Đi tìm sự thật về “ma gà”

Đến bây giờ, chưa ai hình dung ra hình dáng “ma gà” thế nào, nhưng người vùng cao cho rằng nó chỉ thích con gái đẹp, khi bị nhập vào thì chắc chắn người phụ nữ đó phải chết.

Đi tìm sự thật về “ma gà” - 1

Đường vào trung tâm xã Ea Tam.

"Ma gà” một thời trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người vùng cao, không biết bao nhiêu “đóa hoa rừng” mất mạng oan uổng.

Chân dung “ma gà”

Cách thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk 70 km, xã Ea Tam, huyện K’rông Năng, tỉnh Đắc Lắc nằm lọt thỏm dưới những cánh rừng. Trên đường vào buôn, ông Nguyễn Đại Hà (51 tuổi, nguyên chủ tịch xã Ea Tam) bảo rằng: “Không biết ma này bắt nguồn từ đâu, nhưng người ta bảo nó vận vào người, đặc biệt là người Tày sinh sống ở các tỉnh Tây Nguyên. Nghiệt nỗi “ma gà” chỉ ám vào các cô gái đẹp được xem là bị trời đày, là “bông hoa khuyết” của núi rừng”.

Người Tày cho rằng, “ma gà” cũng có truyền thống. Nhà nào đã bị “ma gà” ám thì sẽ như một lời nguyền truyền kiếp, thế hệ sau sẽ có thêm một “ma gà” nữa. Tập tục này khiến đồng bào vùng cao điêu đứng, khốn khổ biết bao năm qua. Mà ác nỗi, chẳng ai biết hình thù cái con “ma gà” kia ra sao.

Nếu một cô gái Tày bâng quơ khen con vật, cây cỏ… xinh xắn, đáng yêu mà hôm sau, loài vật hay cái cây đó lăn đùng ra chết là cô gái đó được xem bị “ma gà” nhập. Người ta bảo bị “ma gà” nhập thì thường ở nách nổi lên một cục hạch lớn. Khi bóp vào cục hạch này, người bị nhập sẽ kêu lên bằng…tiếng gà. Thời gian này nếu không tìm được vị thầy mo cao tay ấn về khắc chế thì “nạn nhân” sẽ bị tâm thần, nhẹ thì bỏ nhà bỏ xứ đi mất, nặng thì chết trong đau đớn, khổ sở.

Đến giờ, người dân xã Ea Tam vẫn còn bàn tán về con “ma gà” hoành hành gần 10 năm trước, khiến hàng trăm người Tày ở đây mất ăn mất ngủ. Hoa (20 tuổi) người miền xuôi lên tìm việc. Một ngày kia, Hoa khen bâng quơ con trâu của một người đi qua, hôm sau, con vật bỗng lăn đùng ra chết, còn Hoa thì đổ bệnh. 

Hay tin, người mẹ ở miền xuôi lên chăm sóc con, nghĩ con mình ở vùng cao lâu ngày nên bị ai đó yểm bùa nên mời thầy mo đến cúng. Thầy mo cúng không biết bao nhiêu là gà rồi phán Hoa bị “ma gà” nhập. Từ lời phán này, thầy mo yêu cầu gia đình phải trục con “ma gà” ra khỏi cơ thể Hoa.

Nửa đêm hôm đó, khi Hoa đang ngủ, thầy mo cùng một số học trò của mình bước vào phòng vẽ bùa, phun rượu, rung lục lạc… Mỗi người trên tay một cây roi mây, nhắm người Hoa mà vụt lấy vụt để. Quá đau, Hoa gào thét và tìm cách chạy ra khỏi nhà. 

Còn đám người phía sau, ai nấy như lên đồng, đuổi đánh cho bằng được con “ma gà”. Trục ma đâu không thấy, chỉ thấy Hoa té ngã bất tỉnh. Hay tin, cán bộ xã, hội phụ nữ đến đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân do bị căng thẳng nên xuất hiện các bệnh lí về thần kinh.

Cái chết của hoa khôi người Tày

Gần 40 năm an cư lạc nghiệp nơi đất khách, ông Hà Dân (56 tuổi) cho biết đã chứng kiến vô số chuyện đau lòng về cơn ác mộng “ma gà” nhập vào những cô gái ở độ tuổi xuân thì, gây ra không biết bao cái chết oan ức. Ông Dân nhớ lại, vào những thập niên 80 của thế kỷ trước, buôn này bị “ma gà” hoành hành rất dữ. 

Ông còn nhớ như in một buổi lễ trục “ma gà” vào khoảng năm 1982 mà ông tận mắt chứng kiến. Đó là Nông Hinh (18 tuổi), cô gái đẹp nhất nhì ở xã Ea Tam lúc bấy giờ bị cộng đồng cho là đã bị “ma gà” nhập, bởi thời gian đó cô hay ăn nói lung tung và ở hai bên nách có hai cục thịt trồi lên. Sợ hãi, gia đình nhờ thầy mo đến trục con “ma gà”. 

Sau khi xem qua bệnh tình, thầy mo yêu cầu người nhà lấy hồng hoàng và thần sa (cát đỏ giống như thiên thạch nghiền nát) để kẹp vào hai bên nách của Hinh. Kẹp cả tuần mà không hết, hai nách của nạn nhân sưng tấy lên thì thầy mo trị bằng cách “lên đô” nặng hơn, lấy diêm sinh thầy tự bào chế tiếp tục kẹp vào nách nhưng Hinh vẫn không hết bệnh.

Thế là ông thầy mo cùng người nhà đè nạn nhân xuống đất, rồi cả chục người, trai gái lớn bé, họ hàng nội ngoại thi nhau trét phân gà và tiểu lên người cô. Ông thầy mo dùng một bó nhang to đùng, khấn vái, quơ qua quơ lại khắp nhà ngoài sân. 

Sau đó, dùng từng cây nhang cháy đỏ rực, chích vào hai cục hạch ở nách cô Hinh. Thấy con “ma gà” đau đớn giãy giụa, gào thét, cả đám người càng bị kích động, lên đến cao trào thì họ thay nhau dùng roi đánh khắp thân thể cô. Cô chết đi sống lại mấy lần. Đến ngày thứ ba thì cô qua đời.

Ông Dân cho biết, lệ tục “ma gà” của người Tày tại Ea Tam gần như  không còn phổ biến nữa. Bởi cũng nhờ sự quan tâm, tuyên truyền, giải thích của các cán bộ xã, huyện về những hủ tục lạc hậu, ấu trĩ nên bà con người Tày khi thấy người nhà có biểu hiện không ổn về thần kinh và sức khỏe, họ đã biết đưa người nhà xuống bệnh viện huyện, tỉnh tìm cách chữa trị. 

Một vài thầy mo cũng đã bị luật pháp trừng trị vì kiểu trục “ma gà” phản khoa học khiến nhiều nạn nhân tử vong. Nhưng theo ông Dân, ở một số nơi, thầy mo vẫn còn lén lút trục  “ma gà”. Vẫn có người tin vào lời đồn thổi nên thầy mo vẫn còn đất sống. 

Còn riêng bài chú trục con “ma gà”, thì chỉ có các thầy mo biết. Bởi khi làm lễ trục “ma gà”, thầy mo chỉ đọc lí nhí trong miệng hoặc hô to, liến thoắng bằng… “tiếng gà”, nên không ai có thể hiểu được.

Ẩn số… chú trục ma?

Đi tìm sự thật về “ma gà” - 2

Ông Đại Hà-nhà nghiên cứu, nguyên chủ tịch xã  (phải) bên cạnh là một thầy mo.

Nói về câu thần chú trục “ma gà”, ông Đại Hà cười nói, ngày trước ông từng chứng kiến một buổi trục “ma gà” của ông thầy mo ở tỉnh Lâm Đồng. Ông  đã thu lại một đoạn băng rất dài về bài chú trục “ma gà” của ông thầy mo này.  Mặc dù bản thân ông Hà là một trong những người tìm hiểu, nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa, đời sống... của đồng bào ở Tây Nguyên gần 20 năm qua nhưng ông cũng chẳng hiểu đó là ngôn ngữ gì. Sau đó, ông tìm đến những dịch giả tiếng dân tộc thiểu số nhưng sau khi nghe đi nghe lại đoạn ghi âm ấy, họ cũng thốt lên…“biết chết liền”.

“Có thể đó là loại văn khấn cổ xưa chỉ được các thầy mo truyền đời, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau chứ không được thể hiện trên các văn bản. Đó cũng có thể là thổ ngữ xưa của tộc người Tày, nhưng theo thời gian bị mai một. Có lẽ chỉ các vị thầy mo, thầy cúng mới hiểu nghĩa của các đoạn văn khấn tế kia”, ông Hà nói.

Ma gà có phải là loài ma quỷ có thật chuyên hại người, hay chỉ là loài ác ma tồn tại trong tâm khảm những người tin nó, điều này đến nay vẫn là dấu hỏi lớn với không ít người dân ở Ea Tam. 

Nhưng theo vị cựu chủ tịch xã, ma gà kỳ thực là con ma tưởng tượng, chỉ tồn tại trong tâm trí của những người yếu bóng vía. Điều này gợi cho chúng tôi nhớ đến tâm tình của ông Năm Nổi về bóng ma Chạ. 

Ông Năm Nổi năm nay đã ngoài 80 tuổi, từng là thủ lĩnh tinh thần của tộc người Chơro ở xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. 

Theo ông Năm, người Chơro từng rất sợ hãi ma Chạ, loài ác ma được ví như ó ma lai chuyên hại người Tây Nguyên ở những thập kỷ trước. Nhưng khi làn sóng mới về các buôn làng, đồng bào mới rõ đó chỉ là bóng ma của một thời mông muội.

Ông thầy mo dùng một bó nhang to đùng, khấn vái, quơ qua quơ lại khắp nhà ngoài sân. Sau đó, dùng từng cây nhang cháy đỏ rực, chích vào hai cục hạch ở nách cô Hinh. Thấy con “ma gà” đau đớn giãy giụa, gào thét, cả đám người càng bị kích động, lên đến cao trào thì họ thay nhau dùng roi đánh khắp thân thể cô. Cô chết đi sống lại mấy lần. Đến ngày thứ ba thì cô qua đời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Đình (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN