Đưa "thảm họa thần tượng" vào đề Văn

Buổi thi sáng nay (9/7) đã kết thúc với nhiều tâm trạng khác nhau. Đề môn Sinh khối B được thí sinh đánh giá vừa sức, môn Văn khối D thú vị, trong khi đó môn Văn khối C khá "khó nhằn".

Đề Sinh khối B: Thí sinh làm bài vừa kịp lúc hết giờ

Sáng nay, các thí sinh đã hoàn thành bài làm môn sinh học khối B. Theo ghi nhận, số lượng thí sinh tham gia thi  vào đại học Y Hà Nội đợt này chiếm hơn 70% so với hồ sơ dự tuyển. Theo đánh giá của một giáo viên trường này, đây là tỷ lệ khá cao.

Tại điểm thi trường Y Hà Nội, không có hiện tượng thí sinh bỏ thi hay ra sớm so với giờ quy định. Sau hồi trống đánh khoảng 15 phút, các thí sinh mới bắt đầu lục đục ra khỏi trường thi.

Hầu hết các sĩ tử đều cho biết, đề thi dài 7 trang, nhưng không khó lắm.

Bạn Nguyễn Anh Văn (học trường chuyên Hùng Vương - Phú Thọ) cho biết, bạn làm được hơn 70% bài thi. Đây là trường thứ hai bạn dự thi trong năm nay. Sinh học là môn bạn kém nhất trong số các môn còn lại. Trước đó, bạn đã thi khối A trường Kinh tế Quốc dân và Văn cảm thấy rất tự tin.

Bạn gái Nguyễn Hoàng Yến hơi e dè trước kết quả thi của mình sáng nay: "Em chỉ làm được hơn 50% thôi. Đề dài và hơi khó. Hy vọng 2 môn thi sau sẽ tốt hơn."

Một số bạn được hỏi đều cho biết, đề thi chủ yếu là kiến thức cơ bản nhưng dài nên người làm xong sớm nhất trong phòng thi của mình chỉ trước khi hết giờ khoảng 5 phút.

Đưa "thảm họa thần tượng" vào đề Văn - 1

Các thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi tại địa điểm thi trường Y, Hà Nội. (Ảnh: Cảnh Kiên).

Đưa "thảm họa thần tượng" vào đề Văn - 2

Bạn Nguyễn Hoàng Yến - mặc dù cười tươi nhưng vẫn chưa hài lòng lắm về kết quả thi sáng nay của mình. (Ảnh: Cảnh Kiên).

Thí sinh Đinh Văn Hạnh ở Nam Định tại địa điểm thi trường ĐH Sư Phạm Hà Nội cho biết: "những dạng bài này em đã gặp trong quá trình ôn luyện ở các đề thi năm trước, nên làm bài không khó khăn. Đề thi có 60 câu em chắc chắn làm đúng 30 câu là những câu cơ bản. Nhưng do không được nhắc trước về thời gian, nên những câu cuối, em chỉ đánh dấu đáp án theo cảm tính".

Môn Văn khối D: Đề nghị luận khá thú vị

Cũng tại địa điểm thi trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, một số thí sinh thi khối D đã ra sớm gần 1 tiếng với khuôn mặt rất vui vẻ. Được biết, đề thi Văn năm nay có một câu nghị luận khá thú vị là "Ngưỡng mộ thần tượng là vẻ đẹp của văn hóa nhưng mê muội thần tượng là thảm họa. Anh (chị) có suy nghĩ gì về vấn đề này?".

Đưa "thảm họa thần tượng" vào đề Văn - 3

Phụ huynh học sinh chờ con trước cổng trường thi. (Ảnh: Minh Yến).

Đưa "thảm họa thần tượng" vào đề Văn - 4

Thí sinh hoàn thành sớm nhất bài thi của trường ĐH Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: Minh Yến).

Đưa "thảm họa thần tượng" vào đề Văn - 5

Nhiều bậc phụ huynh lo lắng đứng trước cổng trường chờ đón con. (Ảnh: Minh Yến).

Đưa "thảm họa thần tượng" vào đề Văn - 6

Vừa ra khỏi cổng trường thi, nhiều thí sinh đã nhận được lời mời đăng ký tham dự các khóa đào tạo của các trường khác. Nhiều thí sinh chia sẻ sẽ cân nhắc đến phương án học tập này. (Ảnh: Minh Yến).

Em Lê Phương Linh, Hà Nội, thi vào khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết "do đề thi có những câu hỏi đã được ôn luyện, nên em đã trúng tủ, không cần suy nghĩ nhiều, làm bài khá tốt. Còn về đề bài nghị luận hâm mộ thần tượng, trong thời gian gần đây đã được báo chí và rất nhiều người bàn tán, bản thân học sinh chúng em rất quan tâm đến vấn đề này, vì thế e có thể áp dụng nhanh chóng và làm bài nhanh. Em thấy mình đã làm được hết những điều mình muốn và không có nuối tiếc về bài làm hôm nay".

Thí sinh Đặng Diệu Thanh, Hà Nội cũng nói rằng, trong đề thi có một câu hỏi nâng cao khá khó, là so sánh câu nói cuối cùng trong vợ nhặt, và so sánh câu nói cuối cùng của chí phéo. Do cần có sự liên hệ và tư duy logic, vì trong quá trình học chưa từng gặp dạng đề này nên em gặp nhiều khó khăn.

Đưa "thảm họa thần tượng" vào đề Văn - 7

Tại địa điểm thi trường ĐH Ngoại Thương, Thí sinh Nguyễn Thủy Tiên (Hà Nội) ra sớm nhất lúc 9h30. Em cho biết đề nằm trong chương trình học. (Ảnh: Hồng Phú)

Đưa "thảm họa thần tượng" vào đề Văn - 8

Sĩ tử ra về trong nắng nóng. (Ảnh: Hồng Phú)

Môn Văn khối C: Băn khoăn câu nghị luận

Tại điểm thi HV Báo chí và Tuyên truyền, dù không ra sớm như các thí sinh thi khối D nhưng cũng có nhiều thí sinh ra trước thời gian khoảng 15- 30 phút. Mỗi thí sinh ra với một tâm trạng khác nhau. Nhận xét chung về đề văn khối C là kiến thức tương đối cơ bản.

Đưa "thảm họa thần tượng" vào đề Văn - 9

Đề thi năm nay theo thí sinh đánh giá là khá khó, rất nhiều thí sinh phải bỏ 1 đến 2 câu. Trong ảnh, hai thí sinh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền nắm tay nhau ra khỏi trường thi. (Ảnh: Minh Yến).

Hoàng Phương Liên (Nam Định) thi vào khoa Báo mạng cho biết: “Đề không khó nhưng phải nắm chắc mới làm được. Vì câu hỏi trong đề lại chẻ nhỏ, không bao quát. Nếu học tủ chưa chắc trả lời được.” Câu hỏi khó mà theo Liên không trả lời được nói về tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Đòi hỏi học sinh phải tìm ra những hình ảnh được so sánh vẻ đẹp với người phụ nữ.

Trong khi đó Lê Hoài Phượng (Phú Thọ) lại cho rằng các câu hỏi đều đã được học nên không bắt thí sinh phải suy luận nhiều: “Các câu hỏi em đã được ôn hết. Không có phần nào khó. Ở câu nghị luận, dù chưa được học trước nhưng do luyện nhiều đề, em có thể tư duy được”.

Nhiều thí sinh ra về vẫn băn khoăn ở câu nghị luận thứ 2 với đề: ‘Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành công”.

Ở câu hỏi nâng cao (5 điểm) được các thí sinh nhận xét là tương đối dễ.

TP.HCM: Môn Văn vừa sức

Xung quanh các điểm thi đợt 2, nhiều hàng quán, hàng rong vào mùa kiếm sống. Tại một số điểm thi sáng nay 9/7, phụ huynh học sinh đứng chờ con mình đang thi bên trong, thì bên ngoài, họ đứng ngồi bồn chồn. Nhiều dịch vụ ăn theo mùa thi vây quanh các trường, giá của dịch vụ cũng bị “đội” lên rất cao nhằm vào phụ huynh.

Đưa "thảm họa thần tượng" vào đề Văn - 10

Phụ huynh ngồi lo lắng bên ngoài khi con em mình vào phòng thi.


Đưa "thảm họa thần tượng" vào đề Văn - 11

Phụ huynh này báo tin về quê “con đã vào phòng thi rồi”.

Đưa "thảm họa thần tượng" vào đề Văn - 12

Phụ huynh này cố nán lại trong sân trường, đã đến giờ “khai bút”, nên bảo vệ phải “mời” phụ huynh này ra ngoài.

Đưa "thảm họa thần tượng" vào đề Văn - 13

Đây là thí sinh suýt đến muộn, khi cổng trường tại điểm thi đã khép !

Đưa "thảm họa thần tượng" vào đề Văn - 14

Bên ngoài điểm thi.

Trưa nay (9/7), sau khi thi môn Văn, rời khỏi phòng thi, nhiều thí sinh cho rằng đề thi Văn năm nay ở mức trung bình, nhưng có phần hơi khó hơn một chút. Thí sinh Phạm Thị Hiền (thi vào Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho biết, bài thi môn Văn ở mức học lực trung bình sẽ làm bài được.

Nhận định đề thi

Thạc sỹ Lê Thị Hồng- trường CĐ Sư phạm Trung ương (Hà Nội) nhận xét về đề thi văn khối C năm nay:

Tôi thấy đề năm nay ra rất hay, phát huy được tính văn học và cái đẹp trong tác phẩm. Ví dụ như câu 1 là hình ảnh dòng sông được so sánh với hai người phụ nữ. Thí sinh nếu học quá chú trọng đến nội dung sẽ quên mất cảm nhận những chi tiết nhỏ trong tác phẩm. Vì vậy đề này đòi hỏi học sinh phải có sự cảm thụ riêng. Trong câu 2 nghị luận xã hội, nhiều học sinh có cảm nhận chung là khó hơn khối D. Vì câu hỏi này không gần gũi như vấn đề “thần tượng”. Nhưng nghị luận là đưa ra những quan điểm về cuộc sống, về những chuẩn mực xã hội nên đề thế này không có gì là quá khó. Dĩ nhiên với câu hỏi này, nếu thí sinh có những trải nghiệm trong cuộc sống sẽ viết được sâu và “trúng” hơn. Với câu nâng cao là so sánh giữa hai đoạn thơ giúp học sinh đưa ra cái nhìn khái quát. Học sinh phải nắm chắc kiến thức mới làm tốt được, tránh hiện tượng học tủ học lệch.

Nhìn chung đề năm nay có độ dài vừa phải, kiến thức tương đối cơ bản. Những dạng đề như so sánh khái quát, nghị luận xã hội đã xuất hiện từ những năm trước nên không có gì lạ hay gây khó dễ cho học sinh.

Cũng nhận xét về đề thi văn khối D, Th.S Hồng cảm nhận đề năm nay khá thí vị. Câu hỏi 1 là hình ảnh giọt nước mắt của A Phủ, hướng học sinh đến cảm nhận nhân văn, đến những chi tiết nhỏ làm nên giá trị thực sự của tác phẩm. Với câu 2 điểm này được cho là ngắn hơn đề năm trước. Học sinh có thể triển khai dễ dàng, không mất thời gian. Câu nghị luận thiết thực với học sinh. Đây chính là vấn đề cần được các bạn góp ý bằng tiếng nói của mình. Nên chắc chắn sẽ được nhiều học sinh thích thú. Câu hỏi nâng cao trong bài, nếu nhìn thoáng qua sẽ thấy yêu cầu so sánh giữa hai câu nói của tác phẩm Vợ nhặt và Chí Phèo là khó. Nhưng hiểu được bản chất vấn đề, sẽ dễ dàng triển khai. Đây chính là câu phân loại học sinh”.

Hồng Vân

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Đáp án, đề thi đại học cao đẳng 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN