Hủ tục trẻ sơ sinh theo mẹ sống bìa rừng

Đứa trẻ mới sinh còn đỏ hỏn đã phải theo mẹ ra túp lều ngoài bìa rừng sống. Đối mặt với sự cô đơn nơi rừng sâu núi thẳm, chống chọi với mưa gió bão bùng và nằm cạnh kiến, rệp, bọ chó, người mẹ chỉ biết ngẩng mặt lên trời mà than.

Thương mẹ trẻ, xót con thơ

Trên cao nguyên đá Mèo Vạc (Hà Giang), người Giáy tập trung nhiều nhất ở xã Nậm Ban với 495 hộ, 2.378 nhân khẩu (chiếm 70% dân số). Dân tộc Giáy từ lâu đời đã hình thành một hủ tục bị cho là tàn nhẫn.

Khi người con gái chửa hoang hoặc quan hệ tình dục trước hôn nhân thì ngay sau khi “vượt cạn”, người mẹ phải lập tức bế đứa con còn đỏ hỏn của mình ra căn lều ngoài bìa rừng (do người nhà dựng sẵn) để nuôi dưỡng. Trong thời gian 1 tháng ở lều, người thân của sản phụ có thể đến lều chăm sóc nhưng không được ngủ lại.

Khi được nghe những cô giáo mầm non ở xã Tát Ngà kể chuyện về một đồng nghiệp của mình là Vàng Thị Tư (25 tuổi, một người dân tộc Giáy ở xóm Pác Làng, xã Nậm Ban) đang phải chăm con ngoài lều, tôi vừa kinh ngạc vừa chua xót.

Căn lều nơi mẹ con Tư đang trú ngụ nằm chênh vênh giữa lưng đồi Pác Làng. Trông nó giống như căn chòi giữ ruộng của lão nông trồng dưa trong phim Tây Du Ký. Nó bé xíu. Mái lều lợp bằng cỏ tranh mỏng tang. Chưa mưa đã thấm. Bốn cột trụ dùng bằng tre. Tứ phía che chắn tạm bợ.

Hủ tục trẻ sơ sinh theo mẹ sống bìa rừng - 1

Tư kiểm tra vết kiến đốt trên cơ thể con gái

Mặt ngăn bằng những phên nứa đan vội, kẽ hở huếch hoác. Mặt treo hai tấm chiếu rách. Mặt căng tấm bạt xanh. Mỗi khi có gió thổi, tấm chiếu lại rung lên bần bật, còn tấm bạt bị đẩy vào, kéo ra kêu ràn rạt.

Phía bên trong, những “kỹ sư” xây dựng lều đã đặt một bè tre rộng khoảng 2 m2 để hai mẹ con Tư nằm. Xung quanh giường được căng màn ngăn không cho rắn rết, chuột bọ, ruồi muỗi lọt vào.

Nhưng, nỗi bất an của người mẹ trẻ chưa bao giờ vơi cạn. “Sợ lắm anh ạ. Phụ nữ khi cho con bú thường vương sữa ra ngoài nên thu hút kiến. Chốc chốc em lại bị cắn. Con em còn bị nhiều hơn, giờ chân tay nó đầy nốt. Chắc vì đau quá nên nó quấy khóc liên hồi”, Tư kể.

Ngồi được một lúc, cả ba cô giáo trường mầm non Tát Ngà đi cùng tôi đều nổi mẩn ngứa vì bọ chó cắn. Mấy chị thi nhau gãi sồn sột, còn tôi thì ngứa râm ran nhưng vẫn cố chịu đựng vì ngại.

Ngay cạnh gường nằm là một khoảng đất trống rộng cỡ 2 m2. Ở đó bày một chiếc mâm chất đầy bát đũa, kế bên là bếp củi để Tư đun nước tắm rửa cho con. Mỗi lần châm lửa, khói bay nghi ngút khắp căn lều. Mùi tro sặc sụa. Bé gái mới sinh chốc chốc lại ho khàn khạt. Tư bảo: “Em còn có phần may mắn vì gia đình chuẩn bị từ trước, chứ có người còn không có lều, phải căng tạm bạt để ở cơ. Nghĩ mà chua xót”.

Nạn nhân của hủ tục

Cũng như nhiều cô gái Giáy khác ở Nậm Ban, cuộc đời của Tư khổ về đường hôn nhân. 7 năm trước, khi đang học cấp 3 ngoài huyện Mèo Vạc, bố mẹ Tư đánh điện gọi con về lấy Phong (một người cùng xã).

“Người chồng sắp cưới của mình là ai? Hình hài thế nào mắt chưa từng ngó. Con người chứ có phải là cái máy đâu mà ép duyên được hở trời! Thế nên em phản kháng dữ dội lắm anh ạ. Em bảo, bố mẹ muốn cưới thì cưới, con nhất quyết không về. Bố em gằn giọng: Thì tao đã nhận sính lễ của người ta rồi đấy thôi. Giờ muốn trả cũng không được”, Tư kể.


Hủ tục trẻ sơ sinh theo mẹ sống bìa rừng - 2

Căn lều hai mẹ con Tư sống

Cuối cùng Tư vẫn phải về làm dâu nhà Phong. Nhưng, tréo ngoeo thay, cảnh tình của Phong cũng hệt như Tư, đều bị người lớn cưỡng ép sắp đặt mà không hề hay biết. Vợ thờ ơ, chồng lạnh nhạt.

Cuộc sống của Tư và Phong giống như hai con rô-bốt. Người này về nhà thì người kia ra ngoài. Chồng nằm giường vợ ngồi ghế. Chán quá, Phong quyết tâm đi xuất khẩu lao động sang Malaysia liền 6 năm không về. Tư ở nhà tiếp tục học hết cấp 3, rồi thi đậu vào trường Cao đẳng Mầm non tỉnh Hà Giang. Cách đây hơn một năm, khi Phong về thì cả 2 quyết định ly hôn để giải thoát cho nhau.

Chia tay chồng cũ, Tư đến với Đức bằng thứ tình yêu nồng nhiệt, chân thành. Đức cũng đáp lại bằng sự ân cần, chiều chuộng. Mối tình của họ tiến triển nhanh đến độ cả hai đi đến quyết định “vượt qua giới hạn” trước hôn nhân.

Và sự "quá giới hạn" của họ đã bị tục lệ dân tộc bắt tội như những gì đã kể. Biết mình đã làm sai, Tư phần nào cảm thấy xấu hổ. Vì thế, dù biết đây là một hình phạt quá hà khắc và nhẫn tâm (không chỉ với cô mà cả đứa con của mình), nhưng cô không dám chống lại.

Khi tôi mở những tấm hình về căn lều rách nát mà mẹ con Tư đang sống cho ông Lý Văn Hinh (trưởng trạm y tế xã Nậm Ban) xem, ông khẳng định: “Một môi trường sống như vậy chắc chắn là không thể đảm bảo cho sức khoẻ của đứa trẻ sơ sinh”.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch UBND xã Nậm Ban, chia sẻ thẳng thắn: “Đây là một hủ tục lạc hậu. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được sinh dưỡng của những đứa trẻ vô tội. Khi tôi mới đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã năm 2008, không ít gia đình bắt con gái của mình ra lều chăm con.

Tôi đã cùng cấp uỷ chính quyền ra sức vận động, thuyết phục, thậm chí dùng biện pháp mạnh để buộc cha mẹ của họ cho sản phụ và đứa trẻ sơ sinh về nhà. Ví như trường hợp con gái của ông Nùng Bổ Sung (xóm Nà Hin) cách đây 5 năm trước. Khi vào căn lều của con gái ông Sung, tôi thấy thương tâm lắm. Một cái lều tre, tứ phía căng bạt kín mít.

Hủ tục trẻ sơ sinh theo mẹ sống bìa rừng - 3

Đồng nghiệp đến thăm mẹ con Tư

Giường chỉ được kê bằng tấm ván để hai mẹ con nằm ngủ. Tuy vợ chồng ông Sùng vẫn ngày ngày tiếp tế cơm cho con nhưng đó không phải là môi trường để đứa trẻ mới chào đời 3 ngày tuổi có thể phát triển tốt được.

Tôi đã thuyết phục ông Sùng đến mỏi miệng để ông đồng ý cho con mình được về nhà nhưng ông phản kháng dữ lắm. Nhất quyết không cho con vào nhà để bắt phạt. Cuối cùng, cấp uỷ phải dùng biện pháp răn đe ông mới chịu nghe lời.

Khi tôi gặp Tư tại lều, hai mẹ con của cô đã ở đây được 38 ngày. Cô bảo 2 ngày nữa là được về nhà bố mẹ đẻ rồi. Bởi vậy, vừa viết những dòng này, tôi vừa thầm chúc mừng cho họ đã thoát hoàn toàn cảnh sống tạm bợ, bẩn thỉu.

Đến nay, trường hợp bố mẹ bắt con gái chửa hoang ra lều ở như chị Tư rất hiếm. Năm ngoái không có trường hợp nào. Sắp tới, tôi sẽ mời các trưởng xóm lên để yêu cầu họ phải sâu sát hơn nữa với dân, từ đó báo cáo kịp thời với cấp uỷ để xử lý kịp thời. Quyết không để tình trạng này diễn tiến”.

Người Giáy còn có tục ngủ rừng. Vì điều kiện gia đình khó khăn nên học sinh học hết lớp 9 thường phải nghỉ học. Trong khi đó, sự quan tâm của bố mẹ đối với con cái còn hạn chế. Vì thế, trai gái có phần thoải mái trong yêu đương. Khi đã thích nhau, họ rủ nhau lên rừng ngủ một cách thoải mái.

Và trong những đêm trăng thơ mộng, nếu không “kiềm chế” được thì rất dễ chửa hoang. Phó Chủ tịch UBND xã Vừ Thị Mai cho biết: Năm 2012, xã Nậm Ban có 11 trường hợp tảo hôn. Tỷ lệ ly hôn cũng rất cao so với mặt bằng chung.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phùng Minh Phúc (Nông nghiệp Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN