Đầu tư casino: Cửa đã mở

Việc cho phép người Việt vào chơi casino sẽ tháo “nút tắc” then chốt nhất cho dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm này

Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng Bộ Tài chính cũng quyết định cho phép người Việt Nam được vào chơi casino. Nội dung này được quy định tại điều 10 của dự thảo nghị định về kinh doanh casino do Bộ Tài chính soạn thảo, đang gửi lấy ý kiến các bộ ngành liên quan trước khi trình Chính phủ.

8 bộ cùng “soi”

Dự thảo nghị định casino được Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu từ nhiều năm trước nhưng khi trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) thông qua vào kỳ họp tháng 4-2014 vẫn phải chỉnh sửa lại. Trong đó, 2 nội dung quan trọng được Ủy ban TVQH “giao đầu bài” cho Bộ Tài chính là thí điểm cho người Việt vào chơi và tính toán xem Việt Nam có bao nhiêu casino là hợp lý.

Tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính đã giải quyết được nội dung thứ nhất với quy định người Việt vào chơi casino phải là người 21 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật, có đủ năng lực về tài chính, đóng đầy đủ lệ phí tham gia và đáp ứng được các điều kiện về nhân thân. Các điều kiện cụ thể sẽ được Chính phủ quy định.

Đầu tư casino: Cửa đã mở - 1

Khu vui chơi có thưởng nằm trong khu nghỉ dưỡng Silver Shores International Resort ở Đà Nẵng lâu nay chỉ dành cho người nước ngoài Ảnh: HOÀNG DŨNG

Về nội dung thứ hai, điều 21 dự thảo quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch kinh doanh casino tại Việt Nam.

Sẽ có ít nhất 8 bộ cùng “soi” quá trình cấp phép, hoạt động của casino, như Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Công an, Quốc phòng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch... Dự thảo vẫn giữ nguyên quy định nhà đầu tư phải có vốn tối thiểu 4 tỉ USD nhưng yêu cầu về kinh nghiệm quản lý, kinh doanh casino chỉ cần 5 năm, giảm một nửa thời gian so với yêu cầu của các bản dự thảo trước đây.

Chỉ chờ rót vốn

Mặc dù vẫn còn là dự thảo nhưng việc Bộ Tài chính đề xuất cho người Việt vào chơi casino đã thực sự tháo chốt hãm cho dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nhạy cảm này. Trong thực tế, cuộc đua ngầm để đầu tư casino ở Việt Nam chưa bao giờ chấm dứt cho dù đã có nhà đầu tư lớn như Genting Berhard (Malaysia) bỏ cuộc ở dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng Nam Hội An (Quảng Nam) hay MGM Resorts International (Mỹ) ở dự án Hồ Tràm (Vũng Tàu). Nhưng kẻ đi thì có người đến, dự án Nam Hội An đã tìm được đối tác mới là Peninsula Pacific (Mỹ). Chỉ tính riêng dự án Vân Đồn (Quảng Ninh) đã có 6 nhà đầu tư đến tìm hiểu, gồm Genting Berhard, Las Vegas Sands (Mỹ), Phoenix Macau Tailoi (Macau), Quỹ đầu tư Westar (Úc), Casinos (Áo).

GS Hà Tôn Vinh, chuyên gia cố vấn đầu tư cho khu phức hợp casino thuộc dự án Vân Đồn, cho biết rất nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp đã cất công đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội rót vốn. “Tiền thì nhà đầu tư không thiếu, họ chỉ quan tâm đến việc có cho người Việt vào chơi hay không” - GS Hà Tôn Vinh nói. Ông cho biết thêm khi đặt lịch làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về chủ trương đầu tư casino ở dự án Vân Đồn, chủ tịch một tập đoàn điều hành hệ thống casino của Mỹ vừa bước vào phòng làm việc đã thẳng thắn đặt 2 câu hỏi: “Bao giờ các ông cho phép người Việt vào casino và bao giờ các ông xây xong sân bay?”.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy cả nước đã có 7 casino được cấp phép, trong đó có 6 dự án đã hoạt động với tổng doanh thu năm 2012 đạt 930 tỉ đồng, nộp ngân sách khoảng 254 tỉ đồng nhưng phần nhiều là quy mô nhỏ và không cho người Việt vào chơi. Tuy nhiên, hiện đã có một số nhà đầu tư nước ngoài đề nghị lập dự án rất lớn, quy mô tới 500 bàn trò chơi.

Một tính toán được hãng tin Reuter dẫn ra cho thấy tiềm năng doanh thu casino của Việt Nam có thể đạt tới 3 tỉ USD/năm nếu điều kiện pháp lý được nới lỏng, cho người Việt vào chơi. 

Quản lý thế nào?

TS Lê Đăng Doanh cho rằng việc mở cửa cho người Việt vào chơi ở sòng bài không chỉ được xem xét ở khía cạnh đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư mà còn cân nhắc trước thực trạng cấm đánh bài trong nước thì dân sang Macau, Singapore hoặc Campuchia đánh, gây chảy máu ngoại tệ. Nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi, cần phải biết sử dụng. Đặc thù của Việt Nam là tiêu dùng tiền mặt, khó chứng minh năng lực tài chính của người chơi nên dễ xảy ra tình trạng “tay không bắt giặc”, cháy túi, gây những hậu quả khó lường.

Góc nhìn

Quyến rũ và nguy hiểm!

Casino chính thức có mặt ở Việt Nam hơn 20 năm qua nhưng chỉ dành cho khách nước ngoài. Dọc biên giới nước ta với các nước láng giềng cũng có rất nhiều casino “bao vây”, thu hút hàng ngàn lượt người có máu đỏ đen từ nước ta sang chơi. Đó là chưa kể có nhiều người bay sang Macau hay bay qua tận Las Vegas để thỏa mãn thú đỏ đen.

Trong những năm qua, Đông Nam Á đã chứng kiến sự bùng nổ sòng bạc. Các nhà nghiên cứu đưa ra con số giật mình: Mỗi năm người dân châu Á ném vào sòng bạc 23 tỉ USD! Singapore vốn cấm tiệt nạn đỏ đen nhưng rồi cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu phải tuyên bố: “Thế giới sẽ không đến Singapore nếu chúng ta không có casino” và khu casino - resort ở Manina Bayfront, Sentosa đã khai trương từ năm 2011và hiện đang làm ăn phát đạt.

Việt Nam đã hội nhập quốc tế bằng một nền kinh tế thị trường. Điều đó có nghĩa chúng ta sẽ tuân thủ việc kinh doanh theo quy luật cung cầu, trong đó bao gồm các ngành kinh doanh dịch vụ giải trí và cả casino. Ở góc độ thị trường, Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội tạo ra nguồn thu từ một ngành giải trí hợp pháp là casino và đã bị các nước láng giềng giành lấy.

Ai cũng biết bên cạnh những lợi ích của casino đem lại nó cũng tồn tại những hệ lụy xã hội, đặc biệt là vấn đề tội phạm. Nếu Việt Nam chấp nhận cuộc chơi thì nên tận dụng lợi thế đi sau để tạo ra một thị trường chuẩn mực, cả về vấn đề pháp lý để kiểm soát những hệ quả tất yếu nảy sinh từ casino.

Cờ bạc giống như chiếc hộp trong thần thoại Hy Lạp mà thần Zeus đã tặng cho nàng Pandora. Chiếc hộp ấy chứa đựng những điều xấu xa nhất nhưng cũng quyến rũ nhất. Những quyến rũ bên ngoài thì dễ thấy, còn những hệ lụy thì ẩn sâu bên trong và đến khi đã mở hộp ra thì sẽ không thể thu lại được nữa.

Lưu Nhi Dũ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN