Cần tới 73.000 tỉ để chống ngập cho Sài Gòn

Sự kiện: Thời sự

Trong tổng nguồn vốn hơn 73.000 tỉ đồng cần huy động chống ngập trong 4 năm, ngân sách của TP.HCM chỉ chiếm khoảng 6.300 tỉ đồng.

Các dự án chống ngập thuộc quy hoạch thoát nước 752 (gọi tắt là quy hoạch thoát nước) của TP.HCM trong giai đoạn 2016-2020 cần huy động hơn 52.570 tỉ đồng.

Cùng giai đoạn này, các dự án thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập 1547 ( gọi tắt là thủy lợi) cần huy động hơn 20.480 tỉ đồng.

Tổng cộng, chỉ trong 4 năm TP.HCM cần huy động hơn 73.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án chống ngập.

Những số liệu trên được thể hiện trong báo cáo của UBND TP.HCM vừa gửi Bộ KH-ĐT để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí các nguồn vốn thực hiện các dự án chống ngập.

Cần tới 73.000 tỉ để chống ngập cho Sài Gòn - 1

Số tiền  cần huy động thực hiện các chống ngập cho TP.HCM  đã lên đến 73.000 tỉ đồng. Trong ảnh: Đường Phạm Văn Đồng mới đưa vào sử dụng cũng bị ngập khi mưa lớn. Ảnh: K.B

Theo UBND TP, trong số 73.000 tỉ đồng thực hiện các dự án chống ngập, ngân sách của TP chỉ chiếm khoảng 6.300 tỉ đồng.  Ngân sách từ Trung ương hơn 10.000 tỉ đồng. Còn lại phải huy động bằng nguồn vốn xã hội hóa - PPP ( hợp tác công tư) và vốn ODA.

UBND TP cho biết, hiện TP đã hoàn tất các thủ tục trình Bộ KH-ĐT xem xét trình Thủ tướng Chính phủ thông qua 36 dự án đầu tư với tổng kinh phí hơn 9.960 tỉ đồng. Đây là các dự án thực hiện bằng nguồn vốn từ Quỹ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp của trung ương.

Cần tới 73.000 tỉ để chống ngập cho Sài Gòn - 2

Ngoài dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng đang tổ chức thi công, còn nhiều dự án thuộc quy hoạch thủy lợi 1547 chưa có nguồn vốn để thực hiện. Ảnh: K.B

Ngoài ra, UBND TP cũng kiến nghị Bộ KH-ĐT hỗ trợ TP trong việc kêu gọi, bố trí nguồn vốn ODA để thực hiện các dự án xây dựng cống bao và nhà máy xử lý nước thải với tổng mức đầu tư hơn 26.360 tỉ đồng.

Liên quan đến các dự án chống ngập thuộc quy hoạch thủy lợi, trong báo cáo vừa trình Bộ NN&PTNT, Trung tâm Chống ngập TP.HCM cho biết, do tình hình kinh tế khó khăn nên nguồn ngân sách không đáp ứng đủ nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng công trình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo TRUNG THANH (Pháp luật TP.HCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN