Cầu "tử thần" Chu Va 6 tải được 135 người

Theo đúng thiết kế cầu có thể chịu sức nặng khoảng 135 người. Nhưng vụ tai nạn sáng 24/2, trên cầu chỉ có khoảng 50 người.

Hôm nay (11/3), Bộ GTVT chính thức có báo cáo kết quả điều tra nguyên nhân sự cố lật cầu Chu Va 6 làm 8 người chết tại Lai Châu. Theo đó, nguyên nhân chính vụ tai nạn là cầu bị làm sai kỹ thuật chứ không phải do quá tải.

Cầu Chu Va 6 thiết kế cho xe gắn máy, đoàn người đi bộ, xe súc vật kéo, tải trọng ≤ 1,5 tấn, tải trọng rải đều theo chiều dài cầu là 150 kg/m. Xét đến hệ số vượt tải, cầu có thể chịu tổng tải trọng là 11,34 tấn. Neo được thiết kế có khả năng chịu lực tối thiểu 60 tấn/bên và tổng khả năng chịu lực của 2 neo là 120 tấn.

Với đoàn người (trung bình 60 kg/ người) rải đều trên cầu nhưng không đi đều làm cộng hưởng, cầu có thể chịu sức nặng khoảng 135 người. Theo hình ảnh ghi lại vụ tai nạn, có khoảng 50 người đi trên một nửa chiều dài cầu phía bản Chu Va 6. Tính ra tải trọng rải đều dọc cầu là ≈ 111 kg/m, nhỏ hơn 150 kg/m. Hình ảnh ghi lại cũng cho thấy người đi trên cầu không đều bước, không xảy ra hiện tượng cộng hưởng. Môi trường, thời tiết lúc đó hoàn toàn bình thường.

Như vậy, cơ quan của Bộ GTVT chính thức loại trừ nguyên nhân quá tải gây sập cầu.

Bộ GTVT khẳng định, việc chế tạo ắc neo tăng đơ của cầu đã có sai sót lớn: làm không đúng thiết kế và không tuân thủ quy trình kỹ thuật.

Cầu "tử thần" Chu Va 6 tải được 135 người - 1

Hiện trường vụ lật cầu Chu Va 6

Đoạn neo vỡ được thiết kế bằng thép đúc, diện tích mặt cắt ngang chỗ nhỏ nhất là 50cm2. Tạm tính thép kết cấu cầu thông thường có khả năng chịu lực khoảng 100 tấn/bên, tổng là 200 tấn.

Tuy vậy chiếc neo đứt có hình dáng và kích thước không đúng thiết kế. Vị trí nhỏ nhất có tiết diện gần bằng 25cm2 (khoảng 50% tiết diện thiết kế).

Neo đứt bị phá hoại giòn gây ra đứt vỡ đột ngột. Bề mặt lỗ chốt phía trong lồi lõm, có khả năng được gia công tạo lỗ bằng cách gia nhiệt thổi xuyên chiều dày, làm thay đổi tính chất cơ lý của vật liệu. Tổ công tác của Bộ xác đinh, đây là nguyên nhân trực tiếp gây sự cố.

Trong hồ sơ thiết kế, đơn vị tư vấn thiết kế đã ghi rõ: Các lỗ luồn bu lông phải được chế tạo bằng cách khoan hoặc đột; tuyệt đối không được tạo lỗ bằng cách dùng que hàn để "thổi".

Tổ công tác chưa xác định được trọng lượng của quan tài trong lễ đưa tang nên đề nghị làm rõ trong quá trình điều tra tiếp theo.

Cũng theo kết quả điều tra, việc thi công trụ tháp neo cũng không đúng yêu cầu kỹ thuật. Ốp gạch trát phủ ngoài trụ tháp là phần không có trong hồ sơ thiết kế, cũng không đúng quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Ngoài cầu Chu Va 6, Tổ công tác còn kiến nghị giao cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT rà soát kỹ  hồ sơ thiết kế, trình tự đầu tư của cả cầu treo giao thông nông thôn Chu Va 8. Cầu này cách cây cầu bị lật khoảng 500m. Cả hai cầu đều do cùng một đơn vị thiết kế và thi công.

Bộ GTVT đã có văn bản gửi Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, đề nghị phối hợp giám định chất lượng neo bị đứt, đến nay chưa có kết quả.

Bộ GTVT cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lai Châu và Bộ Công an đề nghị xem xét khởi tố vụ án để truy cứu trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sự cố lật cầu treo Chu Va 6.

Cầu treo dân sinh Chu Va 6 được sử dụng từ tháng 12/2012. Sáng 24/2, khi người dân bản Chu Va 6 đang tổ chức đám tang thì cầu lật. Vụ việc làm 8 người chết và 38 người bị thương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thư Lê ([Tên nguồn])
Lật cầu thảm khốc ở Lai Châu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN