 tỉ đồng.

Tiếp đó, BVEC được chọn tiếp tục lập dự án nâng cấp, mở rộng trên tuyến dài gần 73 km với tổng vốn đầu tư gần 3.500 tỉ đồng. Dự án khởi công vào năm 2009, hoàn thành trong 3 năm. Sau đó, BVEC được đặt trên tuyến này tới 3 trạm thu phí!

Ngoài các tuyến BOT ở QL, các BOT tuyến tỉnh lộ tại Đồng Nai cũng đua nhau mọc lên. Cụ thể như đường 768 nối TP Biên Hòa - huyện Vĩnh Cửu, được UBND tỉnh Đồng Nai giao cho Công ty CP Sonadezi Châu Đức thực hiện nâng cấp làm lại mặt đường hơn 30 km rồi thu phí. Bên cạnh đó, tuyến đường nhà máy nước Thiện Tân dài 6,3 km kết nối với đường 768 do một đơn vị khác làm chủ đầu tư sau khi hết thời gian thu phí cũng tiếp tục được giao cho Sonadezi nâng cấp để thu phí kéo dài.

Dự án BOT cầu Đồng Nai mới tại TP Biên Hòa do Tổng Công ty Xây dựng số 1 làm chủ đầu tư, triển khai từ năm 2008. Ban đầu, chủ đầu tư được chấp thuận thu phí hoàn vốn trong 15 năm 2 tháng nhưng sau khi dự án hoàn thành, chủ đầu tư được giao thêm các dự án tiếp nối khu vực xung quanh như hầm chui ngã tư Tam Hiệp, cầu vượt thép nút giao Amata, hầm chui ngã tư Vũng Tàu rồi tới cầu An Hảo nối Cù lao Phố với trung tâm. Thế là, trong vòng 8 năm, BOT cầu Đồng Nai mới được bổ sung thêm 4 hạng mục lớn và thu phí bổ sung triền miên.

Ngoài các dự án BOT nêu trên, hiện tỉnh Đồng Nai còn bị bủa vây bởi nhiều tuyến BOT khác, thậm chí chồng chéo nhau cách chỉ vài km như trên QL1K, Tỉnh lộ 16, đường cao tốc Dầu Giây. Trên tuyến QL20 lại có một đoạn dự án nâng cấp, cải tạo đi qua TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng nhưng trạm thu phí thì lại đặt trên địa bàn... huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai!

Xuống cấp nhanh chóng

Mặc dù chủ đầu tư BOT Cai Lậy (đặt tại thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng để xây dựng đường tránh 12 km và nâng cấp QL1 ở Cai Lậy nhưng chỉ qua 1 tháng thu phí, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, có chỗ lún sâu 20 cm. Nhiều tài xế khi lưu thông qua đây phải di chuyển rất chậm.

Anh Phạm Văn Thanh, chủ một doanh nghiệp vận tải, cho biết hiện các tỉnh miền Tây đang vào mùa thu hoạch sầu riêng. Xe container phải chở hàng liên tục để xuất hàng sang Trung Quốc. Đường tránh Cai Lậy xuống cấp nên tài xế phải chạy rất chậm, nếu chạy nhanh xe dễ bị rung lắc thùng dẫn đến ngã container.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ổ gà xuất hiện dày đặc trên đường tránh này. Ước tính từ đầu đường dẫn đến cuối đường có trên 10 điểm hư hỏng và trên 30 ổ gà. Nơi được cho là hỏng nặng chính là đoạn đầu con đường và khu vực quanh cầu Ông Mười. Bờ kè đá ở con đường tránh 12 km cũng đang bị xói lở.

Ngoài ra, hạng mục nâng cấp mặt đường QL1 với chiều dài 26,5 km trị giá 400 tỉ đồng cũng vừa mới thực hiện xong nay cũng đã hư hỏng. Trên đó, cầu Bà Tồn đang hỏng nặng, khe co giãn cầu nhô lên 10 cm, chờ "đánh ngã" xe cộ qua lại.

Trước khi triển khai dự án BOT Cai Lậy, Tổng cục Đường bộ đã thuê Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình 625 (Cienco 625) làm đơn vị tư vấn. Cienco 625 đã cảnh báo phần lớn tuyến tránh thị xã Cai Lậy từ Km1987+560 đến Km1998+661 đi qua khu vực có địa chất phức tạp với chiều dày lớp đất yếu từ 4-9 m.

Căng thẳng trạm BOT QL5

Chiều 5-9, đại diện Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết đã có báo cáo gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc các tài xế dùng tiền lẻ 200 đồng, 500 đồng nộp phí qua trạm BOT trên QL5 (đoạn qua huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Sự việc xảy ra hôm 4-9, gây ùn tắc giao thông cả khu vực này. Lực lượng cảnh sát phải có mặt để điều tiết giao thông, lập lại an ninh trật tự trong khi trạm thu phí tăng cường nhân viên đếm tiền lẻ. Tình trạng tài xế sử dụng tiền lẻ lại tiếp diễn trong ngày 5-9.

Ông Đặng Văn Tâm, Phó Tổng giám đốc VIDIFI, cho rằng việc thu phí tại QL5 đã được Chính phủ đồng ý nên VIDIFI sẽ tiếp tục thu như kế hoạch. Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, ông Nguyễn Văn Huyện, khẳng định đơn vị đã yêu cầu VIDIFI tiếp tục thu phí bình thường, đồng thời VIDIFI nên có văn bản báo cáo Chính phủ.

QL5 dài 116 km, nối thủ đô Hà Nội với TP Hải Phòng, được xây dựng bằng tiền ngân sách nhà nước và hoạt động hàng chục năm nay. Năm 2015, sau khi tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng xong, Bộ GTVT chấp thuận cho chủ đầu tư là VIDIFI sử dụng 2 trạm thu phí BOT để hoàn vốn dự án, một trạm đặt tại Hưng Yên và một trạm tại Hải Phòng. Mỗi ngày có khoảng 15.000-16.000 lượt phương tiện qua lại với mức phí từ 40.000-180.000 đồng/lượt. Theo người dân, dù họ ở cách trạm thu phí có mấy trăm mét nhưng hằng ngày phải qua trạm đến 4-5 lần đều phải mua vé rất tốn kém. 

V.Duẩn - T.Đức

-----------------

Bình Định đề nghị giảm phí qua 3 trạm BOT

Ngày 5-9, Sở GTVT tỉnh Bình Định xác nhận đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ đề nghị giảm mức phí qua 3 trạm BOT đặt trên QL1 và QL19 qua địa bàn tỉnh này. Theo đó, đối với xe trên địa bàn các huyện An Lão, Hoài Ân và Hoài Nhơn, đề nghị được giảm phí qua trạm BOT Bắc Bình Định; xe tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và thị xã An Nhơn, được giảm phí qua trạm BOT Nam Bình Định và xe ở 2 huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh được giảm phí qua trạm BOT QL19. Mức giảm 50% đối với vé quý, 40% với vé tháng và 20% đối với lượt trong phạm vi cách trạm 3 km. 

A.TÚ

Công an phản bác việc “xử” tài xế đưa tiền lẻ qua trạm BOT Cai Lậy

Theo Công an tỉnh Tiền Giang, hành vi đưa tiền lẻ khi qua trạm thu phí BOT Cai Lậy không vi phạm pháp luật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN