Đề nghị bộ trưởng, chủ tịch tỉnh 'vi hành' xem cán bộ ứng xử với dân và doanh nghiệp
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phản ánh hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”, “thông thoáng ở bộ, ở tỉnh nhưng đến xã thì lại tắc”. Ông đề nghị cán bộ cấp bộ trưởng hoặc chủ tịch tỉnh có thể hóa trang, vi hành tới những cơ quan thuộc phạm vi mà mình quản lý, xem cán bộ, nhân viên ở đó đối xử với người dân, doanh nghiệp như thế nào.
Chứng nhận giấy sửa nhà cũng phải “phong bì” cho cán bộ
Sáng 23/5, thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) đánh giá, cải cách thể chế đã có những cải thiện tích cực nhưng cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa.
Dẫn phản ánh từ cử tri và doanh nghiệp, ông Nghĩa cho rằng còn hiện tượng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. “Khi học nghị quyết, nghe lãnh đạo chỉ đạo ở các cuộc họp, mọi người rất hào hứng nhưng khi đi vào quy định cụ thể thì rất vướng. Hàng ngàn giấy phép con, thủ tục vẫn tiếp tục 'mọc lên'. Khi bước vào một dự án, một việc làm ăn cụ thể là gặp vướng mắc ngay”, ông Nghĩa nói.
Theo đại biểu đoàn TPHCM còn hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”. “Dự cuộc họp với Thủ tướng xong, các tập đoàn, doanh nghiệp rất hào hứng, phấn khởi, thế nhưng khi về địa phương, doanh nghiệp bắt tay vào làm thì gặp những cán bộ, công chức hoặc bộ phận không ủng hộ như vậy”, ông Nghĩa nêu.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, đoàn TPHCM. Ảnh: Nhật Minh
Từ thực tiễn trên, ông Nghĩa cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ tới đây là làm sao để các chủ trương được thực hiện một cách xuyên suốt, không thể “thông thoáng ở bộ, ở tỉnh nhưng đến xã lại tắc”.
“Chứng nhận cái giấy để sửa chữa nhà thôi, đề nghị ông xã ký xác nhận 4 bên không có tranh chấp, thậm chí nhiều trường hợp phải có phong bì mới ký”, ông Nghĩa dẫn chứng.
Nhấn mạnh việc thực hiện thể chế quan trọng không kém gì cải cách thể chế, vị đại biểu TPHCM đề nghị cán bộ cấp bộ trưởng hoặc chủ tịch tỉnh có thể hóa trang, để vi hành tới những cơ quan thuộc phạm vi mà mình quản lý, xem cán bộ, nhân viên ở đó đối xử với người dân, doanh nghiệp như thế nào.
Sáp nhập tỉnh là phép nhân chứ không phải phép cộng
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần làm sao để chọn được đội ngũ cán bộ giỏi, đáp ứng được yêu cầu công việc trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước, tinh gọn bộ máy, chuyển đổi số…
“Công tác cán bộ rất quan trọng, quyết định sự thành công trong sự phát triển quốc gia", ông Ngân nói.
Đề cập chủ trương sáp nhập tỉnh, ông Ngân cho rằng, đây là phép nhân chứ không phải phép cộng để tạo ra sự tăng trưởng mới. Dẫn ví dụ về chủ trương sáp nhập TPHCM với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Ngân cho rằng, khi thực hiện sẽ tạo ra sự hỗ trợ, tương hỗ, cộng hưởng để thúc đẩy tăng trưởng mạnh cho các địa phương.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM). Ảnh: Nhật Minh
Ông Ngân cũng đề cập thế mạnh về tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam. Theo ông, với lợi thế về đường bờ biển dài và đẹp, Việt Nam sẽ có điều kiện phát triển nhiều cảng trung chuyển quốc tế, trong đó có cảng Cần Giờ, cảng Thị Vải - Cái Mép, các khu thương mại tự do,…
Việt Nam cũng có lợi thế về phát triển ngành du lịch. Vấn đề quan trọng, theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, là cần định vị thương hiệu du lịch quốc gia, để lĩnh vực này đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển.
Một trong những vấn đề quan trọng khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là công tác bố trí và tuyển chọn cán bộ, công chức, nhất là cấp lãnh đạo,...
Nguồn: [Link nguồn]
-23/05/2025 11:08 AM (GMT+7)