Cuối năm, đền Bà Chúa Kho thưa thớt người "trả nợ"
Những ngày cuối năm Giáp Ngọ, không còn cảnh dòng người nườm nượp đổ về đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) để lễ tạ cuối năm cho món tiền đã vay từ đầu năm của bà Chúa.
Những người buôn bán ở đây cho biết, ngồi cả ngày có khi chỉ được 1,2 khách ghé qua sắm lễ, đổi tiền lẻ. Không như đầu năm, khách vây kín các quầy hàng.
Chị H, một người làm nghề buôn bán trên phố Hàng Bạc (Hà Nội) cho biết: Đầu năm xin lễ, cuối năm lễ tạ đối với chị đã thành một thông lệ. Đầu năm xin lộc bao nhiêu, cuối năm phải tạ lễ tạ Bà đúng số lượng như vậy. Năm vừa rồi làm ăn khó khăn, nên đầu năm tới cũng không dám "ứng trước" của Bà số lượng lớn.
Để tránh tình trạng chèo kéo khấn thuê, xin tiền khách, năm nay Ban quản lý Di tích đền Bà Chúa Kho đã treo biển nhắc nhở du khách không nhờ người “khấn thuê, lễ mướn”. Tuy nhiên trên thực tế tình trạng khấn thuê ở đền vẫn diễn ra.
Theo quan niệm có vay có trả, cuối năm, dòng người lại đổ về đền Bà Chúa Kho để "trả nợ". Tuy vậy, nhưng năm nay không khí đi trả lễ, tạ lễ khá đìu hiu. Chiều 8/2 (tức 20 tháng Chạp âm lịch), cổng chính dẫn lên đền chỉ lác đác người.
Sân đền cũng vắng người đi lễ
Tại điện chính Bà Chúa Kho cũng không còn cảnh chen lấn, xô đẩy
Theo quy định của đền, lần lượt từng người vào bên trong làm lễ nhưng không quá 5 phút
Một số mâm lễ bên trong khá đầy đủ với tiền nhiều mệnh giá. Chủ nhân của những mâm lễ này cầu mong một năm mới công việc thuận lợi, khởi sắc.
Anh Long (Hà Nội) cho biết: "Theo tâm linh, nếu không “lễ tạ” cuối năm, lời cầu xin tài lộc đầu năm của mình sẽ không bao giờ linh ứng. Cho nên, dù bận cuối năm, tôi vẫn phải sắp xếp thời gian về đền Bà Chúa Kho tạ lễ.
Tiền lẻ được nhà đền gom từ điện chính xuống
Khu vực sắp lễ không còn nhiều mâm lễ cao ngất ngưởng.
Những người khấn thuê (chủ yếu là phụ nữ) chỉ chờ khách đến là chủ động đứng ra khấn thuê, sau đó yêu cầu bồi dưỡng “tùy tâm” từ 50.000 - 100.000 đồng
Dịch vụ đổi tiền lẻ ngay tại khu vực cổng chính cũng vắng khách.
Hàng quán và những bàn viết sớ trong phía cổng chính dẫn lên đền vắng bóng người đến mua lễ, xin sớ