Cấm CSGT dùng điện thoại đi động khi tuần tra

Qui định trên mới được đưa ra nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của CSGT cũng như phòng ngừa tiêu cực.

Mới đây, Đại tá Nguyễn Hải Sơn, Giám đốc Công an Hậu Giang cho biết, các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ bắt đầu thực hiện quy định không sử dụng điện thoại di động khi tuần tra, kiểm soát giao thông.

Theo đó, từ ngày 10/4, lực lượng CSGT công an Hậu Giang khi làm nhiệm vụ không được sử dụng, không được nghe điện thoại di động của bất kỳ cá nhân nào can thiệp trong quá trình tuần tra, kiểm soát giao thông.

Qui định này được đưa ra nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ. Bên cạnh đó, đây cũng được xem là biện pháp tốt để ngăn ngừa tiêu cực có thể xảy ra cũng như tránh được tình trạng lãnh đạo hoặc người thân liên hệ với lực lượng làm nhiệm vụ để can thiệp vào việc xử lý vi phạm Luật giao thông đường bộ.

Để đảm bảo việc thông tin liên lạc trong quá trình làm việc, lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát được trang bị máy bộ đàm nội bộ phủ sóng trên khắp địa bàn tỉnh vì hiện nay hạ tầng thông tin của ngành công an đã hoàn chỉnh.

Cấm CSGT dùng điện thoại đi động khi tuần tra - 1

Lực lượng CSGT Hậu Giang không sử dụng điện thoại di động khi tuần tra, kiểm soát giao thông. (Ảnh minh họa)

Lãnh đạo công an tỉnh và chỉ huy lực lượng CSGT sẽ có biện pháp theo dõi tổ tuần tra về việc thực hiện quy định trên.

Được biết, Hậu Giang là tỉnh đầu tiên ở miền Tây đưa ra quy định không cho cảnh sát giao thông sử dụng điện thoại khi tuần tra, kiểm soát giao thông. Quy định này được đưa ra trong thời điểm tỉnh Hậu Giang hưởng ứng năm an toàn giao thông quốc gia 2013 với chủ đề "Nâng cao văn hóa, ứng xử của người thi hành công vụ".

Trước đó, vào cuối năm 2011, Công an Tp.HCM cũng đưa ra một quy định thu hút sự chú ý lớn của dư luận, đó là các chiến sĩ CSGT không được mang quá 100.000 đồng khi làm nhiệm vụ. Quy định khá đặc biệt này được xác định áp dụng riêng cho lực lượng CSGT (PC67) nhằm kiểm soát và chống tiêu cực.

Theo đó, nếu phát hiện số tiền trên 100.000 đồng trong người CSGT thì người này phải giải trình số tiền dư, sau đó phụ thuộc vào kết luận điều tra của cơ quan chức năng mà đưa ra quyết định xử phạt cụ thể. Trong trường hợp, CSGT muốn mang theo tiền để sau khi hoàn thành nhiệm vụ đi xử lí việc cá nhân thì số tiền đó phải niêm phong và có chữ kí của lãnh đạo Đội CSGT. Bên cạnh đó, CSGT có thể mang theo điện thoại, tuy nhiên, không được sử dụng trong lúc đang làm nhiệm vụ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trang Linh (VOV giao thông)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN