Hành trình tìm sự thật của người cha có con bị gãy chân ở trường

Anh Trần Trí Dũng bày tỏ sự đồng tình với việc Hiệu trưởng, Hiệu phó bị cách chức và chia sẻ với phóng viên về hành trình 3 tháng để tìm ra sự thật, đòi công bằng cho con trai.

Hành trình tìm sự thật của người cha có con bị gãy chân ở trường - 1

Cháu kiên đã ổn định sức khỏe nhưng vẫn chưa thể đi học

Ngày 21/2, tại trường Tiểu học Nam Trung Yên, UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội đã tổ chức công bố quyết định kỷ luật cách chức Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên.

Hai giáo viên này bị cách chức do vi phạm rất nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp người giáo viên, tạo dư luận xấu trong xã hội về đạo đức nghề nghiệp và hình ảnh người giáo viên.

Quyết định đúng đắn

Nói về quyết định trên của UBND quận Cầu Giấy, anh Trần Chí Dũng, bố của cháu Kiên, học sinh bị gãy xương đùi trong sân trường nói: “Việc cách chức đối với bà Hiệu trưởng và hiệu phó là hoàn toàn đúng đắn. Tôi tôn trọng quyết định của cơ quan quản lý. Ai làm người đó phải chịu trách nhiệm. Đây là một quyết định đúng đắn dù thật tâm khi làm, tôi không muốn ai bị cách chức cả”.

Theo anh Dũng, quyết định này mang lại niềm tin cho gia đình anh và người dân. Ngoài ra, việc tìm ra nguyên nhân tai nạn và làm rõ sự thật là mong muốn để sau này không có sự việc nào đáng tiếc xảy ra như vậy nữa trong ngành giáo dục.

Anh Trần Trí Dũng cũng chia sẻ với phóng viên về hành trình 3 tháng để tìm ra sự thật, đòi công bằng cho con trai.

Clip: Anh Trần Trí Dũng chia sẻ về hành trình tìm sự thật

Người cha bày tỏ: “Kiên bị gãy đôi xương đùi, đau đớn tột cùng. Cháu luôn trong tư thế bó chặt, không thể cử động. Chiếc giường ở bệnh viện quá nhỏ cho hai mẹ con, vợ tôi ngồi và ôm con cả đêm. Tôi nhìn cảnh tượng đó mà đau đớn lắm. Cháu là cậu bé rất vô tư, không bao giờ trách ai, lúc đau đớn nhất con chỉ khóc và nói: Đau quá tại sao chú tắc xi làm Nghé (tên gọi ở nhà của cháu Kiên-PV) khổ thế này”.

Cũng theo anh Dũng, để đi đến ngày hôm nay, anh và gia đình đã rất vất vả. “Thời gian đầu, chúng tôi mất rất nhiều công sức để chăm sóc cháu. Chúng tôi luôn hỏi cháu sự thật nhưng cháu rất sợ sệt không dám nói. Sau một tuần bố mẹ tỉ tê cháu mới nói ra là bị ô tô đâm trong sân trường, trong xe có cô Hiệu trưởng và Hiệu phó. Cùng với đó, chúng tôi được các bác sĩ nói lại là xương đùi là xương cứng, các cháu không thể tự chạy ngã được. Mấy ngày sau có 2 phụ huynh nói lại là con tôi bị ô tô đâm trong sân trường. Và buộc gia đình chúng tôi phải đi tìm sự thật”, anh Dũng nói.

Quá bức xúc, anh Dũng viết đơn gửi cơ quan chức năng và báo chí, chỉ ra những điểm chưa hợp lý trong nội dung báo cáo của cô Tạ Thị Bích Ngọc giải trình về vụ việc. Theo anh Dũng, lý do cô Ngọc đưa ra trước và sau có nhiều điểm bất nhất, không đáng tin cậy.

"Đây cũng là lời cảnh tỉnh, các trường học cần cấm các loại ô tô di chuyển trong sân trong giờ hành chính để đảm bảo sự an toàn cho các con", anh Dũng tâm sự.

Hiệu trưởng, Hiệu phó vẫn chưa xin lỗi

Theo anh Dũng, đến thời điểm hiện tại, cô hiệu trưởng, hiệu phó vẫn chưa nhận lỗi về tai nạn của cháu Kiên. Cô chỉ xin lỗi gia đình về việc chậm thăm hỏi cháu.

Bố cháu Kiên cũng cho rằng, việc chậm không đến thăm con, xuất phát từ tình cảm, nên anh và gia đình không đòi hỏi điều này.

Hành trình tìm sự thật của người cha có con bị gãy chân ở trường - 2

Vết sẹo để lại trên đùi cháu Kiên

Đối với hình thức xử lý chỉ là cách chức, anh Dũng cho rằng, đây chưa phải là kết thúc sự việc. Bởi cơ quan công an còn làm việc tiếp và sẽ có kết luận cuối cùng về sự việc.

Bố của cháu bé bị gãy xương đùi cũng cho rằng, câu trả lời sự thật cũng là cách trả lại sự tự tin cho con trai. Thời gian qua, anh nhận được giúp đỡ của người thân, bạn bè và cả những người chưa từng gặp mặt trên mạng xã hội. Họ sẵn sàng tư vấn về pháp lý, cũng như cách xử lý thông tin để gửi tới báo chí và các cơ quan chức năng. Gia đình hoàn toàn tin tưởng vào chính quyền, cơ quan chức năng sẽ tìm biện pháp đúng đắn, đảm bảo trong sạch trong ngành giáo dục.

Cũng theo anh Dũng, việc chuyển trường cho con là một trong những phương án anh và gia đình đang suy nghĩ. Trước mắt, có thể gia đình anh chuyển trường cho cháu vì cháu bị chấn thương nên điều kiện chăm sóc phải khác, lo ngại trường đang học không đủ đảm bảo cho cháu.

Trước đó, ngày 1/12/2016, học sinh Trần Chí Kiên, lớp 2A4, Trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội bị gãy chân trong sân trường thu hút sự chú ý của dư luận. Đặc biệt, việc nhà trường phát phiếu khảo sát cho 100% cán bộ, giáo viên và học sinh để chứng minh hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc vô can khiến nhiều người bức xúc.

Quá bức xúc trước hành động của Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên, ngày 17/2, gia đình vợ chồng anh Trần Chí Dũng và chị Dương Hoài Thu, phụ huynh cháu Kiên đã có đơn kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và các cơ quan truyền thông báo chí cho rằng, cô Tạ Thị Bích Ngọc đã báo cáo thiếu trung thực.

Ngày 18/2, 18 giáo viên trường Tiểu học Nam Trung Yên đồng loạt gửi “thư bày tỏ” phản đối những điểm chưa đúng sự thật trong vụ học sinh bị gãy chân.

“Những việc làm này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý giáo viên, phụ huynh và học sinh. Ảnh hưởng đến chất lượng dạy học vì thế rất mong cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm vụ việc để ổn định tâm lý cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và trả lại sự bình yên cho ngôi trường”,  18 giáo viên đồng loạt bày tỏ ý kiến.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Xe taxi chở hiệu trưởng đâm gãy chân học trò Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN