Giật mình với số “ma men” vi phạm nồng độ cồn trong 15 ngày đầu ra quân

Lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, trong đó có những công chức vi phạm bị phạt tiền gần 40 triệu đồng.

Chiều 16/1, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, từ khi Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định số 100/2019 của Chính phủ có hiệu lực, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Hơn 6.000 lái xe vi phạm nồng độ cồn

Cụ thể, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 54.892 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền 49 tỷ 738 triệu đồng. Trong đó, cảnh sát  giao thông trên toàn quốc xử lý 6.279 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 21 tỷ đồng.

Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Quảng Ninh (475 trường hợp), Thanh Hóa (379 trường hợp), Tây Ninh (341 trường hợp), TP.Hồ Chí Minh (209 trường hợp), Hà Nội (136 trường hợp),...

Đặc biệt, một số trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở như: Đồng Nai (118 trường hợp), Long An (115 trường hợp), Bình Dương (93 trường hợp), TP.Hồ Chí Minh (70 trường hợp),…

Theo Cục cảnh sát giao thông, trong số những người vi phạm có cả cán bộ, công chức. Tại Thái Bình, CSGT Công an tỉnh Thái Bình đã xử phạt một phó giám đốc bệnh viện 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 07 ngày. Tại Quảng Bình, CSGT cũng xử phạt một phó trưởng phòng giáo dục vi phạm nồng độ cồn.

Từ ngày 01/01 đến ngày 15/01/2020, toàn quốc xảy ra 322 vụ tai nạn giao thông, làm chết 249 người, bị thương 158 người. So với thời gian trước liền kề giảm 31 vụ (-8,8%), giảm 38 người chết (-13,2%), giảm 57 người bị thương (-26,5%).

Để bảo đảm cho người dân vui chơi, đi lại an toàn vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, công an sẽ tập trung triển khai các giải pháp góp phần đảm bảo tình hình TTATGT, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất TNGT xảy ra. 

Lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, đặc biệt là các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm soát và chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật. 

Sau hai tuần Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, tại các bệnh viện số bệnh nhân cấp cứu do tai nạn giao thông có xu hướng giảm, đặc biệt là “ma men” nhập viện do uống rượu, bia.

Số người nhập viện vì TNGT giảm

Tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội (nơi tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông nặng được chuyển từ tuyến dưới lên), lượng cấp cứu do tai nạn giao thông khi sử dụng rượu, bia giảm. 

Lãnh đạo BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, số bệnh nhân liên quan đến sử dụng rượu, bia trong những ngày qua chiếm 11,8%, trong khi trước đó chiếm 15%.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, theo BS Trần Quang Toản - Trưởng khoa Chấn thương - chỉnh hình, trước đây, khoa tiếp nhận 2 - 3 ca bệnh bị TNGT/ngày (với mức tổn thương nặng như: Gãy chân, gãy đùi; chấn thương sọ não hoặc gãy nhiều xương) do rượu, bia,...; nhưng sau khi thực hiện Nghị định 100, tỷ lệ bệnh nhân giảm rõ rệt về số ca tai nạn và tổn thương.

Cũng theo bác sĩ Toản, so với thời điểm này năm 2010, dịp gần Tết, lượng bệnh nhân nhập viện rất đông, một ngày khoa tiếp nhận hơn 10 ca bệnh, tuy nhiên, nay giảm chỉ còn 20 -30%.

Riêng Khoa Cấp cứu, BV Thanh Nhàn, bác sỹ Vũ Xuân thông tin, số bệnh nhân cấp cứu do TNGT đã giảm, đặc biệt là giảm lượng bệnh nhân nhập viện do uống rượu, bia, chỉ còn khoảng 60 - 70 ca cấp cứu. Trước kia khoảng 100 ca cấp cứu mỗi ngày. 

Tại BV Đa khoa Hà Đông, bác sĩ Phạm Ngũ Hiển, Khoa Cấp cứu cho biết, trước đây, khoa Cấp cứu thường tiếp nhận 10 - 15 ca/ngày do TNGT liên quan đến bia, rượu nhưng sau khi thực hiện Nghị định 100, lượng bệnh nhân hiện chỉ còn khoảng 1 - 2 ca/ngày, còn lại là các bệnh nhân gặp tai nạn do nguyên nhân khác. 

Những ngày cận Tết, các bác sĩ khuyến cáo, khi điều khiển phương tiện giao thông, mọi người cần đi với tốc độ vừa phải, đội mũ bảo hiểm và tuyệt đối không lái xe khi đã uống rượu bia. Chỉ cần uống bia rượu dù một chút rất nhỏ cũng có thể khiến người cầm lái không tỉnh táo, có thể gây tai nạn dẫn đến tử vong hoặc chịu những di chứng nặng nề do tai nạn gây nên.

Nguồn: [Link nguồn]

Nồng độ cồn vượt ”khủng khiếp”, tài xế ngậm ngùi lĩnh phạt nặng

Với người lái xe ô tô là mức phạt 35 triệu đồng, trong khi người lái xe máy sẽ bị phạt 7 triệu đồng, chưa kể bị...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức – Trịnh Thu ([Tên nguồn])
Đề xuất tịch thu xe của tài xế có nồng độ cồn cao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN