Hôm nay, tân Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ

Chiều 21/7, Quốc hội đã biểu quyết chốt danh sách nhân sự bầu Chủ tịch Quốc hội, 4 Phó chủ tịch Quốc hội và 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hôm nay, tân Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ - 1

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH. Ảnh: TTXVN

Theo kết quả biểu quyết, có 480/482 ĐBQH tham gia nhất trí giới thiệu bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội khóa XIII ứng cử vị trí Chủ tịch Quốc hội khóa XIV. Đa số đại biểu cũng biểu quyết thông qua danh sách bầu bốn Phó chủ tịch Quốc hội.

Chiều 21/7, Quốc hội đã biểu quyết chốt danh sách nhân sự bầu Chủ tịch Quốc hội, 4 Phó chủ tịch Quốc hội và 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo kết quả biểu quyết, có 480/482 ĐBQH tham gia nhất trí giới thiệu bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội khóa XIII vào ứng cử vị trí Chủ tịch Quốc hội khóa XIV.

Đa số đại biểu có mặt cũng biểu quyết thông qua danh sách bầu bốn Phó chủ tịch Quốc hội gồm: Bà Tòng Thị Phóng, ông Đỗ Bá Tỵ, ông Uông Chu Lưu, ông Phùng Quốc Hiển và danh sách 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tất cả các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều là Ủy viên T.Ư, có hai Ủy viên Bộ Chính trị là bà Nguyễn Thị Kim Ngân và bà Tòng Thị Phóng. Trong 13 thành viên này có 10 người là Ủy viên Thường vụ Quốc hội khóa XIII tái cử và ba người lần đầu được giới thiệu tham gia Thường vụ Quốc hội.

Lần này, trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 8 nhân sự được giới thiệu tiếp tục đảm nhiệm vị trí từ khóa XIII gồm: Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội; Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách; Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu; Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

Hai chủ nhiệm khóa XIII được giới thiệu nắm giữ trọng trách mới là ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế được giới thiệu làm Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại thay ông Trần Văn Hằng; Bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng được giới thiệu giữ chức Trưởng ban Dân nguyện thay ông Nguyễn Đức Hiền.

Ba nhân sự mới được giới thiệu vào các chức danh Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội khóa XIV gồm: Ông Vũ Hồng Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế; Ông Phan Thanh Bình, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Ông Nguyễn Khắc Định, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ được giới thiệu làm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật.

Sau khi biểu quyết thông qua danh sách này, các đại biểu đã tiến hành bỏ phiếu kín bầu các chức danh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kết quả kiểm phiếu được thông báo vào sáng nay (22/7). Ngay sau đó, tân Chủ tịch Quốc hội sẽ tiến hành nghi thức tuyên thệ.

Bên hành lang Quốc hội, chia sẻ với báo giới về vấn đề nhân sự và kiện toàn bộ máy Chính phủ, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận định, bộ máy nhân sự vừa được kiện toàn cách đây ba tháng nên lần này không có nhiều thay đổi. Tổng thư ký Quốc hội đánh giá, Chính phủ mới vừa qua đã vào cuộc tích cực, được nhân dân đồng thuận, kỳ vọng với cách triển khai năng động. Ông cũng kỳ vọng, Chính phủ mới sẽ là Chính phủ kiến tạo và phục vụ.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): Phải giám sát thực hiện kết luận giám sát

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội về vấn đề hậu giám sát, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết, giám sát kết luận giám sát là khâu hậu giám sát. Nếu việc này thực hiện không nghiêm túc thì việc giám sát trước đó cũng không có giá trị gì. Theo ông Cương, thông thường, các kết luận giám sát chỉ mang tính chất khuyến nghị, nên các cơ quan có liên quan đến khuyến nghị của giám sát có trách nhiệm thực hiện nhưng không mang tính chất bắt buộc.

Chính điều này khiến hoạt động giám sát của chúng ta bấy lâu vẫn không đạt mục đích đề ra, chưa được thực hiện một cách triệt để. Tôi nghĩ trong thời gian tới, cần phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết Quốc hội như thế nào để tránh tình trạng nghị quyết ban hành nhưng sau đó vẫn không được thực hiện nghiêm túc. Căn cứ việc giám sát Quốc hội của nhiệm kỳ khóa 13, rất nhiều vấn đề Quốc hội đã đưa ra sau giám sát nhưng đã không được thực hiện một cách nghiêm túc, nảy sinh nhiều vấn đề khiến dư luận bức xúc.

Tuy nhiên, nếu như chỉ dựa hoàn toàn vào hoạt động giám sát của Quốc hội thì cũng không mang lại hiệu quả. Bởi trong một năm thì Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ có thể tiến hành được một vài cuộc giám sát. Chính vì vậy hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Đảng, chính quyền cần phải nâng cao hơn nữa.

Hoài Vũ (Ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoài Thu - Thanh Bình (Báo Giao thông)
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN