Gặp tân Bộ trưởng có số phiếu tín nhiệm cao nhất
Ông Đỗ Văn Chiến trở thành tân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Quốc hội với số phiếu đồng ý cao nhất, 93,72%...
Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu kín phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ và nhiều thành viên Chính phủ được công bố, tân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến - người có số phiếu đồng ý cao nhất bày tỏ: "Tôi rất phấn khởi khi được Quốc hội tín nhiệm với số phiếu cao nhất. Tôi cũng ý thức rằng đây là sự tín nhiệm của Quốc hội đối với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước với công tác dân tộc, vùng đồng bào dân tộc, miền núi".
- Thưa Bộ trưởng, việc làm đầu tiên ông sẽ giải quyết trên cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc là gì?
Tôi cũng nhận thức được trách nhiệm rất nặng nề của mình, trong thời gian tới, tôi sẽ cùng với các thành viên khác của Chính phủ tập trung triển khai các nội dung mà Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng đã đề ra.
Trong đó, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm phát triển kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đầu tư thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo.
Đầu tư cho giáo dục, y tế, nguồn nhân lực để làm sao đó có những biến chuyển, thay đổi rõ nét về kinh tế, xã hội ở khu vực đồng bào dân tộc, miền núi, nhất là khu vực ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, duyên hải miền Trung.
Tân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Quốc hội Đỗ Văn Chiến
- Ngân sách Nhà nước hiện đang khá căng thẳng, kinh phí để hỗ trợ, đầu tư và phát triển cho các vùng đồng bào dân tộc, miền núi đang trở nên hạn hẹp. Ông nhìn nhận về khó khăn này như thế nào?
Trong thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Như mọi người đã biết, Chính phủ đã tập trung vào chương trình 135, 30A và hiện nay là chương trình giảm nghèo bền vững quốc gia. Đúng là ngân sách quốc gia còn nhiều khó khăn nhưng sự ưu ái, đầu tư của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua là rất đáng kể.
Tôi cũng nhận thức là nguồn ngân sách có hạn nên chúng ta phải tập trung khai thác thêm nguồn vốn xã hội hóa, rồi các tổ chức phi chính phủ của quốc tế quan tâm vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Vì thế, chúng ta phải thực hiện lồng ghép các nguồn vốn sao cho có hiệu quả.
- Cử tri và các ĐBQH đang rất mong mỏi bộ máy Chính phủ mới với những gương mặt Bộ trưởng mới sẽ là một Chính phủ hành động. Vậy, ông sẽ hành động quyết liệt nhất vào những đột phá nào để tạo chuyển biến?
Thực ra công tác dân tộc và đầu tư phát triển kinh tế xã hội cho vùng miền núi, dân tộc là lĩnh vực có nhiều khó khăn. Bởi địa hình miền núi chia cắt, hạ tầng kinh tế xã hội còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, trình độ dân trí ở khu vực này so với khu vực khác có mức độ hơn.
Do vậy, chương trình hành động của tôi là sẽ tập trung với các đồng chí lãnh đạo ban cán sự Đảng, ủy ban dân tộc sẽ triển khai có hiệu quả chiến lược công tác dân tộc mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đến năm 2020.
Chúng tôi cũng tập trung làm sao để các cấp ủy Đảng, chính quyền các dân tộc, dân tộc thiểu số phấn đấu thực hiện các mục tiêu thiên nhiên kỷ mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Xin trân trọng cảm ơn ông!