Hiệp sĩ giải cứu kẹt xe

Sự kiện: Thời sự

Ngày nào chồng cũng đi "điều tiết giao thông", vợ ông nói, tui coi ổng như đi làm từ thiện, tích đức cho con cháu ...

Hiệp sĩ giải cứu kẹt xe - 1

Ông Linh điều tiết giao thông bất kể nắng mưa. Ảnh: Linh Hoàng

Bất kể nắng mưa, hơn 11 năm qua, chiều nào ông Nguyễn Văn Linh (44 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP HCM) đều có mặt tại các điểm “nóng” về kẹt xe ở TP HCM để phân luồng, điều tiết giao thông…

Đi tìm chỗ tắc

Đồng hồ điểm 15h30, ông Linh bắt đầu rời nhà đến điểm ông dự tính điều tiết giao thông là nút giao đường Điện Biên Phủ - Lê Quý Đôn (quận 3), nơi thường xuyên xảy ra kẹt xe vào giờ cao điểm.

Trên đường đi ngang nút giao đường Kinh Dương Vương - Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân), gặp ùn tắc giao thông, ông Linh vội vàng tấp xe vào lề điều tiết cho xe qua lại. Lúc này, trời bắt đầu đổ mưa, ông Linh vẫn luôn chân bước, miệng thổi còi, tay cầm dùi cui hướng dẫn, điều tiết giao thông dù áo quần thấm ướt. Ông bảo, mặc áo mưa vào vướng víu lắm, chạy tới chạy lui dễ vướng vào tay lái người đi xe, nguy hiểm…

Chỉ hơn 15 phút điều tiết, tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Kinh Dương Vương - Hồ Ngọc Lãm cơ bản được giải quyết, ông Linh tiếp tục lên đường. 16h30, đến nút giao Điện Biên Phủ - Lê Quý Đôn, giao thông đang ùn ứ cục bộ. Mở chai nước mang theo uống một hớp dài, ông lại cầm còi, dùi cui lao ra điều tiết giao thông.

Như đã thành thân quen, người đi đường ai cũng chấp hành theo hiệu lệnh của ông Linh, nhiều tài xế xe buýt, xe taxi đi qua giơ tay, cười chào ông. Một lúc sau, dân quân tự vệ tại khu vực cùng ra điều tiết giao thông. Để tránh tình trạng chỗ thừa người, chỗ thiếu người, ông Linh di chuyển đến nút giao Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Đình Chiểu (quận 3). Lúc này, nút giao đã kẹt xe nghiêm trọng, nhưng dưới sự điều tiết của ông, sau khoảng 15 phút, nút giao bớt dần ùn tắc.

Khi thấy trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa tín hiệu giao thông đã chuyển sang đèn xanh nhưng hai làn ôtô phía trước vẫn chưa di chuyển được, ông Linh giơ bàn tay ra hiệu cho tài xế tạm dừng lại: “Anh thông cảm chờ chút xíu nha, để xe đi qua rồi mình đi chứ không là kẹt xe”. Người tài xế dõng dạc: “Tuân lệnh” và nở nụ cười thân thiện. 

Sau gần hai giờ liên tục điều tiết giao thông, người ướt đẫm mồ hôi, ông Linh mới ngừng tay nghỉ mệt rồi giải thích: “Làm cái “nghề” này không chỉ nhanh chân lẹ mắt, mà cư xử cũng phải khéo, linh hoạt. Bởi lúc tắc đường, người tham gia giao thông cũng dễ nóng tính, phải làm sao thuyết phục để người tham gia giao thông nghe mình, không cố tình vượt ẩu, chen lấn”.

Người “vác tù và hàng tổng”

Hiệp sĩ giải cứu kẹt xe - 2

 Công việc hiện tại của ông Linh là rửa xe

Về cơ duyên đến với “nghề” giải tỏa tắc đường, ông Linh kể, từ năm 2005, khi làm nghề xe “ôm”, ông thấy nhiều người khổ vì kẹt xe. “Kẹt xe đã làm cho nhiều người trễ học, trễ làm. Bản thân tui chở khách còn bị trễ nên tui xuống điều tiết luôn. Vừa giúp người đi đường, vừa giúp mình”, ông nói.

Làm vài lần đâm “yêu” công việc này, nên cứ 15h30, ông Linh lại tìm đến các điểm kẹt xe để điều tiết. “Chiều nào tui không đi điều tiết giao thông là tui thấy vắng vắng. Có lần nghỉ một buổi đi ăn đám cưới, mà tui đứng ngồi không yên, phải gọi cho mấy ông xe ôm, bảo vệ hỏi chỗ đó kẹt xe không tui mới yên tâm”.

Ông cho biết, thời gian đầu đi điều tiết giao thông gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân còn lóng ngóng, người đi đường thấy có người mặc đồ thường phục ra điều tiết giao thông, tưởng ông hâm, ông cản đường, rồi ông “ôm rơm rặm bụng”. Có lần ông điều tiết giao thông ở quận 1 còn bị công an phường ra hỏi han vì không hiểu mục đích ông đến đây làm gì. Rồi năm 2007, lúc đang tập trung điều tiết ở ngã tư Bốn Xã, ông bị kẻ gian lấy mất chiếc xe máy, về vợ con la rầy cả tuần. Mới cách đây một tháng, trong lúc điều tiết giao thông, ông bị một thanh niên say rượu tông trúng nhưng may chỉ bị xây xát nhẹ”.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban ATGT TP HCM cho biết, Ban ATGT TP rất trân trọng và khuyến khích những hành động cao đẹp vì xã hội, cộng đồng như những việc mà ông Linh đang làm...

Năm 2012, ông Linh được chương trình Total Hiệp sĩ giao thông phong tặng danh hiệu “Hiệp sĩ giao thông”.

“Nhưng tui thấy yêu “nghề”, thấy việc làm có ích cho xã hội nên tui vẫn làm. Tui nhìn cách các chiến sĩ CSGT điều tiết giao thông để học hỏi theo. Ngày này qua ngày nọ, hơn 11 năm, người đi đường tại các ngã tư đã quen mặt tui, biết việc tui làm mà chấp hành hiệu lệnh, nhờ vậy công việc giải tỏa kẹt xe của tui cũng dễ dàng hơn”, ông Linh kể.

Ông Linh cho biết, niềm vui mang lại cho ông từ việc tự nguyện đứng ra điều tiết giao thông, giải cứu kẹt xe chính là thấy người đi đường chấp hành hiệu lệnh. Cùng với đó, những lời hỏi thăm, động viên khích lệ của người đi đường, CSGT hay người dân như tiếp thêm động lực cho ông. Hiện, ông làm ở một tiệm rửa xe trên QL1 (quận Bình Tân), thu nhập chắt chiu đủ sống, đủ để ông có thời gian và điều kiện theo đuổi đam mê “chống kẹt xe”.

Bà Huỳnh Thị Âu (40 tuổi), vợ ông Linh cho biết: “Chồng tôi ngày nào cũng đi điều tiết giao thông, chả lương lậu gì mà còn nguy hiểm. Nhưng rồi thấy ổng mê nghề này quá, không cản được, với tôi cũng thấy làm việc này như cách từ thiện, tích đức cho con cháu nên ủng hộ. Nhiều bữa đi điều tiết dầm mưa về đổ bệnh, tôi vừa giận vừa thương”.

Bà Nguyễn Thị Mỹ, một người bán nước tại nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Đình Chiểu nói: “Chúng tôi rất yêu quý ông Linh, tôi thường mang nước cho ông uống để ông làm việc tốt đời, đẹp đạo này”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Hoàng (Báo Giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN