Chuyện về người nữ Anh hùng 5 lần được gặp Bác Hồ

Sự kiện: Thời sự

Nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế là một người con Quảng Bình có vinh dự được 5 lần gặp Bác Hồ. Được ăn cơm cùng Bác, nghe Bác trò chuyện và lắng nghe những lời dạy bảo từ Bác đã khắc sâu trong tâm trí của nữ anh hùng.

“Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, làm gì cũng giỏi”

Nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế năm nay đã 78 tuổi, (sống tại xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) từng tham gia TNXP khi mới 19 tuổi. Trong thời gian công tác tại đơn vị TNXP, bà tham gia chiến đấu, bảo vệ thông đường trên tuyến lửa 12A, và có nhiều thành tích xuất sắc. Bà là người có vinh dự 5 lần được gặp trực tiếp Bác Hồ.

Năm 19 tuổi, sau khi lập gia đình, bà Nguyễn Thị Kim Huế đã dũng cảm viết đơn xin tham gia lực lượng TNXP. Sau đó, bà được cấp trên phân làm Tiểu đội trưởng của 16 chị em thuộc Đại đội 6. Tiểu đội của bà đảm nhiệm tuyến đường 12A đoạn từ Khe Tang tới Cổng Trời. Đây là đoạn đường Trường Sơn hành quân và chi viện vào chiến trường miền Nam nên bị địch đánh phá ác liệt nhất.

Bà Nguyễn Thị Kim Huế bồi hồi nhớ lại: “Cuối năm 1965, Trung đội Quyết tử được thành lập, Tiểu đội của tôi thuộc biên chế trong Trung đội Quyết tử. Mỗi lần làm nhiệm vụ phá bom, lấp hố bom mở đường thì hiểm nguy luôn rình rập, cái chết luôn cận kề. Vì vậy, trước khi đi làm nhiệm vụ, cả Trung đội đều được làm lễ truy điệu sống.

Tôi còn nhớ vào ngày 3/7/1966, máy bay B52 của giặc Mỹ đánh phá ác liệt vào Km21 đường 12A. Trong lần chiến đấu đó, 10 đồng đội của tôi đã trúng bom hi sinh, nhưng chỉ tìm thấy được 3 thi thể. Chúng tôi cố gắng đào bới tìm trong nhiều ngày liền. Đất sâu bao nhiêu bọn tôi không sợ, chỉ sợ dùng cuốc đào bới trúng đồng đội làm họ đau nên nhát cuốc chùng”.

Chuyện về người nữ Anh hùng 5 lần được gặp Bác Hồ - 1

Nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế kể về những lần được gặp bác Hồ.

Câu chuyện bị ngắt quảng trong xúc động, bà Huế kể tiếp: “Năm 1966, tôi được đi học tại trường Trung cấp Chính trị 3 tháng. Ngày cuối khóa học có buổi kiểm tra môn bắn súng, lúc ấy có một ông tóc bạc, mặc quần áo bà ba, chân đi dép cao su đến hỏi tôi: “Sao cháu bắn súng mà giỏi như vậy, cháu bày cho Bác với?”. Lúc đó tôi không biết đó là Bác Hồ nên nhanh nhảu trả lời “Chỉ cần bình tĩnh, nín thở và bóp cò thôi ông ạ!”.

Đến buổi tổng kết khóa học, Bác Hồ đến thăm, đứng trước hội trường hỏi lớn: “Cháu gái Quảng Bình hồi trưa bắn súng giỏi ngồi mô?”. Khi đó tôi mới biết lúc trưa người hỏi tôi là Bác Hồ. Tôi đứng dậy “dạ” một tiếng rõ ràng. Rồi Bác khen: “Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, làm gì cũng giỏi”.

 “Đánh xong Mỹ, giải phóng miền Nam rồi cháu sinh con”

Khóa học đợt đó, bà Huế đều đạt thành tích ưu tú, đứng đầu ở cả bộ môn chạy bộ và bơi lội, là xạ thủ số một về bắn súng. Nhưng niềm vui lớn nhất trong bà là lần đầu tiên được gặp Bác Hồ.

Cuối năm 1966, bà Huế lại có vinh dự khi nằm trong Đoàn đại biểu ngành Giao thông Vận tải Quảng Bình ra báo cáo thành tích với Bác.

Nhớ lại khoảng khắc đó bà Huế nói: “Bác nhìn một lượt rồi ôn tồn nhìn tôi bảo: "Cháu gái vừa trẻ vừa giỏi báo cáo tình hình cho Bác nghe". Sau khi hỏi về cuộc sống và công việc của đơn vị, Bác hỏi tiếp tôi “Cháu đã có chồng chưa?”, câu hỏi này khiến tôi rất khó trả lời vì tôi đã có chồng, mà khi đó có chồng thì không được đi chiến đấu.

Rất may khi đó bác Vũ Kỳ đỡ lời cho tôi, liền trả lời: “Thưa Bác có rồi!”. Bác lại hỏi: “Khi nào có con?”.  Lúc này tôi mới mạnh dạn thưa với Bác: “Dạ! Thưa Bác, đánh xong Mỹ, giải phóng miền Nam rồi cháu sinh con”. Nghe tôi trả lời như vậy Bác cười rồi nói: “Không được, cháu làm cách mạng tốt thì công tác gia đình phải tốt. Mà đánh Mỹ năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa. Cho nên cháu phải sinh con, vừa làm công tác tư tưởng cho gia đình, vừa là tương lai để thay thế cháu”".

Chuyện về người nữ Anh hùng 5 lần được gặp Bác Hồ - 2

Bà Nguyễn Thị Kim Huế tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoa tại Đại hội TNXP lần thứ IV, tháng 7/1967.

Tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1967, bà Huế vinh dự có mặt trong Đoàn đại biểu gồm 11 người tỉnh Quảng Bình ra Hà Nội tham dự. Trong đoàn ra Thủ đô dự Đại hội còn có mẹ Suốt và chị Trần Thị Lý. Lần đó bà Nguyễn Thị Kim Huế được vinh danh Anh hùng, được Bác Hồ gắn huy hiệu anh hùng lên ngực áo, quàng khăn rồi tặng một chiếc đồng hồ đeo tay của Nga.

Tháng 7/1967, vào dịp Đại hội TNXP lần thứ tư, bà Huế cùng chị Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng đội phó Tổng đội Thanh niên xung phong miền Nam, vinh dự  thay mặt Đại hội tặng Bác Hồ bó hoa tươi thắm. Khoảnh khắc bà tặng Người hoa đã được ghi lại với bức ảnh “Bác Hồ với TNXP”. Sau này, bức ảnh được đăng rộng rãi trên báo và tạp chí. Hiện nay, bức ảnh được bà Nguyễn Thị Kim Huế đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà.

Vào tháng 10/1967, bà Huế được cử sang Liên Xô dự lễ kỉ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Trước lúc đi, đoàn của bà vinh dự được ăn cơm cùng Bác Hồ.

“Trong bữa cơm, Bác dặn dò cách cư xử, cách trả lời báo chí như thế nào. Cũng trong bữa cơm ấy, Bác bưng bát cơm lên và cố làm rơi một hạt cơm xuống, sau đó Bác từ tốn nhặt lên rồi nói với những người trong bàn: “Hạt cơm này các cháu biết không, biết bao nhiêu công đoạn, bao nhiêu mồ hôi của nhân dân mới làm ra nó”, nói xong Bác liền cho vào miệng”, bà Huế nhớ lại.

Bà Huế cũng không ngờ đây là lần cuối cùng bà được gặp Bác, khi vào mùa thu năm 1969 Bác Hồ ra đi mãi mãi.

“Lúc biết tin Bác Hồ mất tôi đau buồn lắm. Người đã dành cả cuộc đời, dành tình yêu thương cho nhân dân, cho đất nước, nay Bác mất lòng tôi đau khôn xiết. Đợt đó tôi cũng được cử đi viếng Người, nước mắt tuôn trào khi tôi được vào viếng Bác”.

Chiến tranh kết thúc, bà Nguyễn Thị Kim Huế trở về quê hương sống cuộc đời bình dị cùng gia đình. Nay bà đã gần 80 tuổi, ký ức về những lần được gặp Bác, những câu chuyện, lời căn dạy của Người ngày đó vẫn còn in sâu trong trái tim bà, được bà kể lại cho con cháu nghe.

Ký ức của người lính gần 20 năm bảo vệ Bác Hồ

Đại úy Nguyễn Văn Minh may mắn có những năm tháng được đứng trong đội cảnh vệ, luôn ở bên và bảo vệ sự an...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Hà (Infonet.vn)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN