Chỉ bán thịt trong 8 giờ: Quy định cho vui?

Làm nghề gần chục năm nay, tôi khẳng định đa số các hàng đều phải bán qua trưa, thậm chí đến chiều mới hết.

Tại một số chợ của Hà Nội như chợ: Cầu Lủ, Ngô Sỹ Liên, Cầu Giấy vào ngày 11/8, khi chúng tôi đề cập đến quy định của Bộ NN & PTNT về việc thịt sống chỉ được bán trong 8 giờ sau khi giết mổ, bắt đầu áp dụng từ 3/9, hầu hết tiểu thương đều biết thông tin này và họ bàn tán rất sôi nổi…

Chỉ bán thịt trong 8 giờ: Quy định cho vui? - 1

Sau ngày 3/9, người tiêu dùng sẽ mua được thịt tươi sống trong 8 giờ? (ảnh chụp sáng 12/8 tại chợ Cầu, đường Nguyễn Văn Quá, TPHCM)

Thịt ế để tủ lạnh bán tiếp

Tại chợ Cầu Lủ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có tới chục quầy bán thịt. Trong vai người mua hàng, chúng tôi đề cập tới quy định (Thông tư 33 của Bộ NN & PTNT) về việc thịt sống chỉ được bán trong 8 giờ sau khi mổ thì chị Phạm Thị Hương – một người bán thịt lợn cho biết: “Chỉ tính riêng thời gian giết mổ, làm thủ tục kiểm tra, vận chuyển rồi mang ra bán cũng đã hết gần 8 giờ. Quy định bán thịt sống chỉ trong 8 giờ thì làm sao bán hết thịt được? Hôm nào hàng chạy thì bán hết ngay trong buổi sáng, chứ không thì vẫn phải bán quá trưa sang chiều để vớt vát chút vốn. Bên cạnh đó, nếu thực hiện quy định này thì chủ lò mổ phải giết mổ hai lần, vào tờ mờ sáng để bán thịt buổi sáng và vào trưa để bán cho buổi chiều. Trong khi đó đa số các lò mổ hiện chỉ giết mổ một lần vào lúc sáng sớm, không biết họ sẽ làm thế nào?”.

Không chỉ chị Hương mà ngay cả người dân đi mua hàng ở chợ Lủ cũng tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của Thông tư 33. Chị Nguyễn Thị Huyền, trú tại Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân, Hà Nội), khách hàng của chị Hương nói: “Nếu thực hiện được quy định đó thì tốt quá, nhưng thực tế các quầy thịt ở chợ này thường bán từ sáng tới tối, nhiều hôm trời mưa, thịt ê hề chẳng có người mua. Thịt đó họ không mang về cho vào tủ lạnh để hôm sau bán thì bỏ đi sao? Đi chợ buổi chiều thì chắc chắn là ăn thịt quá 8 giờ rồi, chỉ còn cách là đi chợ sớm thôi. Theo tôi, quy định có vẻ khó thực thi, họ không làm thì ai bắt được họ, bởi họ có bắt ai mua thịt của mình đâu?”.

Ngoài những băn khoăn trên, chị Huyền còn cho rằng hiện không có tiêu chí cụ thể nào để biết được thịt sống đang bán đã quá 8 giờ hay trong 8 giờ sau giết mổ. Điều nữa là lực lượng nào đi kiểm tra thịt tại tất cả các chợ, nếu tiểu thương vi phạm thì xử phạt thế nào, nếu làm không đến nơi, đến chốn thì quy định cũng chỉ để cho vui, rồi chìm vào quên lãng mà thôi.
 
Quy định bất khả thi

Tại chợ Ngô Sỹ Liên, chị Nguyễn Thị Mai - chủ một quầy kinh doanh thịt lợn nói thẳng: “Chúng tôi không bán thịt ôi, thịt lợn bệnh là được, quy định chỉ được bán thịt sau 8 tiếng giết mổ thì quá vô lí”. Theo chị Mai, lợn thường được làm thịt từ 2-3 giờ sáng, tiểu thương đến nhập hàng tại các lò mổ vào lúc 4-5 giờ và mang ra chợ bán vào lúc 7 giờ, như vậy quy trình giết mổ, vận chuyển đã ngốn đến 6 tiếng đồng hồ, nếu chỉ được bán trong 8 giờ thì không thể làm được. “Làm nghề gần chục năm nay, tôi khẳng định đa số các hàng đều phải bán qua trưa, thậm chí đến chiều mới hết”, chị Mai phân trần.

Chỉ bán thịt trong 8 giờ: Quy định cho vui? - 2

Do chợ chỉ họp buổi sáng nên các quầy thịt lợn ở chợ Nam Trung Yên chỉ bán đến 12 giờ trưa

Tại chợ Nam Trung Yên (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), khu chợ này chỉ bán hàng vào buổi sáng, hầu hết tiểu thương không hề biết tới Thông tư 33 của Bộ NN&PTNT. Chị Hoài, người bán thịt tại chợ cho biết: “Tôi chưa biết quy định chỉ được bán thịt trong vòng 8 giờ sau khi mổ. Chúng tôi ở đây chỉ họp chợ đến 12h, nếu hàng không bán hết thì buổi chiều lại mang nhập cho các nhà hàng. Tôi thấy nhiều nơi họ lấy thịt buổi sáng và bán cả ngày, quy định này nếu được áp dụng thì cũng khó có hiệu quả”.

Chị Minh Huyền (người dân tại khu Nam Trung Yên) chia sẻ: “Quy định thịt sống chỉ được bán trong vòng 8 giờ, nếu các chủ lò mổ trung thực, người bán hàng trung thực, cơ quan chức năng giám sát thường xuyên thì may ra mới khả thi. Nhưng kinh doanh thì lợi nhuận là hàng đầu, nên người ta sẽ nghĩ cách để hợp lý hóa các quy định. Với nhiều người mua, để phân biệt đâu là thịt tươi, thịt “quá đát” đã khó, nói gì tới chuyện phân biệt thịt đã quá thời hạn 8 giờ hay chưa”.

Theo chị Huyền thì bây giờ đi chợ nhiều khi “nhắm mắt đưa chân”, cứ coi như không có sản phẩm nào độc hại để mà đủ can đảm ăn. Quy định chỉ là tờ giấy, lương tâm của con người từ các khâu nuôi dưỡng, giết mổ, phân phối, kiểm duyệt mới là điều quan trọng...

Trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân

Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN & PTNT) Hoàng Văn Năm cho biết, trên thực tế, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thường bắt đầu hoạt động từ khoảng 3h – 4h sáng, vì thế thịt sau khi giết mổ sẽ thường bán hết trong buổi sáng, trước 12 giờ (không quá 8 giờ - PV). Thông tư 33 ban hành để hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật An toàn thực phẩm, do vậy việc thực hiện và giám sát thực hiện là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Để triển khai thực hiện cần có sự chỉ đạo kiên quyết của chính quyền các cấp, sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, ngành liên quan, ban quản lý chợ, tạo thuận lợi cho cơ quan thú y thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình. Bên cạnh đó, chi cục thú y các tỉnh, thành phố tham mưu cho chính quyền các cấp về việc triển khai thực hiện đồng thời hướng dẫn các cơ sở giết mổ, bảo quản, kinh doanh về các yêu cầu vệ sinh thú y và thực hành vệ sinh để cung cấp sản phẩm chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.
 
Quy định khó thực hiện

Trao đổi về tính khả thi của quy định thịt, phụ phẩm tươi sống chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ, GS Võ Tòng Xuân – một chuyên gia am hiểu về trồng trọt, chăn nuôi thẳng thắn nói: “Quy định này không thể thực hiện một cách triệt để trong cuộc sống. Hàng thịt được bày bán khắp thôn, xóm, len lỏi trong từng ngõ ngách, không có cách gì kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Bản thân người dân, nhất là người nghèo đôi khi cũng chấp nhận mua thịt bán vào cuối ngày vì giá rẻ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Nam – Thảo Thuận (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN