Cô gái học ngành Y và câu chuyện “bẻ lái” sang làm lính cứu hỏa
Công tác trong lĩnh vực đặc thù, ít dành cho nữ giới, nhưng Thiếu tá Nguyễn Thị Ngọc Lan, cán bộ Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, CATP Hà Nội là một điểm nhấn đặc biệt của đơn vị.
Đến với nghề bằng đam mê
Chúng tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Thị Ngọc Lan tại trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, CATP Hà Nội. Chính thời khắc ấy, chị cùng đồng đội đang chuẩn bị phương án luyện tập cứu nạn, cứu hộ nhà cao tầng. Khác với những cán bộ, chiến sĩ nam có thân hình vạm vỡ, rắn chắc, dáng người mảnh khảnh, nhỏ nhắn của chị Lan khiến nhiều người bất ngờ. “Đây cũng là lợi thế giúp tôi tiếp cận những không gian nhỏ, chật hẹp lúc làm nhiệm vụ” - Thiếu tá Nguyễn Thị Ngọc Lan mở đầu câu chuyện.
Theo như chị chia sẻ, chị đã công tác trong ngành 20 năm, là cán bộ nữ duy nhất thuộc Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ai cũng nghĩ phụ nữ chân yếu tay mềm sẽ lựa chọn một công việc nhàn hạ, thế nhưng chị Lan lại lựa chọn làm công tác chữa cháy và cứu nạn. Khi về công tác tại lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, chị chọn cho mình một mảng công tác khiến người nghe toát mồ hôi theo đúng nghĩa đen - đó chính là trực tiếp làm công tác cứu nạn, cứu hộ. “Tôi đến với nghề cứu nạn, cứu hộ bởi đam mê và bản tính ưa mạo hiểm” - chị Lan vừa chuẩn bị các thiết bị bảo hộ vừa tâm sự.
Thiếu tá Nguyễn Thị Ngọc Lan, cán bộ Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, CATP Hà Nội và đồng đội tham gia huấn luyện
Theo học chuyên ngành Y, ra trường, chị Lan về công tác tại bộ phận y tế của Cục Cảnh sát bảo vệ (Bộ Công an). Đến năm 2014, chị chuyển công tác sang Phòng Cứu nạn, cứu hộ thuộc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội (từ tháng 8-2018 hợp nhất vào CATP Hà Nội). Tại đơn vị mới, ban đầu chị Lan tiếp tục làm công tác y tế, nhưng khi thấy đồng đội trong đơn vị đu dây trên nhà cao tầng để luyện tập cứu nạn, cứu hộ, chị đã đề nghị chỉ huy đơn vị cho luyện tập thử rồi đam mê và xin chuyển sang tham gia trực tiếp cứu nạn, cứu hộ. Bên cạnh đó, để đáp ứng công việc chuyên môn, chị Lan còn học thêm Đại học Phòng cháy, chữa cháy. “Tôi nghĩ rằng, làm cứu nạn, cứu hộ lại có kiến thức về y tế sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bởi trong thực tế khi cứu nạn, cứu hộ thì công tác cấp cứu ban đầu với người bị nạn có vai trò hết sức quan trọng” - Thiếu tá Nguyễn Thị Ngọc Lan chia sẻ về cơ duyên đến với nghề.
Giữa lằn ranh sinh - tử của biển lửa
Nhớ lại cơ duyên đến với nghề, chị chia sẻ, bản thân chị sinh ra trong gia đình có truyền thống làm trong ngành công an nên ngay từ nhỏ niềm ao ước được khoác lên người bộ quân phục. Thiếu tá Nguyễn Thị Ngọc Lan tâm sự, chị được thừa hưởng sự can trường, mạnh mẽ từ người mẹ - một giáo viên võ thuật của trường Cao đẳng Trại giam. Còn thể lực và sức bền là do lao động từ nhỏ. Sinh ra ở đất chè Thái Nguyên, từ bé Ngọc Lan đã phải ra đồng làm ruộng, cuốc đất trồng rau, hái chè phụ giúp bố mẹ. Sau này khi công tác trong lực lượng Công an, chị vẫn giữ thói quen tập luyện, tham gia các phong trào thể thao. Hầu như giải bắn súng ngắn quân dụng lần nào, chị và cậu em trai (cũng công tác trong lực lượng Công an nhân dân) đều góp mặt và đoạt giải.
Ước mơ hồi trẻ của chị là thi đỗ vào Đại học Cảnh sát nhưng vì vóc dáng nhỏ bé, không đủ điều kiện dự thi, khiến chị phải gác lại ước mơ. Chị quyết định “bẻ lái” sang học ngành Y. Tốt nghiệp, cơ duyên với ngành công an lại bén, chị được phân công nhiệm vụ tại Cục Cảnh sát bảo vệ (giờ là Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động). Quãng thời gian đầu khi mới chân ướt chân ráo về làm việc, ngoài lĩnh vực chuyên môn, rảnh rỗi thời gian, toàn bộ tâm trí của cô sinh viên vừa mới ra trường đã chuyển hết sang ngắm nhìn các đồng đội luyện tập. Năm 2014, chị chuyển về công tác tại Phòng Cứu nạn, cứu hộ - Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, ngọn lửa âm ỉ bao lâu bỗng dưng bùng cháy trở lại. Cuối cùng, chị lấy hết can đảm, đăng ký thi vào Đại học Phòng cháy chữa cháy.
Trải qua quãng thời gian học tập và rèn luyện không ngừng nghỉ, chị đang là một thành viên nòng cốt của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CATP Hà Nội). Thế nhưng, để có được nữ Thiếu tá Lan như hiện tại, bản thân chị luôn phải nỗ lực gấp 5 thậm chí là gấp 10 so với các đồng nghiệp khác. “Thực ra lúc đầu tôi cũng sợ độ cao, nhưng khi bước vào tập luyện, niềm đam mê đã đánh gục mọi nỗi sợ hãi. Có lẽ những lo lắng đó chính là chất xúc tác, giúp tôi và đồng đội rèn luyện sự can đảm, rắn rỏi của người lính chữa cháy” - chị Lan chia sẻ.
Bao lần đối mặt sinh - tử, bao kỷ niệm khi tham gia chiến đấu. Chị bảo, cứ mỗi nạn nhân được cứu ra, trong lòng chị lại càng thêm hy vọng, đó là người cuối cùng. Bởi với chị, sinh mạng con người rất đáng quý. Chị cũng thấu hiểu hơn ai hết, mình lo lắng một, chắc chắn người thân của các nạn nhân ở ngoài lo lắng gấp mười, gấp trăm. Bởi vậy, công tác cứu hộ càng được diễn ra một cách khẩn trương nhất. “Chỉ cần xác định có người mắc kẹt thì dẫu có là biển lửa cũng sẵn sàng lao vào. Khi đó không chỉ làm theo mệnh lệnh của chỉ huy mà còn là mệnh lệnh của trái tim, chạy đua với thời gian cứu người. Bởi chỉ cần chậm mỗi giây, mỗi phút, các nạn nhân không đủ thời gian để sinh tồn, việc cứu nạn trở nên vô nghĩa” - Thiếu tá Nguyễn Thị Ngọc Lan nói.
Can đảm, mưu trí khi tác chiến trên cạn và những lần đối mặt với “giặc nước”, người phụ nữ ấy cũng rất giỏi giang, tự mình vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân. Chị tâm sự những lời gan ruột với tôi về lần tác chiến ở hồ Linh Đàm vài năm trước. Chị bảo đó là lần đầu tiên bản thân tham gia cứu hộ dưới nước. Khi ấy, dù mắt có sáng như sao cũng chẳng còn tác dụng bởi dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi. Cảm nhận dưới chân mình tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ chai lọ, mảnh vỡ thủy tinh đến các vật sắc nhọn, dù có đồ bảo hộ cũng không an toàn nên chị phải huy động tất cả các giác quan để phán đoán. Chị nói: “Mỗi lần ra hiện trường như thế, tôi luôn mong muốn nhanh chóng tiếp cận và đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Nhưng khi ấy, sợ nhất là bàn tay chạm vào tử thi, một cảm giác vô cùng ám ảnh, đặc biệt là với phái nữ”. Nhưng chị chưa bao giờ có ý định từ bỏ công việc mình đang làm. Chị bảo sinh mạng của con người rất đáng quý. Và mỗi khi giành giật được sự sống cho các nạn nhân từ tay tử thần, chị như trút bỏ được hết mệt mỏi, lo lắng trong lòng. Cảm giác mãn nguyện khi ấy, không từ ngữ gì có thể miêu tả được.
Thiếu tá Nguyễn Thị Ngọc Lan luôn quan niệm tuổi tác chỉ là con số, nhiệt huyết với nghề mãi mãi như tuổi 20
Sáng “người nhện”, chiều “người nhái”
Không chỉ như “người nhện” trên những tòa nhà cao tầng, nữ Thiếu tá còn là một “người nhái” cứu nạn, cứu hộ dưới nước. Có khi trong một ngày mà xảy ra 2 sự vụ cứu nạn cứu hộ cả trên sông lẫn trên cạn, nên đồng đội trêu đùa chị “sáng làm người nhện, chiều lại làm người nhái ngay được”.
Chị tâm sự, ở môi trường nước, nguy hiểm và nỗi sợ hãi nhiều hơn trên cạn, bởi xuống nước hầu như không nhìn thấy gì, chưa kể nhiều khi dòng nước chảy xiết sẽ gây nguy hiểm cho người tham gia cứu nạn, cứu hộ. “Một lần thực hiện nhiệm vụ vớt tang vật tại sông Hồng ở khu vực cầu Chương Dương, ngoài đeo bình khí ô xy nặng 20kg, tôi còn mang theo 3 quả chì nặng 15kg. Dòng nước chảy xiết cuốn phăng đi tất cả khiến tôi rất vất vả mới có thể đến được mục tiêu an toàn”, chị Lan kể thêm.
Dù là nữ nhưng khi lặn sâu dưới nước hay treo mình trên cao, thoát nạn thoát hiểm nhà cao tầng, chị không thua kém các đồng nghiệp nam. Hơn nữa với lợi thế thân hình nhỏ nhắn, khéo léo và linh hoạt thì có những tình huống các đồng nghiệp khác không thực hiện được, chị vẫn hoàn thành xuất sắc. Chị vừa được đào tạo hoàn chỉnh về công tác cứu nạn cứu hộ, lại có thêm kiến thức ngành y, có chứng chỉ lặn quốc tế nên nói chị là điển hình cho sự toàn diện về nghiệp vụ thực sự là rất xứng đáng. Thiếu tá Nguyễn Thị Ngọc Lan còn là một người nổi bật trong tham gia các phương án chữa cháy, cứu nạn, nhất là trong quá trình thực chiến dưới nước. Chị có thể lặn tới độ sâu hơn 30m. Không những thế còn là một tay súng cừ khôi, từng đoạt 3 Huy chương Vàng đơn nữ Giải bắn súng ngắn quân dụng Báo An ninh Thủ đô năm 2020.
Gần 2 thập kỷ trong nghề, làm việc ở nhiều môi trường, nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng ở vị trí công tác nào chị cũng hoàn thành tốt. Chị luôn quan niệm tuổi tác chỉ là con số, nhiệt huyết với nghề mãi mãi như ở tuổi 20. Bởi vậy, cứ nghe hiệu lệnh chị chỉ muốn lên đường làm nhiệm vụ. Khó khăn, khổ cực như vậy nhưng niềm đam mê với nghề của chị chưa khi nào vơi cạn.
Nguồn: [Link nguồn]
Tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định nhưng với tình yêu màu áo lính, nhiều 'bóng hồng' đã tự nguyện xin tòng quân để thực hiện ước mơ của mình.