Để "người hùng" bơi ra dòng nước lũ cứu người: Chủ tịch huyện nói gì?

Sự kiện: Tin nóng

Việc để người dân liều mình ôm can lao xuống sông cứu người, Chủ tịch huyện biên giới Quan Sơn cho rằng không ai bơi giỏi bằng anh Huy.

Hình ảnh "người hùng" Phạm Bá Huy bị kẹt ngay chính nơi ông Chon đứng

Hình ảnh "người hùng" Phạm Bá Huy bị kẹt ngay chính nơi ông Chon đứng

Nói đến bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa), ai cũng biết đến những thiệt hại nặng nề mà trận lũ quét kinh hoàng xảy ra hôm 3/8 vừa qua. Nhiều ngôi nhà bị cuốn trôi, người chết và mất tích vẫn chưa tìm thấy. Và cũng không thể quên hình ảnh “người hùng” Phạm Bá Huy (26 tuổi, ở bản Nhài, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) khi cầm can liều mình lao xuống dòng nước lũ trên sông Luồng để cứu người rồi chính anh lại bị mắc kẹt.

Nhiều ngày qua, khi sự việc xảy ra và anh Huy đã "hoàn thành nhiệm vụ" của mình thì một số thông tin cho rằng: Thời điểm ông Lương Văn Chon (52 tuổi, ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc” giữa dòng nước lũ chảy xiết nhưng cơ quan chức năng ở trên bờ lại không thể tiếp cận được mà lại để một người dân như anh Phạm Bá Huy liều mình cầm can ra cứu?.

Trước vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Văn Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin, phát hiện ra sự việc, một phó Bí thư thường trực huyện đã lên hiện trường trước. Tiếp đến tôi và Bí thư huyện; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa cũng lên. Ngoài ra, cũng chi viện các lực lượng biên phòng, quân sự, công an lên hiện trường để tìm phương án bố trí người đưa ông Chon vào bờ, tiếp cận bản Sa Ná.

Khi được hỏi tại sao lại để người dân liều mình ra cứu trong khi những cơ quan chức năng cứu hộ ở đâu, ông Đạt cho rằng: "Lúc xảy ra sự việc, tại chỗ không có phương tiện, thiết bị nào để tiếp cận cứu được và lực lượng cứu hộ, cứu nạn của tỉnh cũng chưa lên kịp vì thời gian từ TP Thanh Hóa lên đến địa điểm này cũng phải mất 3-4 tiếng đồng hồ. Trong thời gian chờ lực lượng cứu hộ, tại chỗ chúng tôi lên phương án tìm 1 người bơi giỏi nhất, khỏe nhất để có thể ra cứu ông Chon. Lúc này anh Huy có mặt xung phong. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần phải thẩm tra xem có đúng hay không thì thấy bà con nhân dân nói anh Huy là một trong những người bơi giỏi nhất vùng này.

Hình ảnh tan hoang ở bản Sa Ná sau lũ

Hình ảnh tan hoang ở bản Sa Ná sau lũ

“Sau khi lên phương án và thống nhất để anh Huy ra trong khi chờ lực lượng cứu hộ từ tỉnh lên, chúng tôi đã trang bị áo phao và đưa thêm 2 chiếc can cho anh Huy để tiến hành các bước cứu ông Chon. Đồng thời, cắt cử 20 tổ đội gồm có những người biết bơi nhưng không giỏi bằng Huy xuống ở hạ lưu để túc trực ứng cứu khi sự cố xảy ra. Ở phía trên, lực lượng biên phòng cùng công an làm các bước căng dây để cho anh Huy bơi ra cứu vớt ông Chon”, ông Đạt cho biết thêm.

Điều hi hữu là sau khi cứu được ông Chon vào bờ thì “người hùng” Phạm Bá Huy lại bị kẹt chính ở vị trí mà ông Chon đứng. Trước tình thế này, chính quyền địa phương nhiều lần khuyên can anh Huy đừng nhảy xuống cố bám trụ chờ lực lượng cứu hộ đến nhưng do trời tối và tâm lý nên anh Huy đã lợi dụng dòng nước, nhảy xuống để vào bờ. Cùng lúc đó, lực lượng cứu hộ, cứu nạn ở tỉnh cũng vừa mới đến hiện trường.

Ông Vũ Xuân Đạt cho hay, sắp tới huyện cũng đề nghị với cấp trên cần trang bị các thiết bị như súng bắn dây, mô tô nước vì phù hợp với địa phương vùng núi có sông suối dốc chứ còn tàu thuyền thì không thể chạy trên dòng sông chảy xiết cứu người bị cuốn trôi được. Đây là khó khăn của địa phương khi không có các trang thiết bị tại chỗ, nên bị động khi có sự cố xảy ra.

“Trước hành động của anh Huy, UBND tỉnh đã thưởng nóng cho anh Huy 10 triệu, tỉnh đoàn Thanh Hóa đã trao tặng bằng khen và huyện cũng đang đề xuất UBND tỉnh trao tặng bằng khen cho anh Huy”, ông Đạt cho biết thêm.

Trước đó, Báo Giao thông đã đưa tin, vào sáng ngày 3/8, trên địa bàn huyện Quan Sơn đã xảy ra một trận lũ quét kinh hoàng cuốn trôi 44 ngôi nhà làm 5 người chết, 8 người mất tích và 5 người bị thương. Trong đó, bản Sa Ná thiệt hại nặng nề nhất. Thời điểm xảy ra lũ quét, ông Lương Văn Chon đang vận chuyển lương thực lên khu nhà cao tránh lũ thì bất ngờ bị cuốn trôi và may mắn bám trụ được cây cối giữa sông Luồng. Sau đó được anh Huy bơi ra cứu đưa vào bờ an toàn.

Chiều ngày 8/8, ông Nguyễn Văn Hưng - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) cho biết: Hiện bệnh nhân Lương Văn Chon - người được anh Huy cứu đã ổn định sức khỏe, tinh thần. Ngày mai sẽ làm các thủ tục để xuất viện.

5 ngày kể từ khi cơn lũ dữ đi qua, chính quyền huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa tập trung khắc phục hậu quả, tìm người mất tích. Nhiều đoàn thiện nguyện ở khắp nơi trên cả nước cũng đã tìm về ủng hộ đồng bào lũ lụt.

Video lũ lụt ở Thanh Hóa: Cận cảnh hoang tàn tại bản Sa Ná

Cảnh tượng hoang tàn, đổ nát, hàng chục ngôi nhà bị vùi lấp tại bản Sa Ná, hiện các lực lượng cứu hộ đang tích cực...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phúc Tuấn ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN