Hơn 20 triệu HS, SV bước vào năm học mới

Theo thông tin từ Bộ GDĐT, trong năm học mới, cả nước có hơn 4 triệu trẻ mầm non, 15 triệu học sinh phổ thông các cấp, hơn 610.000 học sinh trung cấp chuyên nghiệp và hơn 2 triệu sinh viên ĐH, CĐ.

Niềm vui tới trường

Tại Hà Nội, từ ngày 3 tới 5/9, hầu hết các trường từ tiểu học tới THPT đã tổ chức khai giảng. Sáng ngày 3/9, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận đã gióng hồi trống khai giảng năm học mới tại trường THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy). Bộ trưởng nhấn mạnh việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ…

Theo ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, điểm nhấn của giáo dục thủ đô trong năm học này là quyết định về việc miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh. Cụ thể là giảm mức thu học phí tối đa là 40.000 đồng và tối thiểu là 20.000 đồng đối với học sinh từ nhà trẻ đến cấp học nghề THPT. Ngoài ra, trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông ở 13 xã miền núi khó khăn nhất Hà Nội sẽ được hỗ trợ chi phí học tập.

Hơn 20 triệu HS, SV bước vào năm học mới - 1

Học sinh ở Long An đi xuồng dự lễ khai giảng

Tại Hải Phòng, trong ngày 4/9, nhiều trường cũng đã tổ chức khai giảng. Thầy Đỗ Hữu Tặng - Hiệu trưởng Trường THPT Bạch Đằng chia sẻ, đây là trường duy nhất nằm trong khu vực 4 xã miền núi khó khăn nhất của huyện Thủy Nguyên.

Để khích lệ tinh thần học tập của các em học sinh, tại lễ khai giảng, đại diện nhà trường và Techcombank đã trao 10 phần học bổng cho 10 em học sinh học giỏi có hoàn cảnh khó khăn (mỗi em được nhận 1 triệu đồng) và trao thưởng cho 4 thủ khoa đầu vào lớp 10, (mỗi em được 500.000 đồng).

Em Vũ Thị Minh Anh - học sinh lớp 10A9 phấn khởi: “Đây là năm học THPT đầu tiên của em, đánh dấu một bước ngoặt mới trong đời học sinh. Được học trường mới, thầy mới, bạn mới, em thấy vừa vui vừa có chút bỡ ngỡ và thấy mình càng phải quyết tâm học thật tốt để thực hiện ước mơ vào đại học”.

Chị Bùi Thị Ánh ở Minh Tân - xã miền núi của huyện Thủy Nguyên đã phải tất bật xoay xở để lo cho 2 con bắt đầu học lớp 10 và lớp 1 được tươm tất như chúng bạn trong ngày khai giảng. Sáng 4/9, chị Ánh dẫn cậu con trai học lớp 1 Vũ Đức Dũng đi khai giảng tại trường làng Minh Tân.

Chị chia sẻ: “Tôi có cảm giác mình như sống lại không khí khai giảng ngày trước tôi đến trường. Các con bây giờ điều kiện hơn chúng tôi ngày trước, nhưng so với thành phố thì ở nông thôn, học sinh vẫn còn nhiều thiệt thòi lắm, nhất là những xã vùng miền núi như chúng tôi”.

Chia sẻ với học sinh vùng khó

Sáng 4/9, gần 3.000 học sinh của 6 điểm trường thuộc 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) cũng đã dự lễ khai giảng năm học mới 2012-2013. Em Hồ Văn Thanh - học sinh lớp 8, vui vẻ cho biết: “Nhà em ở tận bản Cù Bai (xã Hướng Lập). Để đến trường đúng giờ khai giảng, em phải đi từ lúc 5 giờ sáng”.

Theo ông Hồ Văn Dân - Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng (Long An) cho hay: “Chúng tôi đang tập trung làm đê bao né lũ trên địa bàn huyện. Công trình hoàn thành sẽ rải sỏi đỏ làm đường dân sinh. Theo tiến độ này, đến hết năm 2013, học sinh huyện vùng lũ Tân Hưng sẽ không phải đến trường bằng xuồng nữa” - ông Dân nói.

Trường THCS Hướng Việt là nơi học tập không chỉ của con em trong xã, mà còn có học sinh đến từ các bản làng xa xôi, hẻo lánh, đường sá đi lại khó khăn của xã Hướng Lập và một số vùng lân cận. Mấy năm trở lại đây, trường là điểm sáng của vùng cao này với nhiều sáng tạo trong phương pháp dạy học và vận động con em đồng bào thiểu số tới trường.

Ông Hoàng Đức Thắm - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: “Năm học này, ngành giáo dục đầu tư gần 10 tỷ đồng để mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phổ cập mầm non. Bên cạnh đó, Sở GDĐT còn lồng ghép các dự án, chương trình mục tiêu để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ dạy và học. Hiện toàn ngành có trên 5.000 phòng học, trong đó số phòng kiên cố đạt gần 70%”.

Các trường ở vùng Đồng Tháp Mười mênh mông kênh rạch cũng tổ chức khai giảng cho học sinh ngày 4-5/9. Nhiều học sinh ở các xã vùng sâu phải đến trường bằng xuồng. Ông Trần Văn Bôn ở xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, Long An, cho biết, ngay trong hè ông đã lo sửa chữa chiếc ghe, và trang bị 30 chiếc áo phao để đưa đón học sinh.

Thầy Trần Ngọc Bảo – giáo viên Trường THCS thị trấn Tân Hưng (huyện Tân Hưng, Long An) cho biết, lớp 7 do thầy chủ nhiệm có mấy học sinh nhà ở xã Thạnh Hưng đi học bằng xuồng. Tại các xã như Vĩnh Đại, Vĩnh Bửu (huyện Tân Hưng), mỗi trường học đều có vài chục chiếc xuồng đưa đón học sinh. Nông dân Nguyễn ở xã Khánh Hưng cho hay: “Mấy năm trước, tôi và vợ thay phiên nhau lái xuồng đưa con đi học. Nay thì cháu lớn rồi, bơi giỏi nên tôi sắm chiếc xuồng composite gắn máy đuôi tôm cho cháu tự đi học”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2012-2013 và Ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư chúc mừng tới các thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh, sinh viên. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Năm học 2012-2013 có ý nghĩa quan trọng, là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020. Ngành Giáo dục cần tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục, nhất là giáo dục ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung giải quyết một số vấn đề bức xúc như: Dạy thêm học thêm không đúng quy định, hiện tượng lạm thu, thiếu trung thực trong thi cử, bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo…

Tùng Anh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Mong các em không ngừng phấn đấu vươn lên

Sáng 4/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dự lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM)- ngôi trường có bề dày 85 năm hoạt động. Phát biểu tại đây, Thủ tướng đề nghị: “Đội ngũ nhà giáo cần nâng cao khả năng ngoại ngữ, tin học và định hướng nghề nghiệp cho học sinh để đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực và nhân tài cho đất nước”. Thủ tướng mong cùng với mục tiêu phấn đấu có nhiều học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế, Trường chuyên Lê Hồng Phong phải phát huy vai trò trong việc phát hiện và đào tạo nhân lực có chất lượng cao. Học sinh của trường không chỉ giỏi các môn học chuyên mà cần không ngừng phấn đấu vươn lên để giỏi về nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, các ngành công nghệ mũi nhọn…

Phạm Thanh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Anh - Bùi Hương - Uyên Minh - Hữu Danh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN