Dự án đường vành đai 3, vành đai 4: Đề xuất Thủ tướng ủy quyền cho chủ tịch tỉnh chỉ định thầu

Sự kiện: Thời sự

Dự thảo nghị quyết làm đường vành đai 3 - TP.HCM, vành đai 4 - Hà Nội đã có cơ chế đặc biệt nhưng một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần đặc biệt hơn nữa.

Hầu hết thời gian phiên họp toàn thể ngày 10-6, Quốc hội (QH) dành cho phần thảo luận các dự án đầu tư giao thông đường bộ, gồm dự án đường vành đai 3 - TP.HCM, vành đai 4 - Hà Nội và ba dự án đường cao tốc phía Nam, gồm đoạn Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Đại biểu Tạ Thị Yên (trái) và đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Quốc hội ngày 10-6. Ảnh: QH

Đại biểu Tạ Thị Yên (trái) và đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Quốc hội ngày 10-6. Ảnh: QH

Nên cho phép Thủ tướng ủy quyền cho chủ tịch tỉnh chỉ định thầu

Các dự án phát triển kết cấu hạ tầng này được đưa ra bàn thảo, quyết định ở thời điểm điểm nghẽn hạ tầng giao thông bộc lộ ngày càng rõ sau thời gian dài bế tắc các dự án BOT và QH, Chính phủ đang kỳ vọng đổ tiền vào đầu tư giao thông là một giải pháp góp phần phục hồi nền kinh tế sau hơn hai năm xuống dốc vì dịch COVID-19.

Với mục tiêu ấy, hai dự thảo nghị quyết trình QH thảo luận cho hai dự án đường vành đai 3 - TP.HCM, vành đai 4 - Hà Nội mở ra cơ chế khá đặc biệt, được áp dụng trong hai năm 2022-2023.

Cụ thể, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư thì Thủ tướng được xem xét, quyết định chỉ định thầu. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh thì Thủ tướng báo cáo QH.

“Một khi đã giao hết cho Thủ tướng nghĩa là từ Hà Nội đến TP.HCM bay mất 2,5 giờ nhưng một văn bản từ TP.HCM đi Hà Nội có khi 2-3 tháng sau chưa có văn bản phản hồi.”

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

Nêu ý kiến, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) khẳng định đường vành đai 3 - TP.HCM sẽ tạo hiệu ứng đột phá, tháo gỡ “điểm nghẽn” nhiều năm qua, góp phần hồi phục và phát triển kinh tế khu vực Đông Nam bộ, trong đó có TP.HCM.

Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, ông Nghĩa cho rằng cơ chế nêu trên chưa đủ mạnh. Không chỉ cho phép Thủ tướng xem xét, chỉ định thầu, ông đề nghị QH mạnh dạn cho phép Thủ tướng ủy quyền cho chủ tịch UBND các tỉnh, thành có liên quan dự án thực hiện công việc này.

Cùng với đó, nghị quyết cần quy định rõ trong thời gian thực hiện dự án, nếu phát sinh công việc chỉ định thầu, chủ tịch UBND báo cáo Thủ tướng. Nếu vượt thẩm quyền, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định, thay vì báo cáo QH như quy định tại dự thảo.

“QH họp sáu tháng một lần để Ủy ban Thường vụ QH quyết định sẽ nhanh chóng hơn” - ông Nghĩa nói.

Giải thích cho đề xuất của mình, ĐB đến từ Đoàn Luật sư TP.HCM nêu một số lý do: “Thủ tướng bận rất nhiều việc” và bản chất quan liêu của hệ thống hành chính nhà nước thì “một khi đã giao hết cho Thủ tướng nghĩa là từ Hà Nội đến TP.HCM bay mất 2,5 giờ nhưng một văn bản từ TP.HCM đi Hà Nội có khi 2-3 tháng sau chưa có văn bản phản hồi”.

Ông cũng phân tích khía cạnh pháp lý của giải pháp ủy quyền: Quyền vẫn nằm ở Thủ tướng; trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu vẫn tuân thủ pháp luật về đấu thầu.

“Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện theo ủy quyền của Thủ tướng và thực hiện theo pháp luật về đấu thầu. Những “chốt” này đảm bảo sự tuân thủ rất cao” - ông Nghĩa nói.

Ngoài ra, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng cơ chế đặc biệt chỉ trong hai năm 2022-2023 là quá ngắn, khi mà thời điểm QH đang thảo luận này đã là giữa năm 2022. “Nói là hai năm nhưng thực chất chỉ còn một năm rưỡi. Chúng tôi đề nghị cho áp dụng trong vòng ba năm kể từ ngày ban hành nghị quyết này”.

Có nên mời thanh tra, kiểm toán, công an vào dự án ngay từ đầu?

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trong phần trả lời chất vấn chiều 9-6 có đặt vấn đề là nên mời công an, thanh tra, kiểm toán vào ngay từ khâu đầu thực hiện các dự án giao thông. Nhắc lại nội dung này, ĐB Lê Hoài Trung (Thừa Thiên-Huế) bày tỏ đồng tình và cho rằng: “Đây không phải là không tin nhưng sẽ giúp giảm bớt những sai sót”.

Tuy nhiên, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) lại không tán thành. Ông cho rằng nhà nước ta được tổ chức trên nguyên tắc có phân công, phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan và kiểm soát quyền lực.

Như thế lập, tổ chức thực hiện dự án là trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước và trong nội bộ đã có cơ chế giám sát, kiểm soát lẫn nhau. “Giờ mỗi lần làm dự án lại đưa cả các cơ quan thanh tra, điều tra vào thì đó là trái với nguyên lý tổ chức vận hành của bộ máy nhà nước” - ông Vân nói và lưu ý ngay cả khi đưa các cơ quan bảo vệ pháp luật này vào cuộc, vi phạm vẫn có thể diễn ra.

Mới nghe QH thảo luận, giá đất xung quanh dự án đã “sôi” lên

Đến từ Hà Nội, ĐB Hoàng Văn Cường thể hiện đồng tình về sự cần thiết đầu tư hai dự án đường vanh đai, không chỉ của hai đô thị - trung tâm kinh tế lớn của cả nước, mà còn tháo gỡ nút thắt tăng trưởng cho các tỉnh lân cận khu vực đồng bằng Bắc bộ và Đông Nam bộ.

“Chỉ mới nghe QH thảo luận, xem xét các dự án đường vành đai, giá đất xung quanh khu vực này đã “sôi” lên. Điều này cho thấy tiềm năng tạo nguồn lực từ quỹ đất đai xung quanh các tuyến đường này là vô cùng lớn” - ông Cường nói.

Vị phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng nếu có cơ chế tốt, giá trị gia tăng từ việc đầu tư hai tuyến đường vành đai sẽ lớn hơn cả nguồn lực ngân sách đổ vào các dự án hạ tầng lớn này. Trong đó, giá trị quỹ đất hai bên đường mới mở là một tiềm năng lớn.

Theo ông Cường, cùng với việc mở đường, các địa phương cần quy hoạch dải đất hai bên và vùng lân cận thành các khu đô thị hiện đại, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối và trung chuyển hàng hóa. Kèm theo đó là thiết kế hệ thống đường song hành, như đường gom, đường kết nối hệ thống giao thông khu vực.

Việc đấu thầu các dự án phát triển đô thị cần đi kèm với nhiệm vụ xây dựng hệ thống giao thông kết nối, được thực hiện theo cơ chế cạnh tranh và các công cụ định giá theo nguyên tắc thị trường.

Nếu làm một cách bài bản như vậy, ĐB Hà Nội nhận định: “Cơ chế này sẽ thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực vào đầu tư phát triển đồng bộ các trung tâm phát triển hiện đại. Nhà nước không phải đầu tư ngân sách xây dựng các tuyến đường song hành hay đường gom mà còn có thêm nguồn lực đóng góp vào ngân sách”.

Để được như vậy, ĐB Cường đồng tình với phương án giải phóng mặt bằng một lần không chỉ cho đường bộ, mà cả tạo quỹ đất cho đường sắt trong tương lai.

Thống nhất giá bồi thường ở vùng giáp ranh giữa các địa phương

Cà Mau không nằm trong các địa phương có các dự án giao thông đường bộ này đi qua. Tuy nhiên, ĐB của tỉnh này, ông Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng hoàn toàn ủng hộ chủ trương của QH, Chính phủ. Ông đề nghị Chính phủ song hành với việc triển khai đầu tư mở đường, cần xây dựng các dự án liên kết khai thác quỹ đất ở hành lang của các dự án giao thông này, đặc biệt là khu đô thị, khu công nghiệp và cả những khu vực đất cho thuê.

“Đầu tư công không có nghĩa là đầu tư miễn phí mà cần phải khai thác để thu về địa tô chênh lệch cho Nhà nước” - ông Vân nói.

Cũng như vậy, từ Điện Biên xa xôi, ĐB Tạ Thị Yên đánh giá các tuyến giao thông mới mở sẽ làm tăng giá trị quỹ đất, nhất khu vực gần các nút giao cắt với đường sá hiện hữu. Vì vậy công tác quản lý, bán đấu giá quyền sử dụng đất, quản lý quy hoạch, xây dựng cần phải làm hết sức chặt chẽ.

ĐB Điện Biên còn lưu ý giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng giữa các địa phương thường khác nhau, dễ dẫn tới so bì ở khu vực giáp ranh giữa các tỉnh. Thực tế đây là một nguyên nhân khiến nhiều dự án bị ách tắc, gây khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Vậy nên bà đề nghị Chính phủ hướng dẫn, chỉ đạo chung cho các địa phương thực hiện thống nhất phương án bồi thường. “Trước mắt áp dụng thí điểm cho các dự án trọng điểm quốc gia đã được QH thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay” - bà Yên nói.

ĐB Tạ Thị Yên cũng đề nghị Chính phủ xây dựng cơ chế thưởng phạt nghiêm minh, kịp thời đối với các địa phương, bộ, ngành có liên quan trong việc cam kết tổ chức thực hiện, đảm bảo tiến độ, chất lượng của dự án.

Nguồn: [Link nguồn]

ĐBQH: ”Khi có tin Quốc hội thảo luận về đường vành đai 4, giá đất đã tăng nhiều lần”

"Thời gian qua, khi mới chỉ có dư luận Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường vành đai 4 Vùng Thủ đô thì giá đất đai ở khu vực này đã sôi động và tăng lên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo ĐỨC MINH - TRỌNG PHÚ ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN