Hà Nội điều tra xã hội học 5 Sở "nhạy cảm"

Hà Nội sẽ mở đợt điều tra xã hội học về việc năng lực, thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức thuộc 5 Sở quan trọng liên quan nhiều đến dự án đầu tư, đến người dân và doanh nghiệp. Trao đổi với PV, ông Phạm Thanh Học, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết.

Trong Nghị quyết ĐH Đảng bộ thành phố Hà Nội cả hai nhiệm kỳ 14 và 15 đều chọn cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá. BCH Đảng bộ thành phố đã xây dựng chương trình công tác về cải cách hành chính.

Thực hiện kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hà Nội đã hoàn thành kiểm điểm ở cấp quận, huyện một cách nghiêm túc.

Để nắm rõ hơn chuyển biến về nhận thức của cán bộ, đảng viên, Thành ủy Hà Nội quyết định tổ chức đợt điều tra xã hội học tập trung vào cán bộ, công chức của 5 sở “nhạy cảm” nhất, là đầu mối giải quyết công việc liên quan đến dự án đầu tư, ngân sách, đến nhu cầu hàng ngày của người dân và doanh nghiệp.

5 sở này cũng là những cơ quan mà vừa qua dư luận trong một bộ phận cán bộ, nhân dân có ý kiến còn nhiều vấn đề này, vấn đề kia. Cụ thể gồm: Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường, Tài chính, Xây dựng.

Hà Nội điều tra xã hội học 5 Sở "nhạy cảm" - 1

Ông Phạm Thanh Học

Lấy ý kiến của 1.000 doanh nghiệp, cán bộ chủ chốt quận huyện

Hà Nội áp dụng phương pháp lấy phiếu thăm dò ý kiến và đánh giá ra sao cho sát và trúng đối với cán bộ công chức, thưa ông?

Phạm vi điều tra nằm trong công việc quản lý nhà nước của 5 sở nêu trên nhưng đi vào đánh giá hoạt động của nhiều phòng chức năng trực thuộc 5 sở.

Ví dụ như bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, phòng quản lý ngân sách, phòng giao thông đô thị, Ban giá... của Sở Tài chính; phòng thông tin QHKT, các phòng QHKT, Quy hoạch nông thôn, hạ tầng… của sở Quy hoạch - Kiến trúc…

Tập trung vào thái độ, trách nhiệm, năng lực và trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức; mối quan hệ công việc liên thông giữa cấp quận, huyện với cấp sở.

Trong phiếu lấy ý kiến, chúng tôi có 4 câu hỏi : Cán bộ, công chức (cấp sở) đã hướng dẫn cán bộ, công chức làm đầu mối liên thông giải quyết TTHC (cấp quận, huyện) rõ ràng và đầy đủ chưa? Hướng dẫn không đầy đủ, phải làm lại nhiều lần?

Có hiện tượng nhũng nhiễu tiêu cực hay không? Về năng lực và trình độ chuyên môn cũng đánh giá theo 4 cấp: tốt - khá - trung bình - yếu. Về kết quả giải quyết thủ tục hành chính chúng tôi có 3 câu hỏi: trả trước thời hạn - trả đúng hạn và trả chậm.

Về đối tượng điều tra, chúng tôi tập trung phát phiếu cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp quận, huyện, thị xã; trưởng, phó phòng chuyên môn trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo quận, huyện về các lĩnh vực thuộc 5 sở nêu trên; Ban quản lý dự án của các quận, huyện.

Lấy phiếu điều tra kỳ này, chúng tôi rất muốn anh em có ý kiến chân thực, thẳng thắn. Người trả lời không cần ghi tên vào phiếu. Ngoài ra, đối tượng lấy ý kiến điều tra còn là lãnh đạo một số ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, Tổng Cty trực thuộc Hà Nội.

Đề nghị ông cho biết tiến độ triển khai đợt điều tra này và Thành uỷ sẽ sử dụng kết quả điều tra ra sao?

Chúng tôi đã bắt đầu triển khai và sẽ phát 1.000 phiếu cho cuộc điều tra này. Phấn đấu đến 15/1/2013 sẽ hoàn tất đợt điều tra. Kết quả điều tra xã hội học với lãnh đạo Thành ủy là một kênh thông tin rất quan trọng.

Căn cứ vào kết quả, chúng tôi sẽ có những đề xuất rất cụ thể. Kết quả này sẽ gửi cho Ban chỉ đạo thành phố để từ đó đưa ra giải pháp nhằm phát huy những ưu điểm và những hạn chế cần khắc phục.

Có thể nói, đây là một trong các nội dung rất quan trọng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, đảng viên; trong công tác cán bộ; trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền… theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.

Đề nghị điều tra tiêu cực trong tuyển dụng công chức

Hà Nội điều tra xã hội học 5 Sở "nhạy cảm" - 2

Bộ phận một cửa của Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội.

Vừa qua tại HĐND thành phố, nhiều ý kiến rất bức xúc trước nạn tiêu cực trong tuyển dụng cán bộ, công chức. Là người làm công tác nắm bắt dư luận xã hội, ông có thường nghe về tình trạng này không?

Những ý kiến về tiêu cực trong tuyển dụng cán bộ, công chức tại kỳ họp HĐND thành phố vừa qua, chúng tôi hết sức quan tâm. Ngay từ trước đó, chúng tôi đã nắm thông tin về tình trạng này. Cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội đánh giá cao những ý kiến chất vấn, kiến nghị tại kỳ họp vừa qua.

Tình trạng tiêu cực trong tuyển dụng cán bộ công chức lâu nay cũng râm ran, bàn luận, xì xầm. Tôi không có gì là quá bất ngờ hay ngạc nhiên khi nghe thông tin này.

Đây là vấn đề rất bức xúc mà đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã phát biểu tại kỳ họp và lãnh đạo thành phố không thể không suy nghĩ về việc này. Tôi tin để có những phát biểu đó, đại biểu phải có những cơ sở cực kỳ xác đáng. Thực tế thì người dân biết nhiều chuyện nhưng không dám nói hoặc chưa có diễn đàn để nói.

Trong thẩm quyền của mình, tôi sẽ đề nghị đồng chí Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình cải cách hành chính thành phố cho phép ngay trong năm 2013 sẽ tiến hành điều tra xã hội học về tình trạng tiêu cực trong tuyển dụng cán bộ, công chức của thành phố. Tôi tin lãnh đạo Thành uỷ sẽ ủng hộ chương trình này.

Cảm ơn ông!

“Năm 2013, trong chỉ đạo điều hành, UBND thành phố xác định đây là “Năm kỷ cương hành chính”. Trong đó, sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; đặc biệt là tình trạng quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà.

Tập trung cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, kiện toàn và nâng cao chất lượng phục vụ của cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, và nhân dân...”-Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại Hội nghị giao kế hoạch KTXH năm 2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Tuấn (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN