Gặp Được "đen" - "linh hồn sống" ở bãi giữa sông Hồng

Sự kiện: Thời sự

Không chỉ là người đầu tiên sống ở bãi giữa sông Hồng, là “linh hồn” của xóm ngụ cư mà ông Được "đen" còn nổi tiếng với công việc nghĩa hiệp, vớt xác, cứu những người nhảy cầu tự tử.

Gặp Được "đen" - "linh hồn sống" ở bãi giữa sông Hồng - 1

Ông Nguyễn Đăng Được (70 tuổi) được coi là “linh hồn” của xóm ngụ cư và là người đầu tiên sống ở bãi giữa sông Hồng (phường Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội)

Người đầu tiên ra sống ở bãi giữa sông Hồng

Ông Được “đen” vốn có quê quán ở Bố Trạch (Quảng Bình), nhưng lại được sinh ra ở tận Thái Lan và lưu lạc, sinh sống ở bãi giữa sông Hồng (Hà Nội) nhiều năm nay. Với nhiều người dân Hà Nội có thể không biết ông nhưng với cư dân sinh sống ven sông Hồng đoạn chảy qua bãi giữa dưới gầm cầu Long Biên (phường Ngọc Thụy, Gia Lâm), ông là người nổi tiếng. Ông Được "đen" là cái tên thân mật mà người dân "xóm phao" vẫn thường gọi ông, người đầu tiên xuống bãi giữa sông Hồng sinh sống. 

Không chỉ là người đầu tiên sống ở bãi giữa sông Hồng, là “linh hồn” của xóm ngụ cư mà ông còn nổi tiếng với công việc nghĩa hiệp, vớt xác, cứu những người nhảy cầu tự tử. Trong những năm sống ở bãi giữa ông đã vớt rất nhiều xác, lập lên một nghĩa trang dưới gầm cầu Long Biên.

Gặp Được "đen" - "linh hồn sống" ở bãi giữa sông Hồng - 2

Ông được coi là người giàu nhất xóm ngụ cư bởi ông thuê được đất canh tác, trồng hoa màu. Đã 70 tuổi nhưng hàng ngày ông vẫn miệt mài lao động

Ông Được tâm sự: "Tôi quê quán ở Bố Trạch, Quảng Bình, nhưng được sinh ra ở Thái Lan. Năm 10 tuổi theo gia đình về Việt Nam, chiến tranh loạn lạc nên cả nhà tôi lưu lạc khắp nơi, có lúc ở Huế, rồi ra Hà Nội". 

"Nghèo khó, một mình tôi ra Hà Nội sống, bị trộm lấy hết giấy tờ tùy thân và tiền bạc, tôi mò xuống bãi hoang giữa sông Hồng kiếm miếng đất cắm dùi, rồi phát cỏ trồng trọt. Có chút tiền, tôi sắm manh thuyền rách, rồi làm nghề đánh cá kiếm sống", ông Được nói.

Gặp Được "đen" - "linh hồn sống" ở bãi giữa sông Hồng - 3

Với những luống cày sâu và rộng, mảnh đất này qua tay ông Đước "đen" ngày càng màu mỡ và cho trái ngọt.

Cứu sống nhiều người nhảy cầu tự tử

Sau cái chết của con gái, ông Được gắn bó với nghiệp vớt xác, cứ nghe tin có người nhảy cầu ông liền lao tới cứu. Ánh mắt đượm buồn, ông Được đen kể về công việc vớt xác ở bãi giữa sông Hồng: "Năm 1988, con gái tôi chết đuối trên sông Hồng này. Nghĩ tới cô con gái nhỏ chết trên sông không ai nhìn thấy, không ai cứu vớt, lòng tôi đau lắm".

Những xác chết không có giấy tờ tùy thân, hay người thân tới nhận ông Được "đen" dùng manh chiếu cũ, hoặc chăn cuốn lại an ủi, rồi chôn xác ở mảnh đất hoang dưới gầm cầu. "Gầm cầu Long Biên có gần 100 nấm mồ nhỏ, đó là nơi an nghỉ của những người trôi trên sông mà tôi và vợ vớt được và chôn cất, nhưng tiếc là nước ngập, rồi trôi hết cả", ông Được tâm sự.

Gặp Được "đen" - "linh hồn sống" ở bãi giữa sông Hồng - 4

Sinh ra ở Thái Lan, gốc Đồng Hới (Quảng Bình) nhưng lại lưu lạc tới Hà Nội, ông Được "đen" chọn bãi giữa sông Hồng dưới chân cầu Long Biên làm nơi trú ngụ

Nói về xóm ngụ cư, ông Được cho biết, hiện cả xóm có gần 30 hộ. Cũng giống như tôi, họ tới bãi giữa sông Hồng sinh sống hầu hết là người lang thang, cơ nhỡ, không nhà cửa. Họ bỏ đi nhiều năm nên địa phương đã cắt khẩu. Nhiều gia đình đã sống ở đây được 3 thế hệ.

Không có giấy tờ tùy thân, con cái sinh ra không được khai sinh, tương lai của những người "xóm phao" mù mịt. Ông Được "đen" lại tất tả đi xin giấy tờ cho những người dân nơi đây. "Xóm phao" dần ổn định an ninh trật tự khi ông Được làm trưởng xóm, cuối cùng UBND Ngọc Thụy đã cho phép người dân được tạm trú ở đây. Mặc dù được cho phép tạm trú nhưng gần 30 hộ dân ở đây không thuộc bất kỳ một phường xã nào quản lý. 

Gặp Được "đen" - "linh hồn sống" ở bãi giữa sông Hồng - 5

Hiện ông có hai vợ, mỗi người vợ sống một nhà khác nhau ở bãi giữa sông Hồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Phú ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN