Cựu học sinh của GS Hồ Ngọc Đại tiết lộ những điều chỉ có ở trường Thực Nghiệm

“Bạn có thể là bất cứ ai mà bạn muốn miễn sao bạn sống hết mình với đam mê và trở thành những con người lương thiện – đó có lẽ là điều tuyệt vời nhất mà chúng tôi, những cựu học sinh Thực Nghiệm, những chú “chuột bạch” được thọ nhận từ Công nghệ giáo dục”.

Clip:Cựu học sinh trường Thực nghiệm nói về Công nghệ giáo dục

Vừa qua, trên mạng xã hội, nhiều người đã lên tiếng phản đối phương pháp giáo dục Công nghệ giáo dục. Đỉnh điểm là sau khi một clip đánh vần bằng ô vuông và hình tròn của giáo viên được đăng tải. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những người lên tiếng bênh vực phương pháp dạy tiếng Việt của GS. TSKH Hồ Ngọc Đại .

Chúng tôi xin đăng tải chia sẻ của nhà báo Hà Việt Anh, một cựu học sinh trường Thực Nghiệm về những giá trị mà ngôi trường và phương pháp giáo dục này mang lại.

"Học trò sẽ được tỏa sáng theo cách của mình"

Ở trường Thực Nghiệm, thầy cô không cho điểm như ở các trường khác, mà chấm bằng các chữ A, B, C, D.

Có lẽ vì cách đánh giá đó mà chúng tôi chưa bao giờ thấy áp lực điểm số, không ganh tỵ, đố kị với nhau, không nhìn bạn ngồi bên cạnh có điểm số cao hơn mình với ánh mắt hằn học. Chỉ biết sướng khi mình được A, vui khi được B, thấy mình cần cố gắng hơn vào lần kiểm tra tới nếu nhận được C hoặc D.

Trên lớp các thầy cô cũng ít khi khen các bạn học giỏi, mà thường khuyến khích các bạn học chưa tốt.

Nhà trường cũng không phân biệt môn chính (Văn, Toán, Ngoại ngữ...) - môn phụ (nhạc, họa thể dục...). Môn học nào cũng đáng được trân trọng, chỉ cần bạn yêu thích nó.

Nếu bạn giỏi thể dục có thể sau này bạn trở thành vận động viên, bạn giỏi Toán bạn sẽ nghiên cứu khoa học, bạn giỏi Văn có thể làm nhà báo, nhà thơ, bạn vẽ đẹp sau này sẽ trở thành họa sĩ, kiến trúc sư...

Ở trường Thực Nghiệm, thầy cô qua năm tháng hun đúc nơi bạn niềm tin rằng bạn có thể là bất cứ ai mà bạn muốn miễn sao bạn sống hết mình với đam mê và trở thành những con người lương thiện. Đây cũng là mong ước cháy bỏng của GS. TSKH Hồ Ngọc Đại, cha đẻ của Công nghệ Giáo dục, một nhà sư phạm luôn lấy hạnh phúc đi học của trẻ làm tôn chỉ.

Cựu học sinh của GS Hồ Ngọc Đại tiết lộ những điều chỉ có ở trường Thực Nghiệm - 1

Nhà báo Hà Việt Anh trong một lần đến thăm GS Hồ Ngọc Đại.

Mãi sau này khi các con tôi (cháu lớn khóa 26 và cháu bé khóa 34) đi học ở trường Thực Nghiệm, trước mỗi kì thi các bạn ấy thông báo: "Ngày mai con thi các môn nhóm 2, tuần sau sẽ thi các môn nhóm 1 mẹ ạ", chứ nhà trường vẫn không dùng những cụm từ "môn chính", "môn phụ". Nhóm 1 là các môn có nhiều tiết (ít nhất 1 tiết/ ngày), nhóm 2 là các môn ít tiết (1-2 tiết 1 tuần).

Cách gọi này giúp cho học sinh Thực Nghiệm ít bị mặc cảm khi mình chưa giỏi một hoặc một số môn nào đó, và hoàn toàn tự tin nếu nổi trội về thể dục, nhạc, họa...

Với chúng tôi không chỉ "Đi học là hạnh phúc - Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui" đâu, mà mỗi học sinh Thực Nghiệm đều được tạo điều kiện để "Tỏa sáng theo cách của mình".

Cha mẹ mong muốn nhất điều gì ở con trẻ?

Đã có ít nhất 40 khóa học sinh của trường Thực Nghiệm đã theo học phương pháp này và chúng tôi không hề gặp bất cứ vấn đề gì, cha mẹ chúng tôi cũng hoàn toàn hài lòng với việc học của chúng tôi, chúng tôi vẫn sử dụng tiếng Việt trong đời sống và công việc hằng ngày rất bình thường, hiệu quả.

Khi có con đến tuổi đi học, cha mẹ mong nhất con được vui vẻ hạnh phúc, thích đi học, yêu trường, yêu lớp, yêu thầy cô, bạn bè. Hai là mong con biết tự lập, tự tin để vững vàng bước vào cuộc sống cam go. Cả 2 điều ấy công nghệ giáo dục đã làm được một cách xuất sắc.

Chúng tôi luôn tự tin vào bản thân, luôn sống tử tế và chan hòa với mọi người. Vì dù đi đâu làm gì chúng tôi cũng nhớ về những bài học về tình yêu thương, lòng biết ơn, tinh thần trách nhiệm, dám nói, dám làm.

Đành rằng cách đánh vần không làm cho con trẻ thông minh hay giỏi giang hơn người nhưng cũng nhờ vào phương pháp giáo dục (triết lí giáo dục) của GS. TSKH Hồ Ngọc Đại và các cộng sự mà những lứa học sinh 40 năm vẫn mang tên "Thực Nghiệm" chúng tôi từ khi còn rất nhỏ đã biết tư duy logic, biết tập đi trên con đường của các nhà khoa học "thử - sai - thử lại", tự xây dựng kiến thức cho mình từ những gợi ý của thầy cô theo tôn chỉ: "thầy thiết kế - trò thi công", "lấy học trò làm trung tâm của bài giảng".

Từ cách đây chẵn 40 năm, nếu khẩu hiệu của các trường học là "Tiên học lễ - Hậu học văn", thì khẩu hiệu của trường Thực Nghiệm chúng tôi là "ĐI HỌC LÀ HẠNH PHÚC - MỖI NGÀY ĐẾN TRƯỜNG NÁO NỨC MỘT NGÀY VUI".

Khi các bạn cùng trang lứa ở trường khác còn đang ê a đánh vần thì học sinh Thực Nghiệm chúng tôi đã đọc thơ lục bát.

Khi cả nước bỏ chữ thường chuyển sang viết chữ cải cách thì chúng tôi vẫn an nhiên viết theo lối truyền thống (rồi sau này cả nước lại bỏ chữ cải cách).

Khi trường trường lớp lớp viết theo văn mẫu thì với một đề Văn, trong lớp tôi người viết văn, người viết đồng dao, người làm thơ, thậm chí có người vẽ để trả bài cho cô.

Khi các bạn trường khác tối về vẫn phải làm bài tập thì chúng tôi chơi, đọc sách, vẽ vời vì trong ngày đã có tiết tự học để giải quyết hết bài vở.

Khi trong suốt mấy chục năm trời Bộ GD-ĐT chưa thể quyết định nổi cho trẻ học ngoại ngữ từ lớp mấy thì chúng tôi đã học ngoại ngữ từ khi bắt đầu bước chân vào cổng trường tiểu học.

Khi chưa thực sự hài lòng về phương pháp giáo dục hay thái độ của thầy cô với học trò chúng tôi sẵn sàng lên gặp ban giám hiệu để phản ánh, nói lên tiếng nói của mình - điều mà chỉ có thể gặp (may ra) ở các ngôi trường dân lập tiên tiến ngày nay...

Bộ GD-ĐT chính thức lên tiếng về sách công nghệ giáo dục gây “bão” dư luận

Ngày 8/9, Bộ GD-ĐT đã chính thức lên tiếng về Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu (ghi) ([Tên nguồn])
Tranh cãi về sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN