Đi săn đào mốc vùng cao chơi Tết

Đào mốc vùng cao là thú chơi không mới của người dân thủ đô, một gốc đào của vùng cao có thể tới mấy trăm triệu. Mỗi khi xuân về, những tay săn đào chuyển lại đi săn loại đào mốc giá tiền triệu này.

Lên núi ngắm đào mốc

Đào mốc rất được người H’Mông ưa chuộng, họ trồng đào trong vườn nhà hoặc trên những cánh đồng đan xen với cây mận. Tại Lóng Luông, Mộc Châu (Sơn La) những gốc đào, gốc mận mốc meo, xám trắng đến các cụ trong bản cũng chẳng biết chúng bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng khi lớn lên nó đã có sẵn ở trước sân nhà. Cụ Giàng Pá, năm nay đã 80 tuổi cho hay: “Theo phong tục của người H’Mông tại đây khi một đứa trẻ trào đời cha mẹ cháu sẽ trồng một cây đào trước sân hoặc trong vườn để báo với tổ tiên là trong nhà có một sinh linh mới chào đời”.

Đối với đào Nhật Tân hay đào Thất thốn người trồng đào phải chăm bón tỉ mẩn uốn nắn từ khi cây mới nảy mầm. Khi cây đào còn bằng ngón tay, chủ vườn đã phải dùng dao cắt gọt quanh thân để hãm sự phát triển của cành và tạo vẻ xù xì độc đáo. Đất trồng đào cũng phải là đất thịt được đánh lên, phơi khô, khử phèn khử chua. Nước tưới cây phải là nước sạch. Những ngày rét mướt hay những hôm nắng táp úa lá, chủ vườn phải túc trực theo dõi ngoài vườn…

Đi săn đào mốc vùng cao chơi Tết - 1

Những cây đào mốc hàng chục tuổi

Đối với đào mốc thì hoàn toàn khác, cây đào được để mọc tự nhiên không cần chăm bón. Đào mốc thường mọc trong rừng sâu, trên các núi đá và khe suối, nên thân và cành sần sùi, thô ráp. Thân cây cao trung bình khoảng từ 2m đến 3m, dáng vẻ tự nhiên Nhiều cây còn có một lớp rêu phủ. Loại đào này khó kiếm, nhưng luôn được giá. Loại thứ hai là đào phai, thân và cành chắc khoẻ, nụ nhiều, hoa nở có màu phớt hồng... Đào rừng dáng khoẻ, thế tự nhiên, lại chịu được va đập, nên rất được khách hàng ưa chuộng.

Dân buôn Sapa thu gom đào sớm

Dọc quốc lộ 4D từ điểm du lịch Thác Bạc chạy về thị trấn Sapa (Lào Cai) vào những ngày giáp tết này, đào rừng đã xếp hàng dài chờ khách.

Tại tổ 14, thị trấn Sapa nơi tập trung nhiều đào nhất những ngày này tiếng máy cưa, tiếng chặt cành, tiếng rao bán đào nhộn nhịp như một phiên chợ. Năm nay rét đậm nên đào Sapa chưa bung hết nụ, những cành đào đẹp được chủ đào thỏa sức hét giá. Nếu như năm ngoái một cành đào nhỏ chỉ bán được đôi ba chục nghìn, năm nay tăng lên gấp 3-4 lần.

Đi săn đào mốc vùng cao chơi Tết - 2

Đi săn đào mốc vùng cao chơi Tết - 3

Những cành đào mốc bày ven quốc lộ 4D qua thị trấn Sapa

Bằng thứ tiếng kinh ít ỏi của mình, chị Lý Mểnh Sểnh người dân tộc Dao đỏ đứng bán đào bên ven đường mời chào: “Đào rừng này được nhiều khách đặt mua lắm, mọi năm đào này được chuyển về tận Hải Phòng, Hà Nội… khách chuyển cả ô tô đến mua mà”.

Một cành đào cỡ trung bình của nhà Sểnh có giá đến 700 nghìn đồng, loại to hơn giá cả triệu. Sểnh bảo, bán đào hơn nhiều so với trồng lúa nên năm nào chồng Sểnh cũng cùng anh em trong nhà lên rừng săn đào để bán.

Đi săn đào mốc vùng cao chơi Tết - 4

Tại Sapa, Lào Cai đào mốc cũng được dân buôn mang đến chợ tình

Theo hướng dẫn của Sểnh chúng tôi đến Đội 1, thôn Sả Xéng, Tả Phìn, xã Tả Phìn nơi trồng nhiều đào của tỉnh Lào Cai. Quả thực nhà nào ít cũng phải có chục gốc, nhiều thì nửa quả đồi.

Lý Phủ Chiêu, người dân tộc Dao đỏ, một người chuyên trồng đào tại Sả Xéng cho biết: "Thu nhập từ bán đào mốc là con số "khủng", quả đào thì rẻ lắm, chỉ 1 nghìn đồng một cân, quả chỉ để chế biến thức ăn cho lợn thôi, nên nhà chẳng để cho cây ra quả. Mọi năm cành được giá thì tôi mới bán, vì trồng một cây đào lâu lắm. Nhưng giờ biết cách trồng thêm đào rồi nên có thể bán cả gốc cây to”.

Đi săn đào mốc vùng cao chơi Tết - 5

Một gốc đào nhà Chiêu ghép đang chờ bán

Theo lời Chiêu để trồng nên một cây đào nhanh, muốn lấy đào ngon phải biết ghép cây.  Phải gieo hạt cho lên cây con rồi ghép vào cây đào khác, hoa đào vẫn đẹp và mang bản chất tự nhiên.

Nhiều năm nay giá đào lên tới tiền triệu thì nhiều nhà hạ cả cây không thương tiếc. Từ năm 2005 nhu cầu tiêu thụ đào mốc ngày càng tăng; các “cụ” đào có thân cây càng đẹp, càng mốc được thương lái "săn đón" về thủ đô. Số lượng đào mốc mấy năm gần đây giảm đi đáng kể. Ban đầu chỉ các vườn đào ở gần quốc lộ bị khai thác, sau đến các vườn đào trong các bản vùng sâu, vùng xa.

Hai năm trở lại đây, lượng đào cung cấp không đáp ứng được yêu cầu nên các thương lái đến các cửa khẩu Chiềng Khương, Tén Tằm, Na Mèo (Sơn La)… giáp biên với nước bạn Lào để thu mua đào mốc.

Đứng trước nguy cơ tàn phá các vườn đào mang đậm nét văn hóa vùng cao Mộc Châu (Sơn La) Tả Phìn (Sapa) chính quyền địa phương đã khuyến cáo bà con địa phương không nên tiếp tục chặt phá cả cây mà cần có biện pháp khai thác và trồng tái sinh những vườn đào đang có, giữ gìn bản sắc dân tộc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hòa Anh - Công Tấn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN