Cháy xe ở Bắc Giang: Gần 1.000 CN đi làm lại

Bốn ngày sau vụ cháy lớn tại Cty CP may xuất khẩu Hà Phong, hôm nay (10/4) khoảng 1.000 công nhân (CN) sẽ trở lại làm việc, số còn lại trong tuần này cũng sẽ trở lại Cty. Cty cam kết sẽ đảm bảo quyền lợi của NLĐ bị thiệt hại tài sản trong vụ cháy.

Nhanh chóng ổn định lại sản xuất

Chỉ bốn ngày sau vụ hỏa hoạn thiêu rụi hơn 11.000m2 nhà xưởng, văn phòng Cty CP may XK Hà Phong đã lắp đặt xong giàn máy mới tại khu nhà xưởng tạm để đón công nhân trở lại NM. Bà Vũ Thị Thanh Hà - Phó Chủ tịch Công đoàn Cty - cho hay: “Ngày 10/4, 9 đến 10 dây chuyền sẽ hoạt động kéo theo khoảng 1.000 CN sẽ trở lại làm việc. Số còn lại sẽ quay trở lại Cty trong hai ngày tới”. Vụ cháy chiều 6/4 đã khiến gần 2.000 CN thuộc 2 xưởng của Cty phải tạm thời nghỉ việc.

Lãnh đạo Cty cho biết, các CN được nghỉ theo chế độ nghỉ phép, trong thời gian nghỉ vẫn được hưởng nguyên chế độ lương, phép như bình thường.

Một vấn đề khác liên quan đến chế độ của NLĐ cũng được đặt ra là toàn bộ máy tính khu vực văn phòng đã bị thiệt hại khiến Cty mất dữ liệu lương, chấm công của CN. Phía Cty cũng đã chấn an NLĐ bằng việc sẽ tìm mọi cách để trả lương đầy đủ, kể cả tiền chuyên cần chứ không tính theo lương cơ bản.

Cháy xe ở Bắc Giang: Gần 1.000 CN đi làm lại - 1

Công nhân phân xưởng 3 - 4 của Cty Hà Phong vẫn làm việc bình thường sau vụ cháy.

Cty dự kiến sẽ tổ chức phương án chia 24 giờ của một ngày thành hai ngày làm việc để tạo việc làm cho CN. Cụ thể, Cty sẽ hoạt động theo hai ca chính: Ca 1 từ 5h00 đến 14h00 và ca 2 từ 14h00 đến 22h00. Phương án này sẽ giúp công việc chạy xuyên suốt trong ngày và NLĐ đều có việc làm. BCH CĐ Cty cho biết, theo kế hoạch phương án chia ca này sẽ thực hiện đến ngày 10/5, sau đó Cty sẽ trở lại hoạt động bình thường.

Bồi thường hay hỗ trợ?


Chiều 9/4, có mặt tại Cty, chúng tôi nhận thấy hiện trường vụ việc vẫn được giữ nguyên. Trong khuôn viên Cty có sự tăng cường của một số CA xã nhằm nhiệm vụ giữ nguyên hiện trường chờ giám định. Được biết, tài sản bị thiệt hại của Cty CP may XK Hà Phong đã được mua bảo hiểm theo các gói khác nhau bao gồm: Nhà xưởng, thiết bị máy móc, nguyên liệu, thành phẩm... Cty bảo hiểm Xuân Thành Bắc Lạng (thuộc TCty CP Bảo hiểm Xuân Thành) cũng đã xác nhận là đơn vị ký hợp đồng bảo hiểm với Cty CP may XK Hà Phong. Ngày hôm qua (9/4) vẫn chưa đưa ra con số thiệt hại sau vụ cháy, nhưng ước tính phải hàng trăm tỉ đồng.

Vụ cháy làm Cty thiệt hại hàng trăm tỉ, còn khiến hàng nghìn CN lao đao vì nhà để xe cũng bị thiêu rụi. Sau buổi thống kê vào chiều 8/4, Cty cho biết, NLĐ trong hai phân xưởng bị hỏa hoạn đã kê khai gần 1.400 phương tiện bị cháy. CN trong Cty đang rất quan tâm tài sản thiệt hại của mình sẽ được chi trả đền bù ra sao?

Phía Cty bảo hiểm Xuân Thành Bắc Lạng chỉ ký hợp đồng bảo hiểm tài sản của Cty, còn phần đông NLĐ không mua bảo hiểm tài sản xe máy hoặc đã bị cháy hết giấy tờ liên quan. Luật sư Trịnh Anh Dũng (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, những xe máy, xe đạp của CN bị thiệt hại cần được phía Cty bồi thường chứ không phải hỗ trợ. Bởi NLĐ gửi xe trong khu vực trông giữ của Cty nên khi tài sản bị hư hại, phía trông giữ phải có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đây là trường hợp bất khả kháng (hỏa hoạn) nên có thể xem xét hỗ trợ tùy thực tế.

Trước băn khoăn của NLĐ, đại diện Cty CP may XK Hà Phong cam kết sẽ đảm bảo quyền lợi thỏa đáng nhất cho NLĐ sau khi có kết luận giám định hiện trường và việc rà soát số khung, số máy các xe bị hỏa hoạn.   

Học kinh nghiệm từ đống tro tàn

Chiều 9/4, khoảng hơn 30 người là tổ trưởng, tổ phó các tổ sản xuất của Cty CP may Xuất khẩu Hà Bắc (KCN Đình Trám, Bắc Giang) đã được đến tham quan hiện trường vụ cháy tại Cty Hà Phong. Việc này nhằm mục đích để NLĐ thấy được thiệt hại ghê gớm của hỏa hoạn trong NM, thực tế thoát hiểm và những điều cần rút kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất may mặc.

Cùng ngày, 2.500 NLĐ của Cty CP may xuất khẩu Hà Bắc đã đóng góp mỗi người một ngày lương để ủng hộ các CN gặp hỏa hoạn tại Cty Hà Phong, số tiền vận động được lên đến hơn 600 triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vinh Hải (Lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN