Cả họ làm quan: Bửu bối “quy trình”

Sự kiện: Thời sự

Thông tin ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, có vợ, em trai, em gái và một số người thân đang nắm giữ vị trí lãnh đạo các cơ quan, ban ngành tại tỉnh này đang gây xôn xao dư luận.

Trước đó, ông Võ Thành Long, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng cho hàng loạt người nhà, riêng vợ ông được đưa vào danh sách quy hoạch phó cục trưởng. Tháng 9-2015, Báo Người Lao Động có bài “Cả họ tham gia bộ máy lãnh đạo huyện”, phản ánh bộ máy chính quyền tại huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội có 13 phòng, ban thì hơn 10 người là anh em, họ hàng với lãnh đạo huyện. Nhiều vị trí quan trọng của huyện có liên quan trực tiếp tới Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Lê Văn Sang.

Thực trạng “cả họ làm quan” hoặc người thân nắm giữ những vị trí quan trọng không phải là chuyện mới mà đã diễn ra ở nhiều cơ quan, ban ngành, địa phương, từ đó mới có thành ngữ hiện đại: “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”.

Trong vụ việc của ông cục trưởng cục thuế và ông bí thư tỉnh ủy, các ông đều nói việc bổ nhiệm người thân là đúng quy trình và được tập thể tín nhiệm. Ông Vinh còn nói chính ông đã cản nhiều lần, đã “không vui” nhưng rồi không thể từ chối được.

“Đúng quy trình” đã trở thành một thứ bửu bối được đưa ra khi gặp chuyện phải trả lời công luận sau một sự cố nào đó. Chuyện cả nhà, dòng họ làm quan “đúng quy trình” thì nhìn vào không sai nhưng dư luận thấy có gì đó không hay, không ổn và đặt ra nhiều câu hỏi. Làm sao có thể gọi là khách quan khi nói làm đúng, đủ các bước nhưng ai làm, có dám chắc không có tình riêng trong các bước đó?

Đại biểu Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, từng nhận định không thể cài cắm con em rồi nói đúng quy trình. Có quy trình đúng mà đưa ra những con người vào vị trí sai, không đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân thì không bảo đảm công bằng xã hội. Vì sao sau khi người ta đã ngồi đủ vào những chiếc ghế “béo bở” ấy, mọi chuyện mới rộ lên? Có phải do cơ chế giám sát còn lỏng lẻo, không phát hiện từ đầu sự bất thường? Chắc chắn là nhìn thấy sự bất thường nhưng người ta không dám nói, không dám phê và tự phê để yêu cầu minh bạch. Nói ra chưa chắc đã yên thân, không chừng “được vạ thì má đã sưng” bởi quyền hành trong tay người khác.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, công tác cán bộ là một trong 9 vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý đặc biệt quan tâm. Thủ tướng nhấn mạnh: “Cần chấn chỉnh ở tất cả các khâu tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm. Chúng ta thi tuyển để tìm người tài chứ không phải để tìm người nhà, đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”.

Để làm được, trước hết phải xóa bỏ tình trạng phe nhóm trong công tác nhân sự, dùng “bùa phép” để hợp thức hóa quy trình, tạo dựng không gian quyền lực của vây cánh là sự cứng nhắc, độc đoán, chuyên quyền. Đồng thời, phải hết sức tránh tình trạng quy hoạch “xí phần, giữ chỗ” để cất nhắc người nhà, loại bỏ người tài.

Trong một số chức danh, lĩnh vực nên công khai thi tuyển để chọn người tài thực sự. Khi người tài được đặt đúng nơi, đúng chỗ, dư luận mới “tâm phục khẩu phục”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hiền Minh (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN