Đột kích hàng loạt nhà hàng có món thú rừng
Ngày 21/8, một cuộc đột kích lớn vào hàng loạt nhà hàng có món thú rừng đã được lực lượng chức năng liên ngành thực hiện tại huyện Đức Trọng, TP. Bảo Lộc và TP. Đà Lạt (Lâm Đồng).
Sau cuộc đột kích chớp nhoáng, mặc dù vì “một số lý do” khiến kết quả không như mong đợi, tuy nhiên lực lượng chức năng cũng phát hiện, thu giữ một lượng lớn thú rừng gồm: 133kg thịt thú rừng các loại, 123 cá thể thú rừng còn sống tại 11 nhà hàng, quán ăn.
Quán thú rừng nhan nhản
Sáng 22/8, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) tại Việt Nam đã gửi thông báo cho PV biết tổ chức này vừa phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Lâm Đồng tiến hành cuộc kiểm tra “thần tốc” hàng loạt nhà hàng, quán ăn nghi có món thú rừng.
Một lượng lớn chồn hương bị phát hiện
Trước cuộc “tổng kiểm tra” này, các nhân viên của WCS đã có một thời gian dài đi ghi nhận thực tế tại các nhà hàng nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có phục vụ thượng đế món hàng cấm. Theo đó, trả lời PV về tình hình buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) tại Lâm Đồng diễn ra như thế nào sau đợt khảo sát, một nhân viên WCS cho biết: Tình trạng buôn bán, vận chuyển và sử dụng ĐVHD ở Lâm Đồng diễn ra phổ biến và khá công khai. Bởi lẽ, hầu hết các quán này đều “nổi danh”, đến ông xe ôm còn biết, nhưng không hiểu sao chính quyền địa phương lại không biết, công an khu vực lại không hay?
Tràn ngập ĐVHD “săn” được tại các nhà hàng ở Lâm Đồng
Chính vì thế, sau một thời gian dài “điều nghiên” về quy luật buôn bán, hoạt động của các nhà hàng, WCS đã phối hợp với lực lượng chức năng để triệt phá. Theo thông báo của WCS gửi cho PV, cuộc đột kích vào 11 nhà hàng diễn ra trong khoảng 5 tiếng đồng hồ với sự tham gia của 120 cán bộ kiểm lâm do ông Trần Thanh Bình, Chi cục trưởng và ông Võ Danh Tuyên, Phó chi cục trưởng Kiểm lâm Lâm Đồng trực tiếp chỉ đạo cùng lực lượng PC49.
Đối phó tinh vi
Theo nhận định thực tế của nhân viên WCS, những nhà hàng bị kiểm tra có thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng hết sức tinh vi. Thông thường khi thực khách vào nhà hàng, nhân viên của quán sẽ tiếp thị bằng miệng những món đặc sản thú rừng trước sau đó mới tới các món thuần túy khác.
Nhiều loại thú rừng quý hiếm bị xẻ thịt không thương tiếc
TS Scott Roberton, Giám đốc của WCS Việt Nam, cho biết: “WCS rất ủng hộ các hoạt động truy quét của kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng trong việc ngăn chặn nạn buôn bán trái phép ĐVHD và hi vọng sau chiến dịch này sẽ tiếp tục có những cuộc điều tra để phát hiện và khởi tố các chủ buôn bán trái phép đứng sau các nhà hàng". |
Thắc mắc tại sao các món thú rừng không cho vào “menu” thì hầu hết nhân viên ở các nhà hàng đều trả lời rành rọt: Cho vào sẽ bị lực lượng kiểm lâm kiểm tra và phạt (2 triệu đồng dù không có bán - PV). Ngoài ra, các quán có đặc sản thú rừng không bao giờ để hàng tại quán mà “ký gửi” thịt hoặc ĐVHD còn sống tại các nhà hàng xóm hay ở những nơi bí mật gần quanh đó, khi nào có khách gọi mới mang đến.
Ngoài ra, một số quán “cò con”, khi thực khách kêu thì mới “alô” cho các “đầu nậu chuyên thú rừng” nào đó mang xe honda chở hàng tới. Không những thế, một nhân viên WCS thừa nhận, trước đây khi đi “điều nghiên” các quán có đặc sản thú rừng thấy ê hề đủ loại ĐVHD, nhưng hôm vào kiểm tra thì... trống rỗng!
Lực lượng kiểm lâm đang phân loại thú rừng để xử lý
Theo ông Trần Thanh Bình, Chi cục trưởng KL Lâm Đồng: Trong chiến dịch hôm 21/8, 120 cán bộ kiểm lâm chia làm hai đội, một đội thực hiện truy quét tại TP. Đà Lạt và huyện Đức Trọng. Còn đội thứ hai thâm nhập vào các nhà hàng nghi có buôn bán ĐVHD trái phép tại TP. Bảo Lộc. Qua kiểm tra, chúng tôi thu giữ: 133kg thịt thú rừng các loại, 123 cá thể thú rừng còn sống tại 11 nhà hàng, quán ăn.
Tê tê, động vật nằm trong “sách đỏ” cũng được phát hiện
Đấy là các loài ĐVHD như tê tê, cầy vòi hương, rắn, dúi, cu đất… đều được pháp luật nghiêm cấm mua bán, sử dụng. Hiện toàn bộ tang vật được đưa về Chi cục Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm Bảo Lộc để tiến hành lấy mẫu phẩm phân tích làm cơ sở xử lý.