Chuyên gia tâm lý nói gì về đề xuất có “chứng chỉ tiền hôn nhân” mới được kết hôn?
Theo các chuyên gia, trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân, sự thiếu hiểu biết, kỹ năng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới đổ vỡ, bất hòa vợ chồng…
Tại hội thảo phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục do Đoàn giám sát của Quốc hội về phòng chống xâm hại trẻ em vừa tổ chức mới đây, TS Nguyễn Xuân Thủy, Học viện Cảnh sát nhân dân đã đề xuất "Cần bổ sung quy định về điều kiện kết hôn trong luật Hôn nhân và gia đình theo hướng phải có chứng chỉ tiền hôn nhân thì mới được đăng ký kết hôn". Để có chứng chỉ này, người muốn kết hôn cần qua lớp học về hôn nhân và gia đình, trong đó học cách làm cha làm mẹ, học cách dậy con cái…
Kiến nghị trên đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thực hiện được ở Việt Nam là điều rất tốt. Nhưng không ít người lại cho rằng, chứng chỉ nếu áp dụng cũng chỉ là hình thức.
Trước khi kết hôn, học tiền hôn nhân là điều rất cần thiết. Ảnh minh họa
Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, hôn nhân là bước tiến quan trọng của đời người. Khi bước vào hôn nhân, ai cũng mong có cuộc sống hôn nhân được hạnh phúc, ổn định nhưng đòi hỏi cả hai cần có trang bị cho bản thân những kiến thức bổ ích để thích nghi với cuộc sống mới. Điều này giúp cả hai có thể thấu hiểu, lắng nghe, chia sẻ và chung sống lâu dài với bạn đời một cách hạnh phúc.
Nhiều bạn trẻ khi kết hôn thiếu cơ bản kỹ năng sống, kiến thức về sức khỏe, giao tiếp, xử lý mâu thuẫn trong gia đình. Chính điều này khi về sống chung dẫn tới những xung đột mà không biết cách giải quyết, ly hôn là điều dễ xảy ra.
"Việc chủ động trang bị cho mình những kiến thức cơ bản trước hôn nhân là điều cần thiết và quan trọng. Tham gia khóa học tiền hôn nhân giống như một cuốn cẩm nang giúp các cặp đôi tự tin hơn trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Thế nhưng, việc cụ thể trong luật lại là điều khó. Theo tôi được biết hiện chưa thấy nước nào đưa vào luật. Hơn nữa, vấn đề được kết hôn là quyền của mỗi con người. Thay vì cứng nhắc trong luật, cần tuyên truyền, vận động để các cặp đôi tự nguyện. Khi thấy được lợi ích, chứng chỉ này sẽ có số đông ủng hộ" – chuyên gia Lê Thị Túy cho hay.
Giới trẻ hiện đang kết hôn nhưng không có kiến thức nhiều lĩnh vực khiến tỷ lệ ly hôn khá lớn. Một công trình nghiên cứu xã hội học của TS Nguyễn Minh Hòa (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM) cho thấy rằng, tỉ lệ ly hôn ở nước ta là 31,4%. Cứ 3 cặp vợ chồng có 1 cặp ly hôn và 60% vụ ly hôn là ở những gia đình trẻ và hầu hết đã có con.
Đồng quan điểm, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho rằng, để bước vào hôn nhân sự chuẩn bị là rất quan trọng. Các cặp vợ chồng trẻ hiện nay phần nhiều chưa được tiếp cận lớp những kiến thức tiền hôn nhân một cách bài bản và cũng chưa nhận thức rõ được sự cần thiết phải học lớp tiền hôn nhân. Các lớp học tiền hôn nhân đã có nhưng rất ít. Nhiều người còn chưa biết đến các lớp học này. Các bạn trẻ hiện vẫn tìm hiểu chủ yếu qua sách báo, qua mạng hay lời khuyên từ bạn bè…
Ở các nước trên thế giới, các lớp học tiền hôn nhân rất phổ biến bởi việc biết trước những khó khăn mình sẽ phải đối mặt khi kết hôn sẽ giúp các cặp vợ chồng biết ứng xử với nhau, xử lý các tình huống ra sao cho thuận hòa, tránh lụi tàn trong hôn nhân.
Các nhà xã hội học đều cho rằng, để chung sống với nhau ngoài tình yêu cần sự chia sẻ, chấp nhận sự khác biệt. Không tìm được tiếng nói chung, với những mối quan hệ mới, xung đột liên quan ở nhiều khía cạnh của đời sống hôn nhân từ kinh tế đến nuôi dạy con cái, đối nội đối ngoại… sẽ dẫn tới những rạn nứt vợ chồng. Hôn nhân tan vỡ, hệ lụy đáng buồn nhất vẫn là những đứa trẻ trong gia đình phải gánh.
Theo "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030", khuyến khích nam nữ kết hôn...
Nguồn: [Link nguồn]