Dịch Covid-19 bùng phát tại Hàn Quốc: Chuẩn bị phương án hỗ trợ lao động Việt

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Dịch bệnh do virus Corona (Covid-19) đang lây lan với tốc độ chóng mặt tại Hàn Quốc. Tại vùng tâm dịch có hàng trăm nghìn người Việt Nam đang sinh sống và làm việc. Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra, Bộ LĐTBXH đã lên phương án hỗ trợ lao động Việt Nam ở Hàn Quốc.

Hàn Quốc hiện đang là “điểm nóng” dịch Covid-19 thứ 2 trên thế giới (sau Trung Quốc). Tâm điểm của dịch Covid-19 tại Hàn Quốc là TP.Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang - nơi có nhiều người Việt và lao động Việt đang sinh sống.

Cụ thể, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, hiện có khoảng 200.000 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc. Tính riêng tại TP.Daegu là 8.285 người, tại tỉnh Gyeongsangbuk (Bắc Gyeongsang) là 18.502 người (trong đó có 333 người tại quận Cheongdo - nơi có số người mắc Covid-19 chiếm một nửa tổng số ca ở Hàn Quốc).

Lao động Việt Nam làm việc tại doanh nghiệp ở tại Hàn Quốc.  Ảnh: T.L

Lao động Việt Nam làm việc tại doanh nghiệp ở tại Hàn Quốc.  Ảnh: T.L

Để giúp công dân Việt Nam đang sống và làm việc tại các vùng dịch của Hàn Quốc, Đại sứ quán Việt Nam đã chủ động thiết lập kênh liên lạc với các đầu mối cộng đồng ở các khu vực dịch bệnh để thường xuyên cập nhật tình hình, kịp thời hỗ trợ công dân. Đại sứ quán đã liên hệ, thăm hỏi các công dân Việt Nam đang sinh sống ở khu vực có dịch, động viên và đề nghị bà con tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo của chính quyền sở tại.

Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã mở đường dây nóng bảo hộ công dân là +82 106 315 6618, trực 24/24. Ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cũng công bố số điện thoại +82 103 248 6886 để người lao động Việt Nam có thể liên hệ khi cần trợ giúp.

Qua nắm tình hình, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, đến nay tình hình sức khỏe của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc vẫn ổn định.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh đang sống và làm việc tại TP.Daegu (Hàn Quốc) cho biết, mặc dù tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng chị và nhiều lao động vẫn đang cố gắng làm việc, giữ vững tinh thần, không hoang mang.

“Hiện nay, khá nhiều người dân ở Daegu bị nhiễm Covid-19, chính quyền đang gia tăng các biện pháp nhằm kiểm soát tình hình. Dù được đặt cảnh báo đỏ nhưng chúng tôi vẫn đi làm, chỉ khác ở chỗ là mọi người dân cẩn trọng hơn trong việc tiếp xúc, đi lại. Tất cả mọi người hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang và dùng nước rửa tay thường xuyên” - chị Oanh cho biết.

Hơn 4.000 lao động Việt ở tâm dịch

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Bộ LĐTBXH đã họp các bên liên quan để tìm giải pháp ổn định, xử lý tình huống nhằm hỗ trợ tốt nhất lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc trong đó có 2 vùng tâm dịch.

Thông tin từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, hiện có trên 48.000 người lao động Việt Nam làm việc hợp pháp và khoảng 11.000 lao động người Việt cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trong đó, riêng tại hai vùng dịch lớn nhất là Daegu và Bắc Gyeong sang có 4.000 lao động. Cụ thể, Daegu có 1.000 lao động và Bắc Gyeongsang có 3.007 lao động Việt Nam đang làm việc.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, đến thời điểm này, theo báo cáo của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như qua kênh ngoại giao, chưa ghi nhận có trường hợp lao động Việt Nam ở Nhật Bản hay Hàn Quốc bị dịch Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Hàn Quốc, một số lao động người Việt cũng tỏ ra lo lắng. Nhiều người cho biết có mong muốn nếu dịch bệnh căng thẳng hơn xin được về Việt Nam. Tuy nhiên, các lao động cho biết sẽ tùy tình hình, họ sẽ tuân thủ theo chỉ đạo của Đại sứ quán Việt Nam và Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc.

"Chúng tôi tin tưởng Đại sứ quán và Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc, tăng cường phòng ngừa dịch bệnh tại chính nơi ở và làm việc. Nếu tình hình dịch bệnh xấu hơn nữa, lao động chúng tôi rất mong sẽ được về nước” - anh Hoàng Giang Nam (quê Thanh Hóa) làm việc tại một công ty xây dựng ở Daegu chia sẻ.

Để kịp thời trợ giúp lao động Việt Nam ở Hàn Quốc, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chỉ đạo văn phòng Chương trình EPS và doanh nghiệp phái cử lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo dõi sát tình hình báo cáo Cục và Ban chỉ đạo phòng chống dịch khi có phát sinh liên quan tới lao động Việt Nam.

"Cục cũng yêu cầu văn phòng EPS và đại diện doanh nghiệp thường xuyên cung cấp thông tin phòng dịch cho người lao động. Bên cạnh đó, hệ thống các tư vấn viên người Việt tại các trung tâm hỗ trợ lao động cũng thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh, cách phòng ngừa dịch bệnh... cho người lao động Việt Nam" - ông Liêm nói.

Xây dựng các kịch bản ứng phó cụ thể

Chiều 24/2, Bộ LĐTBXH đã ra thông báo truyền đạt chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp Trung tâm Lao động ngoài nước và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động tại các thị trường ngoài nước, đặc biệt là các thị trường có số lượng lớn lao động Việt Nam (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan) trong trường hợp dịch bệnh bùng phát tại các nước này.

Ngoài các giải pháp về ngoại giao, trao đổi thông tin với cơ quan quản lý ngoài nước tiếp nhận lao động; các giải pháp về tuyên truyền cho người lao động; giải pháp ngăn ngừa các phản ứng tiêu cực của người lao động…, các đơn vị cần nêu các phương án hỗ trợ người lao động tại nước ngoài, hỗ trợ người lao động về nước, cách ly, chữa bệnh khi người lao động về nước (phương án theo quy mô lao động, như: Dưới 1.000, từ 1.000 - 5.000, từ 5.000 - 20.000 người…). Triển khai ứng dụng kết nối, hỗ trợ khẩn cấp trên điện thoại cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản...

M.N

Nguồn: [Link nguồn]

Nam Định: Khẩn trương cách ly hành khách cùng xe với người về từ vùng dịch Covid-19 ở Hàn Quốc

UBND huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định vừa có văn bản gửi tới các đơn vị và các xã trên địa bàn thực hiện việc cách...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Anh ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN