Đầu nậu kể chuyện săn gỗ sưa

Từng bị xếp sau, giá rẻ hơn rất nhiều so với gụ, pơ mu, đinh, lim, sến, táu..., đến nay, gỗ sưa đã thành gỗ vàng, trở thành đối tượng để người ta cưa trộm, thậm chí đổ máu để có được.

Hoàng (còn gọi là Hoàng "sưa") là một trong những tay buôn gỗ sưa cứng cựa ở miền Bắc. Hoàng từng lăn lộn khắp các núi rừng của Việt Nam để "săn" sưa. Mỗi khi tìm được khối sưa vừa ý, anh ta liền mua về rồi tìm mối đẩy hàng. Nhưng sự lựa chọn không phải lúc nào cũng diễn ra như mong muốn.

"Người ta mua sưa theo nhu cầu và chủng loại, chứ không phải cứ thấy sưa là mua. Không phải cây sưa nào cũng bán được đâu chú em ạ" - tay buôn sưa lão luyện nói.

"Nhìn qua là biết sưa ở vùng nào"

Theo Hoàng “sưa”, gỗ sưa có rất nhiều loại, màu sắc, kích cỡ khác nhau tùy theo từng vùng miền, vì thế giá trị sưa cũng không giống nhau. Nhiều người vẫn nghĩ cứ cây gỗ sưa to lớn, đủ kích thước là quý và đắt. Đây là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Có những cây sưa lớn, lõi to nhưng cũng không có giá trị gì.

Vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống làm mộc, Hoàng “sưa” cho biết, trước đây, gỗ sưa gần như không có nhiều giá trị. Loại gỗ này còn rẻ hơn nhiều so với gỗ gụ (thường được sử dụng làm đồ nội thất, rất được ưa chuộng dù giá trị của nó còn xếp sau các loại gỗ quý khác như pơ mu, đinh, lim, sến, táu…). Tuy nhiên, từ khoảng đầu năm 2000 đến nay, khi người Trung Quốc đổ sang Việt Nam thu mua thì gỗ sưa bỗng trở thành "gỗ vàng". Thời gian nở rộ những cuộc săn tìm, cưa, chặt trộm sưa diễn ra trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2010.

Đầu nậu kể chuyện săn gỗ sưa - 1

Gùi gỗ sưa thuê trong Phong Nha - Kẻ Bàng (Ảnh: Tiền phong)

Suốt thời gian đó, Hoàng “sưa” hết ra Bắc lại vào Nam, lùng sục không biết bao nhiêu cánh rừng, từ Hà Tây lên Phú Thọ, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La rồi ngược vào Tây Nguyên và Nam Bộ.

Bao nhiêu năm trong nghề, Hoàng "sưa" biết rõ vùng nào nhiều sưa, đặc biệt là sưa cổ thụ, có giá trị, thậm chí Hoàng tự tin "chỉ cần nhìn qua là biết sưa mọc vùng nào".

Hoàng bảo, không thể tìm thấy sưa quý ở Lạng Sơn, Lào Cai như mọi người thường nói. "Ở những khu vực đó có trồng cây sưa nhưng toàn cây nhỏ, ít năm tuổi hoặc mới được trồng sau này, nên gần như không có giá trị. Sưa phải cỡ trăm tuổi, hoặc ít nhất cũng từ 70-80 tuổi trở lên. Loài cây này phát triển rất chậm, chỉ khi nào lõi của nó đạt đường kính trên 20cm thì mới có giá trị".

Sưa mọc nhiều ở các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, mà nhiều người rỉ tai đây là những vùng ngày xưa vua chúa sinh sống. Sưa ở các khu vực này thường được gọi là sưa Bắc, chủ yếu là sưa nếp, lõi đỏ như máu, rất được ưa chuộng.

Ở phía Nam, chỉ một vài vùng có cây sưa và nhìn chung giá trị không cao như sưa miền Bắc, dù ở đây sưa có kích cỡ lớn hơn. Chỉ một vài loại sưa có lõi màu đỏ đen, hoặc vàng nhạt, vân đỏ mới có giá trị.

Một nguồn cung gỗ sưa nữa là từ bên Lào chuyển sang. Sưa ở Lào thường là loại lớn và chủ yếu được dân buôn sưa mua đổ về ngoài Bắc.

Lắt léo đường vận chuyển gỗ sưa

Xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội là một trong những mối tập trung gỗ sưa. Dân buôn sưa thường tới đây để thu gom rồi liên hệ với các đầu mối bán lại kiếm lời. Thỉnh thoảng, lực lượng công an vẫn bắt quả tang nhiều vụ cất giấu gỗ sưa trong nhà ở khu vực này.

Theo lời Hoàng, nhiều khi chỉ cần mang một vài trăm triệu đến Nhị Khê, đi dò hỏi, nhặt nhạnh dăm ba thớ gỗ sưa thấy ưng ý là có thể chất lên xe mang về bán kiếm lời với số tiền lãi thu được không nhỏ.

Tuy nhiên, Hoàng “sưa” tiết lộ, dân buôn sưa không thể chuyển thẳng hàng từ khu vực này sang Trung Quốc. Theo đó, gỗ sưa thường phải chuyển qua Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh, từ đó mới có đầu mối đến thu mua rồi chuyển sưa sang Trung Quốc".

"Thương lái Trung Quốc mỗi lần sang đây mua sưa thường không mua với số lượng lớn. Mỗi chuyến, họ chỉ có thể đưa về một vài tạ và vẫn phải do người Việt vận chuyển lên các vùng biên giới. Lên đến đó thì có người nhận hàng".

Đề cập đến phương thức vận chuyển gỗ sưa, Hoàng bảo "khó nói lắm. Họ có thể là những tay buôn thực sự, hoặc chỉ là người đi săn theo đơn đặt hàng của đại gia nào đó".

"Nhiều khi đơn đặt hàng chỉ là bức tượng, hoặc những vật dụng trong gia đình... theo đúng màu sắc, vân hoa định sẵn. Vì vậy khi sang đây, họ chỉ tìm mua đúng loại gỗ sưa phù hợp với đơn đặt hàng. Gặp những bộ bàn ghế, giường tủ làm bằng gỗ sưa đúng chất họ đang cần, họ có thể phá ra, mang về cơ sở chế tác lại theo đơn đặt hàng, rồi mới đưa về Trung Quốc", Hoàng kể.

Theo lời tay buôn sưa này, giá sưa cũng vô cùng vô tận, phụ thuộc vào nhu cầu người mua, tài bắt chẹt của người bán.

"Sưa đỏ, vân hoa đẹp được nhiều người tìm mua. Đường kính lõi sưa càng lớn, giá có thể tăng theo cấp số nhân. Có một bộ phận trên cây sưa được người ta gọi là lu sưa (hay bìu sưa) là quý nhất. Bộ phận này chủ yếu là lõi, có màu và vân rất đẹp, giá có thể lên đến 60 triệu đồng/kg.

Hoàng “sưa” nhắc đến một thương vụ cách đây không lâu, thương lái Trung Quốc từng mua một cây sưa có đường kính lõi 60cm, dài 4m với giá 15 tỷ đồng. Tính nhẩm ra, cây sưa này có khoảng 5 tạ lõi. Tuy nhiên, vì cây đang sống nên người ta nghĩ cách bắt nó phải chết bằng cách tưới nước muối vào gốc.

"Loài sưa kể cũng kỳ lạ, mọc ở vùng đất càng cằn cỗi thì màu sắc, vân hoa càng đẹp. Nhưng tưới nước muối vào gốc thì nhanh chóng "băng hà", Hoàng "sưa" kết luận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lệ Vân ([Tên nguồn])
Gỗ sưa nghìn tỷ ở Quảng Bình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN