Giật mình với “quả bom xăng”

Ở Hà Nội và TP.HCM đang tồn tại nhiều cây xăng nằm giữa khu dân cư, vi phạm khoảng cách an toàn, không đáp ứng điều kiện về PCCC, tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho tính mạng cũng như tài sản của người dân.

Vụ cháy cây xăng gây lo ngại cho người dân vì hầu hết cây xăng trong các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM đều vi phạm quy định về khoảng cách với khu dân cư.

Hà Nội: Những “quả bom” chờ nổ


Theo Thông tư 02 ngày 05/02/2010 của Bộ Xây dựng, trạm xăng dầu nằm trong đô thị phải cách khu vực tụ tập đông người tối thiểu 100 m, các công trình dân dụng hơn 10 m, các công trình công cộng hơn 50 m, nếu trạm xăng tiếp giáp với các công trình xây dựng khác thì phải có tường bao chống cháy cao trên 2,2 m.

Thực tế, tại Hà Nội có gần 500 cây xăng. Đa số đều nằm giữa khu dân cư và đều không đáp ứng điều kiện về PCCC. Phương tiện, trang thiết bị của các đội PCCC vừa thiếu vừa lạc hậu.

Theo Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, các cây xăng đa số đều nằm giữa khu dân cư đã có từ lâu (cây xăng Trần Khát Chân có “tuổi thọ” đến 20 năm), nhiều cửa hàng kinh doanh các dịch vụ khác mọc lên bên cạnh, vi phạm quy định về khoảng cách an toàn. Nhiều cây xăng bị những hộ dân xung quanh lấn chiếm, cơi nới xây dựng nhà san sát dẫn đến không đảm bảo điều kiện an toàn, khoảng cách an toàn về phòng cháy như ban đầu. Các cây xăng trong TP Hà Nội đều vi phạm quy định về khoảng cách.

Giật mình với “quả bom xăng” - 1

Cây xăng Petrolimex (767 Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5) ba mặt đều giáp tường nhà dân. Ảnh: Minh Quý

Không chỉ vi phạm về khoảng cách an toàn, việc đáp ứng về các quy định PCCC tại các cây xăng cũng hết sức lỏng lẻo. Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, cho biết khi mới đưa vào sử dụng, cây xăng có thể đáp ứng tốt các quy định về PCCC, song qua thời gian hoạt động, các công tác quản lý, kiểm tra bị buông lỏng và cả sự bất cẩn, cẩu thả của cây xăng nên dẫn đến vi phạm các yêu cầu an toàn trong việc PCCC. Theo ông Nghi, chỉ riêng trong năm 2012, cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã lập biên bản, xử lý 139 trường hợp cây xăng vi phạm và sáu tháng đầu năm 2013 là 28 trường hợp. Ông Nghi cũng thừa nhận Hà Nội đã có yêu cầu di dời 10 cây xăng không đảm bảo điều kiện ra khỏi khu dân cư từ nhiều năm, tuy nhiên đến nay vẫn chưa di dời được cây xăng nào.

TP.HCM: Nhan nhản cây xăng vi phạm

Ở TP.HCM cũng không khá hơn, các cây xăng cũng vi phạm khoảng cách an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho tính mạng cũng như tài sản của người dân.

Cây xăng Comeco (442 Cách Mạng Tháng Tám, phường 11, quận 3) chỉ nằm cách cửa hàng Innox bên phải và shop quần áo chưa đầy 3 m, phía sau giáp cây xăng là nhà dân và không có tường chống cháy.

Cửa hàng xăng dầu K25 (291 Cách Mạng Tháng Tám, phường 12, quận 10) bị nhà dân bao bọc xung quanh và có nhiều vật liệu dễ bắt lửa như xốp, vải… Cây xăng này cũng không buồn gắn biển báo cấm hút thuốc và chẳng thấy các thiết bị PCCC.

Ở cây xăng Petrolimex (767 Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5), trừ mặt tiền đường, còn lại là giáp nhà dân và chỉ cách tòa cao ốc 11 tầng của Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu khoảng… 3 m

Cây xăng 744 Trần Hưng Đạo, phường 2, quận 5 thì nằm lọt thỏm dưới nhiều căn nhà cao tầng của người dân. Tương tự, tại các cây xăng trên đường Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng, Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh); Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh, Âu Cơ (Tân Bình); Lũy Bán Bích, Thoại Ngọc Hầu (Tân Phú)… tất cả đều nằm sát nhà dân hoặc các địa điểm kinh doanh.

Bà Trần Thị Thu (293 Cách Mạng Tháng Tám, phường 12, quận 10), nhà gần cây xăng 291, lo lắng nói: “Thời gian gần đây nhiều cây xăng cháy nổ nên tôi rất lo sẽ bị vạ lây. Nhiều lần tôi thấy người dân đứng trước cây xăng hút thuốc nhưng không thấy nhân viên ra nhắc nhở”.

Còn ông Nguyễn Thanh Tùng (đường Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình) kể: “Cách đây không lâu, khi gia đình đang xem tivi thì cây xăng cách nhà khoảng 3 m bốc cháy. Nghe mọi người hô hoán, cả nhà bỏ chạy ra ngoài. Rất may hôm đó không nổ hầm chứa chứ không nhà tôi cũng khó tránh khỏi bị vạ lây”.

Bếp than làm cháy cây xăng

Chiều 4/6, tại cuộc họp báo về vụ cháy cây xăng 2A Trần Hưng Đạo, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, cho biết: Lực lượng cứu hỏa đã cố gắng, sáng tạo trong việc cứu hỏa chứ không phải là tắc trách hay bất lực với vụ cháy…

Về nguyên nhân vụ cháy, Thiếu tướng Nghi thông tin: Vụ cháy là do sự tắc trách của các nhân viên cây xăng trong quá trình tiếp xăng dầu. Theo đó, xăng rò ra từ trạm chảy xuống rãnh nước, qua cửa hàng sửa xe, rồi đến quán cơm. Trước cửa quán cơm có bếp than, xăng bắt nhiệt bùng cháy và cháy ngược trở lại trạm xăng dầu theo đường nước.

Ngày 4/6, BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, BV Xanh Pôn, cho biết nơi đây đang điều trị cho 10 bệnh nhân bị bỏng trong vụ cháy cây xăng. Trong đó, hai chiến sĩ bị bỏng nặng nhất là Phạm Văn Phúc và Phạm Văn Phong, bỏng 20% cơ thể, độ III. Bốn người bị bỏng vùng mặt, còn lại bỏng vùng cánh tay và chân.

Cũng trong ngày, BS Hoàng Anh Tú, Viện Bỏng Quốc gia, cho biết Viện đang điều trị cho hai người dân sống cạnh cây xăng. Bệnh nhân nữ bỏng 30% cơ thể, bỏng sâu 10%, bệnh nhân nam bỏng 20% cơ thể, hiện họ đã thoát cơn nguy hiểm.

Huy Hà

TP.HCM yêu cầu bảo đảm an toàn nhập xăng

Ngày 4/6, Sở Công Thương TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn TP thực hiện nghiêm túc quy trình an toàn PCCC trong quá trình nhập xăng dầu vào bể chứa. Theo đó, khi nhập xăng dầu vào bể chứa ngầm, cửa hàng trưởng hoặc người được ủy quyền phải trực tiếp kiểm tra an toàn cháy nổ như hướng dẫn xe đậu đúng vị trí, yêu cầu tài xế tắt máy, cài thắng tay, tiếp địa vào xe đầy đủ để đảm bảo tình trạng tiếp xúc tốt. Phải sử dụng hệ thống thu hồi hơi xăng dầu khi nhập hàng. Trước khi xuống hàng, tất cả trụ bơm liên quan đến bể nhập phải ngưng xuất đến khi kết thúc nhập hàng. Để đảm bảo an toàn PCCC trong lúc xuống hàng, ngoài họng nhập được sử dụng để nhập hàng, doanh nghiệp không được mở bất kỳ họng khác của bể đang nhập…

Tú Uyên

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo T.Phú - N.Dân - M.Quý (Pháp Luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN