Đời lầm lỡ của vợ chồng trưởng thôn nơi thánh địa anh túc

Chỉ vì một phút thiếu kiềm chế, Vàng A Páo (SN 1954) đã sa chân vào con đường nghiện ngập. Không những vậy, vị trưởng thôn này còn kéo cả vợ vào con đường đen tối. Hành trình hướng thiện của những con người lầm lỗi này gặp không ít gian nan.

Vị trưởng thôn nơi thánh địa anh túc

Trong căn nhà được coi là khang trang ở thôn Hang Kia, xã Hang Kia (huyện Mai Châu, Hòa Bình) Vàng A Páo ngồi trầm tư bên bục cửa, bên cạnh ông là người vợ Vàng Y Dớ đang vui đùa với con cháu. Vàng A Páo kể về ngày xưa, cái ngày Páo sống trong cảnh nghèo đói nhưng ngùn ngụt khí thế cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc. Ông giấu gia đình viết đơn tình nguyện vào chiến trường. Trong ký ức của mình, chiến trường khốc liệt nhưng lại là những năm tháng đẹp nhất, ở đó ông được đồng đội dạy chữ, tiếng phổ thông, dạy lý tưởng làm người.

Năm 1978, nghĩ cảnh nhà neo người, bố mẹ lại già nên ông Páo xin nghỉ phép về quê cưới vợ. Người mà ông chọn là Vàng Y Dớ, một người con gái cùng xã, xinh xắn. Đến năm 1980 thì Vàng A Páo xuất ngũ về quê. “Khi mới về, gia cảnh khó khăn, vợ trẻ, con thơ, nhưng trong chiến trường, nhờ học được kỹ thuật trồng trọt, làm nghề mộc nên những khó khăn kia dần được khắc phục…”, ông Páo nhớ lại.

Ngày ấy, ngoài việc phát rừng, trồng ngô, sắn, mận, đào, ông thường nhận làm nhà sàn cho bà con trong bản. Nhìn nương ruộng xanh tốt, những ngôi nhà sàn kiên cố, đẹp mắt, những bộ giường tủ cầu kỳ khéo tay mà ông làm, ai cũng phải trầm trồ khen ngợi. Có kỹ thuật trong tay, Vàng A Páo đã truyền dạy cho mọi người trong bản cùng làm. Nhờ đó, kinh tế nhiều gia đình đã khởi sắc.

Tuy nhiên, vào cuối những năm 80, người dân nơi đây lại đua nhau phá cây lương thực, cây ăn quả để trồng cây anh túc. Do hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên thứ cây có loài hoa đẹp mê mải nhưng chứa đầy “nọc độc” này phát triển tốt, chẳng mấy chốc cả vùng Hang Kia tím ngắt màu hoa anh túc. “Có một điều nghịch lý là anh túc tươi tốt như thế, nhưng kinh tế địa phương lại tụt lùi. Có sẵn thuốc phiện chiết xuất từ quả anh túc nên người dân nơi đây suốt ngày sử dụng, chẳng mấy chốc trở thành “nô lệ” của chúng. Năm 1993, được cán bộ tín nhiệm, tôi được bầu làm Trưởng thôn Hang Kia, xã Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình) để triệt phá cây thuốc phiện...”, ông Páo nói.

Vàng A Páo thường phải trực tiếp dẫn đoàn đi triệt phá loài cây gây nghiện này, nên gia đình ông bị nhiều người dân nơi đây xa lánh, coi là “kẻ tay sai, cõng rắn về cắn gà nhà…”. Thậm chí, không ít lần khi đi triệt phá nương anh túc, ông còn bị dí súng vào đầu, bị kẻ xấu đốt nhà, “bắn” tin sẽ giết cả nhà… Nhưng nghĩ việc làm của mình là để giúp dân làng, việc có ích cho xã hội nên ông Páo quyết không lùi bước.

“Đó chỉ còn là ký ức mà thôi. Bởi sau này, chính tôi lại sa chân vào con đường nghiện ngập. Không những thế, vợ tôi cũng vì tôi mà bị cuốn vào con đường đen tối đó”, đưa mắt nhìn sang vợ, ông Páo tỏ vẻ ân hận.

Đời lầm lỡ của vợ chồng trưởng thôn nơi thánh địa anh túc - 1

Vợ chồng Vàng A Páo hạnh phúc sau khi thoát khỏi sự cám dỗ của thuốc phiện. Ảnh: Phùng Bình.

Trong bi kịch mới tìm lại chính mình

Sau hai khóa làm trưởng thôn, năm 2003, ông Páo nghỉ làm, về mở xưởng làm mộc với quy mô lớn. Trong một lần dựng nhà cho một người cùng thôn, ông được chủ nhà “chiêu đãi” thuốc phiện. Đang trong lúc mệt mỏi, lại nghĩ thử một lần chắc sẽ chẳng sao nên ông đã nhắm mắt làm liều. Tuy dùng thử có một lần, nhưng không hiểu sao, tâm trí như bị thôi miên. Ngày hôm sau và hôm sau nữa, ông chạy vội đến nhà người kia, lột hết số tiền trong túi đưa cho họ để thỏa mãn cơn thèm. Vàng A Páo bắt đầu chìm sâu vào con đường nghiện ngập…

Khi đã ngã vào tay ả phù dung thì cũng là lúc ông chẳng thiết đến gia đình, vợ con, việc làm. Kinh tế gia đình giảm sút, vợ con nheo nhóc, ông Páo biết, nhưng vẫn không thoát khỏi sự quyến rũ chết người từ thuốc phiện. Năm 2009, khi vợ của Vàng A Páo bị rắn cắn, dù chạy chữa khắp nơi, nhưng Vàng Y Dớ vẫn sốt cao, toàn thân bứt rứt, đau đớn. Đang trong cơn miên man khoan khoái sau khi dùng thuốc phiện, nhìn sang vợ, như có ma xui quỷ khiến, Vàng A Páo nghĩ có lẽ ma túy sẽ giúp cho vợ bớt đau. Từ hôm đó, lúc nào vợ lên cơn đau, ông lại “châm đèn” cho vợ dùng thuốc phiện. Khi vợ ông hết đau vì rắn cắn thì cũng là lúc bà mắc nghiện…

Tạm dừng câu chuyện, Vàng A Páo cười hiền: “Gia đình vốn khó khăn, khi vợ tôi nghiện nữa thì càng lay lắt, kiệt quệ. Quả thực, nhiều lúc đang trong cơn vật vã vì “đói” thuốc, tôi chỉ muốn chết. Nhưng khi nhìn 4 đứa con đã lớn, cháu chắt đề huề, tôi chỉ mong mình thoát được cơn nghiện để bù đắp lại những lầm lỗi. Tuy nhiên, nghĩ là vậy, nhưng bao nhiêu lần bắt tay vào tự cai là từng ấy lần tôi phải bỏ cuộc”, Vàng A Páo tâm sự.

Tưởng chừng cuộc đời sẽ mãi đen tối vì dính vào thuốc phiện thì cơ may đến với vợ chồng Vàng A Páo khi tỉnh Hòa Bình có chương trình đưa người dân tộc vùng cao đi cai nghiện tập trung. Chẳng cần nghĩ ngợi, hai vợ chồng ông chủ động đăng ký ngay và được đưa xuống Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Hòa Bình. Những ngày tháng mới vào trại, mỗi khi lên cơn khiến người ông đau nhức, bứt rứt khó chịu. Ông chỉ muốn trốn chạy về nhà, để được hút, để làm dịu cơn đau đang dày vò mình. Nhưng khi tỉnh lại, chứng kiến cảnh các học viên như mình đang lên cơn, ông lại tự động viên mình, phải cố gắng vượt qua nếu không muốn cả đời sống trong cảnh đó. Sau mấy tháng ở Trung tâm, khi cơn nghiện đã dứt, Vàng A  Páo thấy lòng mình tràn ngập vui sướng khi cùng vợ bước ra khỏi cổng Trung tâm, ở đó có con, có cháu đến đón về bản làng đã xa xôi lâu ngày.

Bây giờ khi đã dứt hẳn với ma túy, nghĩ lại những ngày tháng bên “bàn đèn”, ông không khỏi rùng mình, sợ hãi. Đưa ánh mắt đong đầy tình yêu thương sang vợ, Vàng A Páo dịu dàng: “Tôi và vợ đã mất quá nhiều khi đi vào con đường nghiện ngập. Nhưng may mắn khi ở tuổi ông, tuổi bà, chúng tôi vẫn có nụ cười hạnh phúc như ngày hôm nay”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phùng Bình (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN