Đề xuất Nhập xe Tuk Tuk: Có lợi cho ai?

Những chiếc xe lam, xe tự chế 3-4 bánh… đến nay vẫn là nỗi khiếp sợ của người tham gia giao thông trên khắp cả nước. Chở nặng, cồng kềnh, lạng lách, vượt đèn đỏ… nên chúng được ví như “hung thần đường phố”.

Sau nhiều năm thực hiện lệnh cấm, nhiều tỉnh, thành đến nay vẫn đau đầu với các loại xe này. Bởi vậy, đề xuất cho nhập xe Tuk Tuk của Hiệp hội vận tải Hà Nội chẳng khác nào đi vào vết xe đổ.

Cấm còn chưa xong

Hình ảnh các em học sinh, hành khách hay những vật liệu… được chở đầy lúc nhúc, chất cao ngất trên những chiếc xe lam cũ nát chạy ngông nghênh trên đường phố trước đây khiến người ta phải rùng mình. “Tôi sợ mấy chiếc xe lam cũ nát chạy trên đường lắm. Mấy ông lái xe thường bất chấp mọi quy định bắt buộc đối với phương tiện khi tham gia giao thông. Nhiều xe không đèn, còi, thậm chí đến cái phanh còn lúc được, lúc mất nên tai nạn giao thông luôn xảy ra”, ông Đoàn Văn Hòa, phố Khâm Thiên nhớ lại.

Đề xuất Nhập xe Tuk Tuk: Có lợi cho ai? - 1

Người dân đã quá sợ cảnh xe 3-4 bánh tung hoành phố xá như thế này

Cùng với sự phát triển, nhận thấy sự tồn tại của những chiếc xe lam không còn phù hợp, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã có Nghị định 23/2004/NĐ-CP quy định về niên hạn sử dụng đối với ô tô tải và ô tô chở người. Theo đó, sẽ loại bỏ dần xe lam ra khỏi đời sống.

Song, cũng phải nhiều năm sau, qua nhiều văn bản, quy định mới loại bỏ được xe lam. Nghị quyết 32/2008 của Chính phủ quy định các loại xe ba gác, công nông, xe lam, xe lôi 3 bánh, xe tự chế... phải chấm dứt hoạt động, trường hợp vi phạm sẽ bị tịch thu, bán phế liệu, sung công quỹ. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục có Nghị định về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay, các địa phương cũng mới loại bỏ được xe lam, còn xe tự chế 3-4 bánh vẫn chưa dẹp được.

Nhiều nơi vẫn đau đầu với xe 3-4 bánh

Hà Nội đã có chủ trương “xóa sổ” xe 3 bánh từ nhiều năm nay, song việc thực hiện lại làm nảy sinh vấn đề chuyển đổi nghề, hỗ trợ cuộc sống cho những lao động mưu sinh bằng xe 3 bánh là những thương bệnh binh, nên gặp phải không ít khó khăn. Xuất phát từ thực tế này, nhiều đối tượng đã lợi dụng “mác” xe của thương binh để đóng xe 3 bánh rồi mặc sức “tung hoành”, vi phạm trật tự về ATGT đô thị, coi thường pháp luật, vận chuyển hàng lậu, hàng hóa cồng kềnh. Những chiếc xe 3 bánh này đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao vì không đảm bảo độ an toàn về kỹ thuật, không biển, không gương chiếu hậu, không còi...

Có thể dễ dàng nhận thấy, bất cứ phố nào xuất hiện xe 3 bánh chở hàng quá khổ, quá tải là phố đó rơi vào cảnh ùn tắc cục bộ, người đi đường thường phải tránh xa cho đỡ phiền toái. Thực trạng này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người đi đường, mà đang trở thành nỗi bức xúc của người dân Thủ đô trong bối cảnh giao thông ngày càng tắc, càng rối. Theo thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, thành phố hiện có gần 500 xe 3 bánh tự chế, ngoài 182 xe được cấp phép, còn lại là xe “chui”, xe gắn logo thương binh giả.

Không chỉ Hà Nội, mà các địa phương hiện đều đau đầu với loại xe này, bởi, dù đã bị cấm từ năm 2008, nhưng đến nay, xe 3 bánh tự chế vẫn chạy như mắc cửi bất chấp bức xúc của dư luận. Song, việc xóa xe 3 bánh tự chế vẫn còn gặp nhiều vướng mắc”. Đầu tháng 5 vừa qua, để tiến tới đình chỉ lưu hành xe 3-4 bánh tự chế, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm những nội dung liên quan quản lý xe công nông, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3-4 bánh, giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Ủy ban ATGT quốc gia, các bộ, ngành địa phương liên quan đánh giá việc thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh.

Trong khi đó, xe Tuk Tuk theo đề xuất của Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng là một dạng xe 3-4 bánh khá thô sơ, thiếu các trang thiết bị an toàn, nếu cho nhập khẩu về nước để lưu thông chẳng khác nào gây rối loạn thêm. Bởi, giao thông Hà Nội vốn đã hỗn loạn, nay lại thêm một loại xe mới đưa vào lưu thông chỉ càng khiến tình hình thêm rối, chẳng khác nào đi lại vết xe đổ năm xưa.

“Sao phải nhập khẩu”?

“Tôi rất sợ những lái xe chạy xe 3 gác, xe lam, xe kéo. Vì xe toàn sắt nên tha hồ mà phóng, người đi đường phải né tránh chứ các bác ấy phóng vô tư. Chính phủ đã ra lệnh cấm các xe nguy hiểm ấy, nhưng đến nay vẫn chưa thể xóa sổ được hoàn toàn, bây giờ lại lôi thêm cái Tuk Tuk này về nữa thì thành một mớ hỗn độn. Mà xe Tuk Tuk thì ai sẽ được lái, giấy phép lái xe gì? Hơn nữa, loại xe này trong nước cũng sản xuất được, sao phải nhập khẩu?”

Nguyễn Văn Thành (KĐT Nam Trung Yên, Cầu Giấy)

“Muốn bỏ mà chưa được”

“Đúng là nhiều nước châu Á như Indonesia, Srilanka, Philippines cũng có loại xe tương tự, nhưng đây là phương tiện giao thông cực ồn, ô nhiễm, không thích hợp trong môi trường đông đúc, chật chội. Các nước cũng đang muốn bỏ mà chưa được (Philippines đang cố gắng xoá bỏ xe jeepney). Tôi đã đi xe Tuk Tuk 1 lần ở Thái Lan rồi và sợ tới giờ luôn, xe chạy ẩu kinh khủng, vừa không có lan can an toàn, vừa nóng nực, lái xe chạy như làm xiếc. Đúng là “đi một ngày đàng”, nhưng phải suy nghĩ mới “học một sàng khôn”, thấy cái gì cũng áp dụng, thì còn quá “đẽo cày giữa đường”.

Nguyễn Mỹ Hằng (Tân Hội, Đan Phượng)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Tuyền (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN