Bữa cơm ấm ngày cuối năm

Tết đến, xuân về ai cũng mong mỏi, chờ đợi để được sum vầy cùng người thân bên mâm cơm tất niên. Thế nhưng, vẫn có không ít người phải xa gia đình, nương nhờ trong trung tâm bảo trợ, thụ án trong trại giam, hoặc chữa bệnh tại trung tâm cai nghiện… Dù còn nhiều buồn tủi, nhưng ở đâu cũng có bữa cơm tất niên tươm tất với sự sẻ chia, giúp họ vượt qua mặc cảm để đón một cái tết ấm. 

Bữa cơm đầy nước mắt nhớ nhà

Như các trung tâm khác, hàng năm vào dịp tết đến, xuân về các đối tượng bảo trợ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số II Hà Nội (Viên An, Ứng Hòa, Hà Nội) lại được các tổ chức đoàn thể, Nhà nước, trung tâm hỗ trợ lo đón tết. Thông thường, ngoài tiền hỗ trợ ăn uống sinh hoạt như bình thường, ngày tết mỗi đối tượng còn được nhận thêm 100.000 đồng/4 ngày tết.

Bữa cơm ấm ngày cuối năm - 1
Nhiều trẻ em tại Trung tâm bảo trợ xã hội số 2 Hà Nội  không được người nhà đón về cũng sẽ có  những bữa cơm Tết đầy đủ.  (Ảnh: Thanh Nga)

Ông Đỗ Tiến Vượng – Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số II Hà Nội cho biết, đã thành thông lệ, cứ vào 23 tết, trung tâm sẽ tổ chức một bữa cơm tất niên để tất cả những người thuộc diện bảo trợ đang sinh sống ở trung tâm cùng liên hoan. Sau ngày 25 tết, trung tâm tiễn những người có người thân tới đón về ăn tết. Số còn lại được trung tâm chăm sóc, tổ chức cho đón tết.

“Chiều 30 tết, trung tâm sẽ tiếp tục làm cơm tất niên cho những người ở lại, sau đó đến tối tất cả anh chị em sẽ đón giao thừa tại hội trường trung tâm” – ông Vượng cho biết thêm. Hiện tại trung tâm đang có 235 người bảo trợ thuộc 4 nhóm đối tượng. Năm nay, có hơn 120 người sẽ ở lại đón tết tại trung tâm. Nguồn kinh phí chính để trung tâm làm cơm liên hoan tất niên là số tiền hỗ trợ từ các cá nhân tổ chức, hảo tâm giúp đỡ. Số còn lại được trích từ tiền hỗ trợ của Nhà nước và nguồn thực phẩm như: thịt lợn, rau… từ quỹ tăng gia của trung tâm.

Bữa cơm tất niên chiều 30 với nhiều gia đình là sự sum họp vui vẻ thì ở đây đó lại là bữa cơm buồn nhất. Nhiều người bưng bát cơm lên lại đặt xuống. Bà cụ Hoàng Thị C đã ăn tết 5 năm tại trung tâm, chia sẻ: “Nghĩ tới cảnh tết nhất gia đình sum vầy, còn tôi không nơi nương tựa phải vào ở trung tâm nên buồn lắm”.

Ông Đỗ Tiến Vượng cũng bày tỏ: “Chúng tôi cũng không cầm được nước mắt khi thấy cảnh mấy cụ già gương mặt hốc hác nhường nhau từng lát giò, miếng bánh khi lần đầu tiên ăn tết ở đây. Có cụ, cả đời phiêu bạt khắp nơi, làm đủ nghề, nhưng lúc về già không thể tự kiếm sống được nên vào trung tâm trú ngụ, được ăn một bữa cơm tất niên, được đón giao thừa ấm áp thì cảm động, cứ khóc rưng rức”.

Bữa cơm tất niên khoan hồng

Không giống như những học viên ở trung tâm cai nghiện, hay những người kém may mắn là người già, người neo đơn trong các trung tâm bảo trợ xã hội, những phạm nhân ở tù thường đón nhận bữa cơm tất niên với những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Bữa cơm ấm ngày cuối năm - 2
Bữa ăn cuối năm đầy không khí Tết tại  Trại tạm giam Công an Nghệ An. (Ảnh: MTG)

Những ngày này, không khí tại Trại tạm giam Công an Nghệ An khác so với ngày thường, bởi họ phải tích cực chăm sóc, vỗ béo đặc biệt cho các loại cây, con tăng gia. Từ ngày 23 tháng Chạp trở đi, những phạm nhân nơi đây háo hức chuẩn bị bữa cơm tất niên. Mặc dù đang bị cải tạo, giam giữ nhưng đối với những người đang chấp hành hình phạt tại trại tạm giam Công an Nghệ An, bữa cơm tất niên cũng thực sự ấm áp, nghĩa tình. Bởi đây là sự quan tâm rất sâu sắc của ban giám thị trại, thể hiện rõ nét tính nhân đạo, nhân văn của Nhà nước ta đối với những người lầm lỡ khi xuân về.

Thượng tá Trần Đình Chiến - Phó Giám thị trại tạm giam Công an Nghệ An cho biết: “Ngoài chế độ ăn tết gấp 5 lần hằng ngày theo quy định của Nhà nước, trại tạm giam còn trích kinh phí từ quỹ phúc lợi để cải thiện bữa ăn, đồng thời có được bữa cơm tất niên với đầy đủ những món ăn ngày tết cho các phạm nhân. Ngoài ra, với những phạm nhân không được người thân thăm nuôi, hoặc có hoàn cảnh khó khăn, Ban giám thị cũng trích một phần quà để động viên, giúp họ yên tâm cải tạo”.

GS-TS Xã hội học Đặng Vũ Cảnh Khanh

 Đối với người Việt, bữa cơm tất niên được xem là bữa cơm quan trọng nhất trong năm, là lúc mọi người quây quần, đoàn tụ bên nhau sau những tháng ngày vất vả ngược xuôi, là nơi để gửi gắm những tâm sự, niềm tin, sự hy vọng trong một năm mới sắp đến của tất cả thành viên trong gia đình. Bởi vậy, dù ở đâu thì bữa cơm tất niên vẫn rất thiêng liêng với mỗi người”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Nguyệt ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN