Chùm ảnh: Trai làng đóng khố vật cầu bùn
Trai làng mình trần, đóng khố, vật lộn quyết liệt dưới bùn để đưa quả cầu vào hố. Cầu đưa vào hố càng nhiều thì năm đó cả làng càng may mắn…
Vật cầu bùn là lễ hội độc đáo của tỉnh Bắc Giang, diễn ra hai năm một lần vào các ngày 12,13 và 14 tháng Tư âm lịch tại thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang.
Hội vật được tổ chức trên sân bùn nhão khoảng 200m2, ở hai đầu sân có hai hố để đẩy cầu xuống, mỗi lần đẩy được cầu xuống hố là kết thúc một hiệp.
16 thanh niên khỏe mạnh tham gia hội vật gọi là “quân cầu” được chia làm bốn giáp (mỗi giáp bốn người), bốn giáp lại được chia làm hai đội (mỗi bên tám người) gọi là giáp trên và giáp dưới.
Tiêu chuẩn để làm quân cầu là những trai làng chưa vợ, khoẻ mạnh, nhà không có tang và bệnh tật. Làng cử ra một ban huấn luyện để dạy cho các quân cầu cách đi đứng, cách để tay, cách ngồi, cách chơi cầu.
Theo truyền thuyết, hội vật cầu bùn có từ thời Lý Bôn, Lý Bí đánh đuổi quân Lương (thế kỷ 4-5) gắn với sự tích bốn anh em Trương Hống, Trương Hách, Trương Lừng, Trương Lẫy khi đi qua làng đã chiến thắng lũ quỷ trong trận vật cầu ở đầm lầy.
Một số hình ảnh tại Lễ hội vật cầu bùn ở Bắc Giang:
“Quân cầu” ăn cỗ trận, gồm hoa quả và rượu làng Vân
Quả cầu trong hội vật làm bằng gỗ lim nặng 20kg được lưu truyền trong đình làng từ đời này qua đời khác
Trước khi vật cầu, hai đội cầu cử lần lượt các đôi vật thi với nhau.
Quả cầu đưa ra giữa sân và nâng lên cao, reo hò và tranh nhau quả cầu để đặt vào lỗ của bên đối phương.
Một người ôm cầu được cả hai đội nâng lên, reo hò
Theo quan niệm của người dân nơi đây, mỗi lần cầu được đẩy xuống hố tượng trưng cho đất trời hòa hợp, mưa thuận gió hòa giúp mùa màng bội thu...
Mục đích của trò vật là mua vui cho cả làng nhưng cũng không kém phần quyết liệt.
Hễ một người ôm được quả cầu là cả đám trai làng chạy theo chặn không cho đối phương đưa cầu vào hố của minh
Khán giả phải che chắn cẩn thận mỗi khi các “quân cầu” tới gần
Một “quân cầu” rửa mặt vì bùn đất bám đầy vào miệng và mắt
Lễ hội vật cầu bùn mang đậm yếu tố tâm linh và phồn thực. Trong khi các trai làng vật lộn để đưa quả cầu vào hố, những phụ nữ trong làng liên tục gánh nước đổ thêm vào sân vật và hố cầu.
Sau hội vật, các trai làng lấm lem bùn đất từ đầu tới chân