Hết giá trị thanh toán, nên thu hồi tiền xu?
Xung quanh việc tiền kim loại mất dần giá trị thanh toán trên thị trường, các chuyên gia kinh tế nhận định nên thu hồi tiền xu khi giá trị thanh toán không còn.
Tháng 4/2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chính thức thông báo ngừng phát hành tiền xu. Cũng tại thời điểm đó, NHNN cho rằng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá, nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng của tiền kim loại, các giải pháp thích hợp với việc lưu thông tiền kim loại. Thế nhưng hơn 1 năm nay, những giải pháp để lưu thông loại tiền xu chưa được ban hành nên đồng tiền xu không được chấp nhận trong thanh toán.
Nhiều chuyên gia cho rằng nên thu hồi lại tiền xu, tránh tâm lý không hay khi một loại tiền phát hành ra không được xã hội chấp nhận.
TS. Cao Sĩ Kiêm- nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, hiện nay nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phát triển và sẽ là chủ đạo trong tương lai. Việc phát hành tiền xu là không cần thiết, sẽ rất lãng phí và tốn kém. Số còn lại người dân không có nhu cầu thì NHNN thu hồi lại, chứ để lưu thông những đồng tiền han gỉ, đen sì đó cũng rất mất thẩm mỹ.
TS. Cao Sĩ Kiêm- nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ông Hoàng Thọ Xuân- Nguyên vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho rằng, tiền xu không được đón nhận còn vì giá trị quá nhỏ trong bối cảnh lạm phát cao mấy năm gần đây. Nếu như tiếp tục phát hành trong khi dân chúng không hề đón nhận thì NHNN sẽ phải chịu phí.
“Trước đây, tiền xu loại 500 đồng, 200 đồng, 1.000 đồng còn có giá trị để mua mớ rau thơm nhưng giờ đây, tiền đồng đang mất dần giá trị, tiền xu cũng không được coi trọng” - ông Xuân nói. Theo ông Xuân, trong bối cảnh tiền xu mất giá trị thanh toán, NHNN nên thu hồi lại.
Ông Nguyễn Trường Giang- Việt kiều Đức cho biết: “Ở nước ngoài tiền xu được dùng rất phổ biến. Thậm chí nhiều dịch vụ dùng tiền xu tiện lợi hơn so với tiền giấy. Tiền xu được tạo không gian lưu thông riêng biệt, nên nó bình đẳng với tiền giấy. Trong khi ở Việt Nam, ngay từ khi được phát hành tiền xu đã không có “đất sống”. Sở dĩ, tiền xu chưa phát huy hiệu quả do hệ thống bán lẻ tự động chưa phát triển”.
Ông Giang cho rằng, chúng ta cần học theo cách làm của các nước trên thế giới, đó là phương thức thanh toán hiện đại - bất kỳ là trẻ con, người già, công chức Nhà nước hay doanh nhân… đều có thể tiêu tiền xu một cách tiện dụng. Tuy nhiên, chúng ta không nên làm ngược, mà trước tiên hãy phát triển hệ thống bán lẻ tự động rồi sau đó mới tính đến phương thức thanh toán.
Cũng theo ông Giang: “Trước mắt nên thu hồi tiền tiền xu để tránh tâm lý người dân “chê” tiền, ngại tiêu tiền xu. Tuy nhiên, thu hồi không có nghĩa sẽ xóa bỏ tiền xu trong lưu thông. Trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, tiền xu có nhiều yếu tố bất tiện nhưng xét về một khía cạnh nào đó, vẫn cần khuyến khích lưu thông tiền xu ra thị trường”.
Cũng có không ít ý kiến cho rằng, việc không thừa nhận tiền xu trong mua bán có thể gián tiếp làm nâng giá hàng hóa, dịch vụ, hoặc dẫn đến tình trạng khan hiếm tiền lẻ trong giao dịch, buôn bán.
Quay lại câu chuyện tiền xu vẫn còn giá trị sử dụng, nhưng lại không được chấp nhận trong thanh toán, các chuyên gia kinh tế cho rằng, quy định cấm mọi hành vi từ chối nhận tiền xu của cơ quan chức năng khó phát huy tác dụng tại những khu vực kinh doanh nhỏ lẻ. Nhiều cửa hàng không nhận thanh toán tiền xu, biết là vi phạm nhưng vẫn cố tình "lách luật".
Theo tìm hiểu của PV, việc không nhận tiền xu trong thanh toán là vi phạm khoản 4, điều 3, Quyết định số 130 do Thủ tướng ban hành ngày 30/6/2003. Quy định này nêu rõ: “Nghiêm cấm mọi hành vi từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam”. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người vẫn không biết đến quy định trên và không nghĩ là mình đang phạm luật.