Dịch Covid-19 sáng 20/4: Mỹ phát hiện bộ xét nghiệm bị nhiễm virus từ trước

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Theo giới chức y tế Mỹ, nhiều bộ xét nghiệm virus được gửi tới gần 100 cơ sở xét nghiệm trên khắp nước Mỹ bị nhiễm virus Covid-19 và không hoạt động.

Mời độc giả đón đọc bản tin tổng hợp về dịch bệnh Covid-19 vào lúc 10h và 20h hằng ngày, trên mục Tin tức trong ngày.

+ Theo giới chức y tế Mỹ, 2 trong số 3 phòng thí nghiệm CDC tại thành phố Atlanta đã không tuân thủ các quy chuẩn an toàn, vi phạm tiêu chuẩn sản xuất, dẫn đến các bộ xét nghiệm virus được gửi tới gần 100 cơ sở xét nghiệm trên khắp nước Mỹ bị nhiễm virus gây dịch Covid-19 và không hoạt động.

Sự cẩu thả nghiêm trọng này đã ảnh hưởng lớn tới việc ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát ở giai đoạn đầu, theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

FDA phát hiện nhiều vấn đề từ 2 phòng thí nghiệm nói trên. Ví dụ như các nhà nghiên cứu ra vào phòng mà không thay quần áo bảo hộ. Việc kiểm tra những bộ phận của dụng cụ xét nghiệm được tiến hành ngay tại nơi những mẫu bệnh phẩm Covid-19 đang được xử lý. Điều này dẫn đến nhiều bộ xét nghiệm Covid-19 được sản xuất và gửi tới các cơ sở y tế không đạt chuẩn, không cho kết quả chính xác vì đã bị nhiễm virus gây bệnh dịch Covid-19 từ trước.

Ông Robert R. Redfield - Giám đốc của CDC Mỹ cũng thừa nhận rằng, các biện pháp kiểm tra chất lượng của cơ quan này là không đủ trong quá trình sản xuất dụng cụ xét nghiệm.

Ông Scott Becker - Giám đốc của Hiệp hội các phòng thí nghiệm y tế công cộng Mỹ chia sẻ: “Đúng là thảm họa. Chúng tôi cảm thấy như vừa bị giáng một cú đấm đau trong lịch sử y tế công cộng. Dụng cụ quan trọng nhất trong bộ đồ nghề của chúng tôi để chiến đấu với virus lại không hoạt động”.

Ngày 5/2, CDC Mỹ đã cung cấp 200 bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 các cơ sở y tế trên toàn quốc. Mỗi bộ dụng cụ có thể kiểm tra từ 700 đến 800 mẫu bệnh phẩm.

+ Tính đến 9h30 sáng 20/4, Việt Nam ghi nhận 268 ca nhiễm Covid-19, tức đã 4 ngày qua, không có ca nhiễm mới. Trong số đó, 202 người đã được công bố khỏi bệnh, chưa có trường hợp nào tử vong.

+ Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hiện 66 ca đang được điều trị tại các cơ sở y tế thì 13 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính, 7 ca 2 lần âm tính với SARS-CoV-2.

+ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) thông báo, 4/4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 qua xét nghiệm test nhanh sàng lọc những người đi, đến, buôn bán tại chợ hoa Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) sau khi xét nghiệm lại bằng phương pháp RT-PCR đều cho kết quả âm tính.

+ Lý giải việc bệnh nhân 188 ở Chương Mỹ (Hà Nội) dương tính trở lại với Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cho biết, không chỉ riêng Việt Nam, trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp như vậy.

Theo kết quả điều tra ban đầu, bệnh nhân tái dương tính với Covid-19 có thể do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn: Trong cơ thể bệnh nhân vẫn còn tồn đọng lượng virus nhỏ và virus này hoạt động trở lại, trong khi đó hệ miễn dịch của cơ thể bị yếu đi sau khi hồi phục. Lúc này, lượng virus trước đây chưa được phát hiện có thể được kích hoạt trở lại.

Ngoài ra, cũng có khả năng virus Corona chủng mới có thể tồn tại trong trạng thái "ngủ" trước khi được kích hoạt trở lại. Bên cạnh đó, test xét nghiệm có thể phát hiện ra những phần "chết" của virus, không còn khả năng lây nhiễm hay lây lan.

+ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, TP đã bước vào giai đoạn 3 của dịch Covid-19 và dự báo sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi dịch bệnh đã có dấu hiệu lây lan trong cộng đồng ở một số tỉnh thành.

Trong giai đoạn 3, bài toán sống còn với TP là phát hiện sớm ca nhiễm mới, nhất là các trường hợp không có yếu tố dịch tễ; từ đó thực hiện các biện pháp chống dịch, bao vây dập dịch nhằm ngăn chặn chuỗi lây truyền trong cộng đồng.

+ Theo số liệu của Reuters và Đại học John Hopkins, số người tử vong vì Covid-19 ở Mỹ đã tăng lên hơn 40.000 vào ngày 19/4, mức tăng 10.000 chỉ sau 4 ngày. Mỹ hiện là quốc gia đứng thứ nhất thế giới về số ca tử vong vì Covid-19, gần gấp đôi so với quốc gia xếp thứ hai là Italia (hơn 23.000 ca).

+ Tính tới ngày 17/4, 54 quốc gia ở châu Phi ghi nhận dưới 20.000 ca nhiễm Covid-19 nhưng trong khoảng từ 3-6 tháng tới, con số này có thể tăng gấp 500 lần (10 triệu ca), theo cảnh báo từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

"Để bảo vệ và xây dựng hướng tới sự thịnh vượng chung, châu Phi cần ít nhất 100 tỷ USD để chuẩn bị cho các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội và sức khỏe", Ủy ban kinh tế châu Phi của Liên Hợp Quốc (UNECA) tuyên bố.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Dịch Covid-19: Hơn 2,3 triệu ca mắc, hơn 160 nghìn người tử vong

Bộ Y tế cho biết, đến 6h ngày 20/4, thế giới ghi nhận 2.341.958 người mắc Covid-19.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN